Người bán phở, hủ tiếu gõ sợ khởi tố vì không giấy phép kinh doanh?

23/04/2016 15:41 GMT+7

Sau vụ mở quán phở bị công an H.Bình Chánh khởi tố vì chậm giấy phép kinh doanh, nhiều người buôn bán khác cũng hoang mang vì "không biết có thể bị khởi tố hay không". Vậy những trường hợp buôn bán nào cần đăng ký kinh doanh?

Sau vụ mở quán phở bị công an H.Bình Chánh khởi tố vì chậm giấy phép kinh doanh, nhiều người buôn bán khác cũng hoang mang vì "không biết có thể bị khởi tố hay không". Vậy những trường hợp buôn bán nào cần đăng ký kinh doanh?

Người bán hủ tiếu hoang mang vì không biết mình có thuộc đối tượng bị khởi tố (ảnh minh họa)Người bán hủ tiếu hoang mang vì không biết mình có thuộc đối tượng bị khởi tố (ảnh minh họa)
Vừa qua đọc báo đài tôi thấy có vụ chủ quán phở vì chậm giấy phép kinh doanh mà bị khởi tố. Tôi hiện đang bán hủ tiếu gõ ở đầu hẻm, xin hỏi luật sư tôi có cần phải đăng ký kinh doanh và xin giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không? Luật nào quy định điều này? Tôi đang rất hoang mang vì không biết mình có thuộc đối tượng bị khởi tố ? (Minh Dự, quận Thủ Đức, TP.HCM)
Theo luật sư (LS) Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM) người dân không nên quá lo lắng về vấn đề “không biết khởi tố lúc nào”. Việc hình sự hóa hành vi này chỉ xảy ra khi tái phạm hoặc hàng phạm pháp có giá trị trên 100 triệu đồng. Mặt khác, Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1.7.2016) đã hủy bỏ tội danh này.
Bán hủ tiếu gõ không cần xin giấy phép kinh doanh
“Với trường hợp bán hủ tiếu gõ thì không cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định, chỉ cần không vi phạm việc lấn chiếm lề đường, lòng đường, vỉa hè,…thì hoạt động kinh doanh của bạn dù không đăng ký kinh doanh vẫn được coi là hợp pháp”, LS Hùng nhận định.
Bán hủ tiếu gõ thì không cần đăng ký kinh doanh
Bán hủ tiếu gõ thì không cần đăng ký kinh doanh - Ảnh: SGAT
Về vấn đề bán hủ tiếu gõ có cần xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay không, LS Hùng giải thích bán hủ tiếu gõ là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ thuộc trường hợp không cần phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Dù vậy, nhưng mỗi người kinh doanh vẫn cần phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vấn đề đạo đức trong kinh doanh và phong trào “nói không với thực phẩm bẩn” cũng là vấn đề đang được quan tâm lúc này.
Các trường hợp không cần giấy phép kinh doanh
Theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP, những trường hợp không cần phải đăng ký kinh doanh là cá nhân hoạt động thương mại và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động thương mại của cá nhân hoạt động thương mại.

Cụ thể, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương Mại.
Gồm các trường hợp: buôn bán rong (không có địa điểm cố định); buôn bán những vật dụng nhỏ lẻ, bán quà bánh, đồ ăn, nước uống; hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người buôn hoặc người bán lẻ; các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác và các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Nghị định 39/2007/NĐ-CP đã quy định những trường hợp không phải đăng ký kinh doanh
Nghị định 39/2007/NĐ-CP đã quy định những trường hợp bán hàng rong như thế này không phải đăng ký kinh doanh - Ảnh: SGAT
Như vậy, ngoài các trường hợp trên thì cá nhân hoặc hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh theo quy định. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh là nơi nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể.
Trong trường hợp hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, LS Hùng cũng lưu ý, theo Điều 12, Chương IV, Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì các trường hợp sau sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đó là các trường hợp sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng rong và kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
“Ngoài các trường hợp trên thì các cá nhân, tổ chức khác hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm”, LS Hùng nói.
Khoản 7, Điều 1, Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.