Người chuyên sửa 'đồ chơi' đại gia cả chục ngàn USD hơn nửa thế kỷ

Tiến Huy
Tiến Huy
18/05/2018 12:05 GMT+7

Những chiếc hộp quẹt có giá từ 1.500 đến vài ngàn USD, là biểu tượng của 'dân chơi', giới thượng lưu thời trước. Do vậy, nghề sửa hộp quẹt cũng đòi hỏi người làm nghề này phải tỉ mỉ, đặc biệt là phải "liều".

Bỏ nghề giáo để… sửa hộp quẹt
Mặc dù tuổi đã cao, trò chuyện không còn lưu loát nữa nhưng khi nói về cơ duyên đến với nghề, ông Paul Sáng (Phạm Sáng, 85 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) hào hứng cho biết, ông vốn là người gốc miền Bắc, những năm 1950 cùng gia đình di cư vào miền Nam sinh sống.
VIDEO: Độc đáo tiệm sửa đồ chơi 'đại gia' hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn

Theo lời ông Sáng, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ nên ông đã trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh và tiếng Pháp khi còn rất trẻ. Khoảng thời gian ấy, một người bạn của ông có hộp quẹt Dupont bị hư hệ thống mồi lửa nên đã tặng lại. Cái thời ngày xưa ấy thì hộp quẹt Dupont thuộc hàng "quý tộc" trong các loại hộp quẹt sành điệu" vì giá ngất ngưỡng cả cây vàng và chỉ dân chơi cao cấp mới dám bỏ theo người.
Với bản tính thích khám phá tìm tòi nên ông đã tự tháo rời các bộ phận bên trong hộp ra để sửa, sau vài ngày mày mò ông đã “hồi sinh” lại được chiếc Dupont đắt tiền này.
Năm 1955 ông đã chính thức mở riêng cho mình một quầy sửa hộp quẹt Dupont ở đường Nguyễn Thiệp (nay là đường Ngô Đức Kế, Q.1) và lấy tên là Paul Sáng. Lúc này ông vừa đi dạy học vừa sửa hộp quẹt để kiếm thêm thu nhập.
Ông Paul Sáng đang cầm chiếc Dupont hàng limited (phiên bản giới hạn) có giá hàng chục USD. Ông đã giữ chiếc hộp quẹt này hơn 30 năm Ảnh: Tiến Huy
Ông Sáng cho biết lúc bấy giờ làm nghề giáo rất bấp bênh, mức lương khá thấp mà lại tốn nhiều thời gian nên ông đã quyết định nghỉ hẳn việc dạy học để tập trung vào việc sửa chữa hộp quẹt, dành thời gian tìm tòi nghiên cứu về những chiếc Dupont đầy mê hoặc sau những đắn đo, nuối tiếc về nghiệp truyền đạt kiến thức của mình.

Ông Sáng tiết lộ, những chiếc hộp quẹt Dupont thường có giá trị rất cao, không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn là biểu tượng của “dân chơi”. Những ai sở hữu được chiếc hộp quẹt này đều nằm trong giới thượng lưu, có tiền chưa chắc đã mua được bởi nhiều loại chỉ sản xuất giới hạn, không đại trà.
Nhớ lại một kỉ niệm khó quên trước đây, ông Sáng bồi hồi: “Hồi ấy cỡ 1955 1956, có một người lính Sài Gòn đem hộp quẹt tới cho tôi sửa, sau khi sửa thành công tôi mới biết hộp quẹt đó của ông Ngô Đình Diệm. Vì sửa thành công nên ông Diệm đã tặng cho tôi một chiếc Zippo cực hiếm, do ổng đặt riêng và tôi vẫn còn giữ nó đến tận bây giờ”.
“Ăn tiền hay không là ở tiếng kêu coong-coong khi mở nắp hộp quẹt, tiếng kêu càng sắc lẹm thì càng quý và đắt tiền”, ông Paul Sáng hào hứng.
Đến nay, tiệm của ông đã chuyển cơ sở qua đường Trần Quang Khải (Q.1) do con trai ông là Phạm Thần Phong (51 tuổi, ngụ Q.1) tiếp tục kế thừa sự nghiệp.
Nghề không thể bỏ
Mặc dù ông Paul Sáng có đến 10 người con nhưng chỉ duy nhất ông Phạm Thần Phong là nối nghiệp cha sửa chữa hộp quẹt đến tận bây giờ.
Những loại hộp quẹt “sang chảnh” bật nhất, có loại lên đến cả chục ngàn USD Ảnh: Tiến Huy

Ông Phong chia sẻ: “Hồi nhỏ tôi suốt ngày quấn cha, thấy ông sửa mấy loại hộp nhỏ quẹt ra lửa nên tôi thích thú, một mực đòi cha chỉ dạy, 18 tuổi đã biết sửa kiếm tiền rồi. Qua nhiều thăng trầm, trở ngại nhiều lúc tôi cũng muốn thôi nhưng nghĩ lại cái nghề này nó theo tôi từ lúc mới lớn, với lại khách người ta “không cho”, vì họ bảo tôi nghỉ rồi thì ai sửa hộp quẹt cho họ nữa. Có nhiều người đam mê ở tít ngoài Hà Nội vào tận đây để học hỏi kĩ năng và kinh nghiệm sửa chữa”.
Giải thích về nguyên do có rất ít người sửa loại đồ chơi “quý tộc” này, ông Phong cho rằng vì khá hiếm linh kiện để thay và đặc biệt là phải có sự “can đảm” bởi hộp quẹt và linh kiện đều ít phổ biến và giá cũng khá cao.
Những loại hộp quẹt rẻ nhất tầm vài triệu đồng, còn những loại Dupont limited (phiên bản giới hạn) có giá từ 1.500 USD đến hàng chục ngàn USD tùy theo loại. Vậy nên chỉ cần bất cẩn là có thể phải bồi thường số tiền lớn cho khách hàng nên không nhiều người dám đánh đổi để theo nghề.
Đồ nghề sửa chữa có khá nhiều loại, được tìm mua khắp nơi ở Việt Nam và cả nước ngoài Ảnh: Tiến Huy
Ông Phong còn cho biết, người anh cả đã sang Mỹ định cư lúc 25 tuổi cũng rất thích mày mò và sửa chữa hộp quẹt nên hay tìm mua những linh kiện thay thế, dụng cụ sửa chữa mà ở Việt Nam không có để gửi về.

Em họ của ông Phong là chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi, ngụ Q.1) cũng rất thích “khám phá” loại đồ chơi này nên được anh Phong hướng dẫn, đến giờ chị cũng biết làm những khâu đơn giản như tháo lắp, lau chùi những linh kiện nhỏ bên trong hay là bơm nhiên liệu…
“Là phụ nữ nhưng không hiểu sao tôi lại mê mẩn những hộp quẹt này, làm kinh doanh nhưng mỗi khi có thời gian rảnh tôi lại chạy ra tiệm để phụ giúp anh Phong”, chị Hồng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tâm (55 tuổi, ngụ Q.3) là một người rất thích sưu tầm những loại Dupont cho hay: “Tôi thường xuyên đến đây để kiểm tra lỗi và săn tìm những loại hộp quẹt hiếm. Tôi cũng biết 1 - 2 người nữa ở TP.HCM có nhận sửa nhưng họ rất ít đồ thay, không đa dạng về mẫu mã nên tôi hay đến đây để giao lưu”, ông Tâm cho hay.
Cho đến nay, có những chiếc hộp quẹt “quý tộc”, những dụng cụ sửa chữa cũng như cái thùng đựng đồ nghề từ thuở “sơ khai” gắn cái tên Paul Sáng đã đi qua hơn nửa thế kỉ và là địa chỉ quen thuộc của nhiều người chơi hộp quẹt "đại gia" ở TP.HCM.
Những hình ảnh về thuở sơ khai, bắt đầu sửa chữa hộp quẹt của ông Paul Sáng ẢNH: TIẾN HUY
Hằng ngày có khá đông khách ra vào để sửa hộp quẹt, nhiều người sẵn sàng ngồi vài tiếng đồng hồ để theo dõi anh Phong làm việc ẢNH: TIẾN HUY
Bộ sưu tập hộp quẹt mà bất kì ai mê mẩn món đồ chơi xa xỉ này cũng đều mong muốn được sở hữu ẢNH: TIẾN HUY
Vì là hôp quẹt đắt tiền nên người sửa càn phải tỉ mỉ và thật cẩn thận Ảnh: Tiến Huy
Ngoài hộp quẹt, tiệm Paul Sáng còn sửa chữa, sưu tầm bút máy ẢNH: TIẾN HUY
Ông cũng sưu tầm những loại đồ cổ quý hiếm từ xa xưa ẢNH: TIẾN HUY
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.