Người bán trái cây dạo giữ lời hứa góp sức chống dịch, mong Sài Gòn ‘mạnh khỏe’

Thanh Khương
Thanh Khương
23/06/2021 13:45 GMT+7

Suốt một tháng qua, người phụ nữ lớn tuổi bán trái cây ở Bình Phước chưa lúc nào quên lời hứa ‘quay lại đóng góp chống dịch khi đủ điều kiện’ với vị khách quen. Tấm lòng của bà khiến nhiều người cảm phục, trân quý.

Người bán trái cây tên Nguyễn Thị Trinh (57 tuổi, xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp, Bình Phước). Còn vị khách quen là mẹ của anh Bùi Minh Thông (21 tuổi, là nhân vật trong bài viết Bác xe ôm vét túi mua khẩu trang ủng hộ Bắc Giang: Người Sài Gòn dễ thương, đăng trên Thanh Niên ngày 29.5).

Lòng tốt ở khắp nơi

Minh Thông nhớ lại, tháng trước, anh gọi điện cho mẹ và được nghe kể về một cô bán trái cây dạo ghé nhà trú mưa. Khi biết tổ chức Green Trips đang kêu gọi hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, bà Trinh ngỏ ý đóng góp nhưng lúc đó chưa đủ điều kiện. Bà chỉ hẹn mẹ anh quay lại ủng hộ sau. Đến trưa 16.6, nghe mẹ gọi, anh Thông (mới về từ TP.HCM) đi ra thì thấy một người phụ nữ có dáng người thấp, gầy và nếp nhăn hằn rõ trên trán dừng xe trước cổng, bên cạnh sọt trái cây. Lúc này, bà Trinh hớn hở đi lại và lấy trong túi ra 1 triệu đồng đưa tận tay anh.
Anh Thông chia sẻ: “Mình gần như không còn nhớ tới câu chuyện mẹ kể cho tới khi thấy cô đứng trước sân nhà, cô đã giữ đúng lời hứa. Mặc dù không biết rõ hoàn cảnh của cô nhưng số tiền trên đối với một người dầm mưa dãi nắng kiếm từng đồng một trong thời buổi dịch bệnh khó khăn thế này thật sự rất quý. Mình sẽ gửi tấm lòng, lời động viên và tình cảm của cô về với Sài Gòn”.

Các thành viên của tổ chức Green Trips Việt Nam tham gia hỗ trợ chốt kiểm dịch ở Q.Gò Vấp

ẢNH: NVCC

Chưa đầy 1 tháng, chàng trai quê Bình Phước có đến 2 lần nhận được tiền từ người lạ và điểm chung của họ đều là muốn chung tay chống dịch. “Mình nhận ra lòng tốt không chỉ có ở riêng nơi nào mà cứ hễ ở Việt Nam thì đâu đâu cũng có những người như vậy”, anh tự hào nói.
Hiện tại, các thành viên của Green Trips Việt Nam (tổ chức phi lợi nhuận hoạt động chủ yếu về môi trường) đang chia thành các nhóm nhỏ để hỗ trợ các vùng dịch với nhiều hình thức khác nhau: giải cứu nông sản cho Bắc Giang ở TP.HCM và Nghệ An, hỗ trợ lương thực cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở H.Củ Chi, trực chốt kiểm dịch tại Q.Gò Vấp…

Được tiêm vắc xin Covid-19, bảo vệ tổ dân phố an tâm vì có thêm ‘lớp bảo vệ’

Lời hứa đáng quý

Trước khi ra về, bà Trinh lấy từ sọt ra một quả sầu riêng tặng anh Thông nhưng mẹ anh đã từ chối và trả đủ tiền. Câu nói: “Đối với cháu nó thì lời lãi gì đâu chị ơi! Cố lên nha cháu!” của bà khiến chàng trai trẻ cảm thấy xúc động vô cùng. Anh khẳng định đó là nguồn động lực to lớn để cả nhóm tiếp tục với công tác chống dịch.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Trinh cho biết thấy Thông còn ít tuổi đã biết làm điều ý nghĩa nên mới tự hỏi sao mình lớn hơn mà không làm được như vậy. Sự băn khoăn đó cứ đeo đẳng mãi trong đầu của bà trong suốt một tháng qua. Trước đó, bà đã rất lo lắng cho con mình đang làm việc ở TP.HCM vì dịch bệnh phức tạp. Cho đến khi biết tới hoạt động của nhóm anh Thông thì đã an tâm hơn rất nhiều.
“Tôi không quên được lời hứa với mẹ của cháu Thông. Đặc biệt là khi cả nước đang căng mình chống dịch nên lúc nào tôi cũng nghĩ tới, chẳng qua lúc đó chưa đủ điều kiện thôi. Các cháu có tấm lòng chân thật, đi chống dịch sớm tối không tiếc công, cũng không ngại mệt nhọc. Tôi thấy thương nên muốn góp một phần công sức để Sài Gòn nói riêng và đất nước nói chung sớm trở lại như xưa”, bà tâm sự.
Người phụ nữ này chia sẻ thêm, dịch Covid-19 ít nhiều cũng ảnh hưởng tới việc buôn bán, thu nhập trung bình mỗi ngày của bà dao động từ 100.000 - 150.000 đồng, hôm nào đắt khách thì được 200.000 đồng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.