Người 'biến' bò đá banh làm xiếc và đừng mắng nhiếc 'ngu như bò' nữa

05/03/2018 09:38 GMT+7

Những ngày qua, ảo thuật gia Đặng Văn Hoàng Khang (còn gọi là Trọng Kha, 48 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân An Luông, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) phấn khởi vì đã tập thành công cho bò xiếc được khá nhiều tiết mục ấn tượng.

Dạy bò đá banh, quỳ hai chân chào khán giả
Theo anh Khang, làm nghề 30 năm nay, nhưng chưa thấy ai tập cho bò xiếc, đồng thời quê hương Vũng Liêm có rất nhiều người nuôi bò nên anh đã nảy ý định tập cho bò các động tác đơn giản. “Ai nói ngu như bò chứ, qua thời gian huấn luyện, tôi thấy bò cũng rất thông minh. Chỉ cần có thời gian kiên trì tập luyện thì con gì cũng có thể xiếc được”.
Để chứng minh những gì đã nói, anh Khang ra sau hè dẫn con bò ra trước sân nhà để biểu diễn. Chỉ cần vài cái vỗ nhè nhẹ, con bò lần lượt làm theo các động tác mà chủ yêu cầu như: quỳ hai chân trước xuống chào khán giả, bò đi qua cầu nhỏ, bò đá banh…Ai có mặt nơi đây cũng đều trầm trồ khen ngợi hết lời.
Để khiển được con bò làm theo ý mình, hằng ngày, anh Khang cho bò ăn đầy đủ, vừa tạo sự gần gũi vừa hướng dẫn những động tác lâu ngày thành thói quen. Hiện, nhà anh Khang có 3 con bò được huấn luyện xiếc. Mỗi con đều có tên gọi khác nhau nên khi anh Khang gọi tên con nào thì con bò đó ngước đầu lên chạy đến gần chủ nhân của mình. Để thực hiện các động tác khác nhau, anh Khang chỉ cần vỗ tay (tùy động tác mà vỗ nhiều hay ít) là con bò sẽ thực hiện các động tác theo yêu cầu. Hiện với trò xiếc bò, anh chỉ biểu diễn ở địa phương. Theo kế hoạch, sắp tới, anh sẽ "xuất quân" đi các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM.
Không dừng lại ở các trò đơn giản như đã dạy bò làm, anh Khang cũng ngày đêm tập cho đàn bò của nhà mình thực hiện các động tác như các con thú khác. Hi vọng, đây sẽ là 1 trong những tiết mục mang đến cho khán giả những điều thú vị hơn.
Tâm huyết với nghề
Anh Hoàng Khang được mọi người biết đến trong chương trình “Kỳ tại lộ diện” của Đài THVL và đoạt quán quân. Trong đêm chung kết Kỳ tài lộ diện 2017, Đặng Văn Hoàng Khang và Đặng Thị Thanh Tuyền (con gái lớn) khép lại đêm thi với tiết mục ảo thuật cùng các màn biến hóa đã làm cả trường quay vỡ òa trong cảm xúc.
Anh Hoàng Khang kể, anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Nhà có ba anh em, Khang biết nghề mộc nên xin vào làm cho Công ty xây dựng ở H.Vũng Liêm (Vĩnh Long). Hằng ngày làm thợ mộc để phụ giúp gia đình nhưng dòng máu nghệ sĩ lúc nào cũng “nóng” trong anh. Có thể nói, không gánh hát, đoàn xiếc ảo thuật nào về quê diễn mà không có mặt anh đến xem.
Niềm đam mê nghệ thuật cứ lớn dần lên, năm 1987, anh Khang bỏ nghề mộc để theo Đoàn ca nhạc Vũng Liêm, rồi tiếp đó là Đoàn cải lương Bông Hồng Vàng. Tuy nhiên, sau thời gian lưu diễn, anh Khang tự nghĩ mình hát không hay, lại thấy diễn ảo thuật, xiếc hay quá nên anh quyết tâm theo học nghề từ những đàn anh trong đoàn. Thấy anh Khang mê nghề, các nghệ sĩ không ngần ngại hướng dẫn, và cũng chỉ nghĩ anh “học chơi” thôi. Những “trò nhỏ” đầu tiên mà anh học là: ảo thuật với các đoạn dây, nuốt lưỡi lam… Cứ thế, qua thời gian năm tháng, với sự chịu khó học hỏi, luyện rèn và năng khiếu bẩm sinh, anh Khang có đủ “vốn nghề” để diễn. Nhưng lúc đó, anh cũng chỉ biểu diễn ở phần “nhạc màn” của các đoàn cải lương cho vui.
Năm 1989, anh Khang rời Vĩnh Long lên TP.HCM để học ảo thuật. Anh trốn đi vì sự cấm đoán của gia đình do không muốn con theo nghề hát xướng. 5 năm trời anh không liên lạc được với  người thân…
Người thầy chính thức đầu tiên của anh Khang là Z27 - một ảo thuật gia nổi tiếng lúc bấy giờ. Học xong, anh Khang theo một số đoàn nghệ thuật ở thành phố để diễn, và nơi anh trụ diễn lâu nhất là Trung tâm hội chợ Quang Trung. Tuy nhiên, được 3 năm, do cuộc sống quá khó khăn, anh rời Sài Gòn để theo các đoàn lưu diễn khắp cả nước.
Đến năm 2000, trong lúc đi diễn chung với đồng nghiệp, anh đã có tình cảm và tiến đến hôn nhân với chị Thanh Lan, lúc đó diễn múa lửa. Gia đình bên vợ anh có truyền thống làm nghệ thuật ở tỉnh An Giang.
Hoàng Khang xác lập kỷ lục quốc gia Việt Nam với tiết mục phóng dao vào tấm bia xoay liên tục 360 độ. Ảnh: Thanh Đức

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tình hình các đoàn hát biểu diễn gặp nhiều khó khăn, có những lúc đi diễn vùng sâu, vùng xa quá vất vả nhưng khán giả ít dần, thù lao không đủ sống nên anh Khang và nhiều đồng nghiệp khác phải bỏ đoàn, về sống với gia đình. Khi ấy, thỉnh thoảng mới có đoàn mời đi diễn chứ không thường xuyên. Vì vậy, đồng nghiệp khác đi diễn “sô” đám tiệc, cuộc sống bấp bênh, có người không có nhà để về, sống tạm bợ, nắng mưa, rày đây, mai đó. Trong lúc khó khăn, anh Khang rủ bạn về nhà ở, rau cháo có nhau qua ngày chờ cơ hội.
Thấy cảnh khổ đó, cộng với sự yêu nghề, nhớ nghề, nhớ khán giả, được sự động viên của đồng nghiệp, nên cuối năm 2000, anh Khang quyết định thành lập đoàn xiếc, ảo thuật lấy tên là Hương Xuân.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc VN, cho biết việc dạy thú đều dựa trên phản xạ có điều kiện. Chẳng hạn, có thể dạy được chó trong nhà không nhảy lên người chủ khi chủ đi làm về. Lúc đầu, người chủ muốn dạy nó không như thế nữa thì có thể không cho nó ăn. Sau đó, đưa ra tín hiệu “im”. Lúc đó con chó chưa hiểu ngay. Nhưng khi nó nằm xuống trật tự, người chủ lại cho nó ăn. Lâu dần nó sẽ chấp nhận tín hiệu là nếu nằm ngoan khi chủ về sẽ được ăn.
Việc dạy bò, theo ông Ánh thì cũng dùng nguyên tắc đó. “Con bò cũng rất thông minh chứ đừng nói ngu như bò, ngu như lợn. Câu chuyện đó không đúng đâu. Mọi người cứ nghĩ thế là không đúng”, ông Duy Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh: “Câu chuyện này cũng không quá lạ. Chúng ta có thể thấy nhiều câu chuyện hay về các con thú gần gũi con người. Như thế thích lắm. Nếu gần gũi với con thú thì sẽ dạy được nó. Dứt khoát nó phải có thời gian cảm nhận được người chủ của nó rồi nó mới nghe lời như thế”.

Lúc lập đoàn, anh gặp bao khó khăn, thử thách. Do không có tiền nên anh chỉ mướn xe tải chở đạo cụ, diễn viên mỗi khi diễn xa; đến nơi diễn thì che bạt tạm bợ trên sân khấu để ở và tập dượt. Ngay cả cái sân khấu cũng không đủ tiền làm, anh Khang phải về quê vay mượn của người thân, mỗi người một ít để mua sắm…Tuy vậy, những năm đó, đoàn xiếc, ảo thuật không nhiều; cuộc sống người dân được nâng cao nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng rất lớn. Và, như anh nói, nhờ “tổ đãi” nên đoàn xiếc, ảo thuật của anh Khang biểu diễn rất thành công tại các tỉnh miền Tây.
Anh Khang tâm tình: "Đi diễn thù lao không bao nhiêu, cuộc sống khó khăn nhưng vui vì được làm nghề mình thích và được khán giả biết đến, rồi chia sẻ, động viên, dành nhiều tình cảm. Kỷ niệm vui, đáng nhớ nhất là khi diễn tại vùng sâu của tỉnh Cà Mau, khán giả thương lắm. Diễn xong, sáng bà con đến mời về nhà chơi, bắt tôm cá dưới kênh, ao lên nhậu. Rượu đế của nhà nấu đem ra uống bằng chén; bà con chuyện trò gần gũi như người thân. Lúc đó, mình quên đi vất vả, cực nhọc của đời nghệ sĩ tha hương với nghiệp diễn!".
Rồi những đêm mưa gió đầy trời, đoàn không diễn được, anh em không có thu nhập, phải chia sẻ nhau từng chén cơm, ly nước. Là trưởng đoàn, anh Khang phải gồng mình trả lương để nuôi sống anh em và gia đình họ. Cũng có khi chuẩn bị đêm diễn, một số người say rượu kéo đến gây rối, đòi vào “coi cọp” (coi miễn phí), xảy ra xô xát là chuyện thường xuyên.
Theo anh Khang, để có một tiết mục xiếc phải khổ công tập dượt lâu ngày, vất vả đã đành nhưng có khi nguy hiểm đến tính mạng. Một trò xiếc phải tập ít nhất là từ 2 tháng, có môn tập đến 2 năm mới diễn được. Như để đạt kỷ lục Việt Nam, trò phóng dao vào mâm tròn xoay, Khang phải tập gần 3 năm. Đối với bộ môn ảo thuật đòi hỏi người diễn phải đam mê, nhiệt huyết, khéo léo, tập mất nhiều thời gian để bài diễn đạt yêu cầu hoàn hảo và hấp dẫn người xem. Người nghệ sĩ sau khi nắm vững bí quyết nghề nghiệp, có kinh nghiệm, rồi phải sáng tạo thêm trò mới chứ không bài bản nào dạy. Đối với đồ nghề diễn xiếc và ảo thuật, đa phần là do Khang tự nghĩ ra rồi tự thiết kế, chỉ khi chi tiết nào đòi hỏi kỹ thuật cao thì mới nhờ đến thợ chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà mỗi tiết mục đều có nét mới để thu hút khán giả ngày càng nhiều.
Gia đình anh Hoàng Khang cùng chiếc cúp quán quân Kỳ tài lộ diện. Ảnh: Thanh Đức
Đồng cảm với thế hệ đàn em yêu nghề xiếc, ảo thuật, trong những năm qua, anh Hoàng Khang đã truyền nghề cho gần 20 em; đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, Khang dạy miễn phí để các em có điều kiện theo đuổi ước mơ và làm nghề để sống. Anh cũng chia sẻ đạo cụ cho trên 15 em đã từng đi diễn cùng anh để các em đi biểu diễn kiếm thêm thu nhập tại các đám tiệc, quán xá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.