Ngọt ngào hương quýt

18/02/2015 09:00 GMT+7

(TN Xuân) Ở miền Tây Nam bộ, có nhiều vùng trồng quýt nổi tiếng, như: Cái Bè (Tiền Giang), Tam Bình (Vĩnh Long), Phong Điền (TP.Cần Thơ)... Đặc biệt là quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) và quýt đường Long Trị (Hậu Giang) được đông đảo khách hàng ưa chuộng, bởi sắc màu thắm tươi và hương vị ngọt ngào.

(TN Xuân) Ở miền Tây Nam bộ, có nhiều vùng trồng quýt nổi tiếng, như: Cái Bè (Tiền Giang), Tam Bình (Vĩnh Long), Phong Điền (TP.Cần Thơ)... Đặc biệt là quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) và quýt đường Long Trị (Hậu Giang) được đông đảo khách hàng ưa chuộng, bởi sắc màu thắm tươi và hương vị ngọt ngào.

Thu hoạch quýt hồng Lai Vung - Ảnh: Công Hân
Thu hoạch quýt hồng Lai Vung - Ảnh: Công Hân
Quýt hồng Lai Vung - từ trái đến kiểng
Gọi là quýt Lai Vung nhưng không phải vùng nào của Lai Vung cũng cho quýt hồng ngon, đẹp. Phải là vùng đất các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới mới lột tả hết độ sang trọng của quýt. Mà cũng ngộ, quýt hồng cứ “canh” tới Tết âm lịch là chín. Theo bà Trần Thị Nên, Phó chủ tịch UBND H.Lai Vung, diện tích trồng quýt hồng trong toàn huyện hơn 1.100 ha, cho sản lượng 30.000 - 40.000 tấn trái mỗi năm, đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền vào đầu năm 2012.
Ông Lưu Văn Ràng (thường được gọi là Tư Ràng, 65 tuổi, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới) chỉ cây quýt trĩu quả, hồ hởi: “Năm nay, riêng cây quýt này thu hoạch không dưới 300 kg trái, tôi bỏ túi cả chục triệu, khỏe re”. Khu vườn quýt của ông Tư Ràng khoảng 2.500 m2, cây nào cũng trĩu quả. Ông Tư Ràng phải xốc cây nọc đỡ để cành khỏi bị gãy do sức nặng của trái. Ông bảo lúc quýt chín rộ, trái căng mọng, cả khu vườn lấp lánh màu cam vàng rực, mê lắm.
Cũng theo lời ông Tư Ràng, quýt hồng Lai Vung trái to như cam sành (khoảng 4 - 6 trái cân nặng 1 kg) lại có màu vàng cam óng ánh nên năm nào cũng được thương lái chở đi “ăn tết” khắp các tỉnh thành. Tuy giá thường cao hơn các loại quýt khác, nhưng do màu sắc và hình dáng đẹp nên rất được ưa chuộng.
Ông Năm Thế, chủ nhân của vườn quýt hồng rộng hơn 7.000 m2 ở xã Long Hậu, vẫn còn ngất ngây khi kể về vụ quýt năm rồi. Ông nói: “Giáp tết, quýt đẹp đột ngột tăng giá lên hơn 30.000 đồng/kg, bán xong vườn quýt, tôi thu lời gần 500 triệu đồng. Giá cả năm nay thế nào chưa biết, nhưng dự đoán sẽ không dưới 25.000 đồng/kg”.
Ngoài quýt trái để chưng tết, gần đây ông Tư Ràng còn sáng kiến đưa quýt hồng vào chậu làm kiểng, trái vẫn to như bình thường và hương vị không thay đổi. Tết năm rồi, ông trồng hơn 150 chậu quýt kiểng, vậy mà đến 27 tết phải tắt máy điện thoại vì người ta cứ gọi hỏi mua suốt, trong khi ông đã bán hết hàng. Năm nay, ông Tư Ràng trồng tăng số lượng lên 350 chậu. Theo những người sành chơi kiểng, quýt kiểng có dáng gọn nhỏ, đặt trong chậu mà trái vẫn xum xuê. Bởi vậy, ngày tết trong sân nhà hay đại sảnh chưng vài cặp quýt kiểng, nhà cửa sang trọng hẳn lên...
Ông Ràng chỉ cho chúng tôi xem cặp quýt kiểng đẹp oằn trái, thoạt nhìn cứ như ông lấy dây cột cho trái quýt dính thành chùm chứ không phải trái thật. Ông nói cặp quýt này ông đã bán 10 triệu đồng cho một doanh nghiệp thủy sản ngoài tỉnh. Còn những chậu quýt kiểng khác ông bán với giá từ vài trăm ngàn đến 3,5 triệu đồng tùy theo “nhan sắc” của cây.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, từ mô hình độc đáo của ông Tư Ràng, hàng chục hộ lân cận đã học tập trồng quýt hồng kiểng và thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần cho thị trường quýt kiểng thêm sôi động.
Quýt đường Long Trị
Quýt trồng ở Long Trị (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là giống quýt đường nội địa, vốn được các nhà vườn ở Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp... tuyển chọn, lưu trồng từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, đến những năm 1990, trong khi các giống cam được các công ty xuất khẩu trái cây chọn làm hàng chủ lực thì cây quýt bị “xuống ngôi”. Vì vậy thời đó, dân miệt vườn mới có câu “quýt làm cam hưởng”.
Quýt đường Long Trị đang tìm lại thị trường ổn định - Ảnh: Lập Chương
Quýt đường Long Trị đang tìm lại thị trường ổn định - Ảnh: Lập Chương
Ông Năm Thuận, một người trồng quýt có tiếng ở Long Trị, nói: “So với cam thì quýt giá trị kém hơn, bởi cam được người ta bán ra nước ngoài, tính bằng đô la; còn dân trồng quýt ăn bền là nhờ thị trường nội địa. Ngày rằm, ba mươi hằng tháng, hay lễ tết, cúng quảy gì người ta cũng cúng bằng quýt. Không ai cúng cam, vì quan niệm “cam” là cam chịu, cam go”.
Quýt đường tuy không có màu rực rỡ như quýt hồng Lai Vung, nhưng khi chín có màu vàng chanh sáng trông rất bắt mắt. Da quýt bóng sáng, trái hầu như không bị sượng múi, vị ngọt thanh, ăn rất thích. Trải qua bao thăng trầm, cây quýt đường hiện được các nhà vườn ở Long Trị tổ chức sản xuất rải vụ: xử lý cho ra trái luân phiên, vì vậy quýt Long Trị luôn có trái bán quanh năm, nhưng rộ nhất vẫn là từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Diện tích trồng quýt đường ở Long Trị hiện khoảng 216 ha, sản lượng 5.000 - 6.000 tấn/năm. Về Long Trị vào những ngày này, khách phương xa sẽ cảm nhận một không khí chộn rộn mùa vụ của nhà vườn: người tưới cây, người tỉa cành, bồi gốc, người hái trái... Ông Nguyễn Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã quýt đường Long Trị, xuýt xoa tiếc rẻ: “Đầu tháng 12 rồi, hợp tác xã mới nhận được chứng chỉ VietGAP. Phải chi được cấp vào giữa năm thì tết này quýt đường Long Trị của tụi tui chắc chắn sẽ “ngồi” máy lạnh trong mấy siêu thị trên Cần Thơ rồi”.
“Phải tính đến một kế hoạch làm ăn mới, bài bản hơn khi Hợp tác xã quýt đường Long Trị vừa đạt được chứng chỉ VietGAP. Nhà vườn nào ở xứ Long Trị cũng có kinh nghiệm trồng quýt hàng chục năm, nhưng bán trái cho thương lái sẽ khác nhiều so với bán vô các siêu thị. Các điều kiện về nhãn mác, chất lượng, an toàn thực phẩm phải được duy trì mới đàm phán được giá cao, tăng lợi tức cho người trồng”, ông Nguyễn Hoàng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Long Trị khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.