Ngộp thở ở làng tái chế nhôm

14/03/2016 08:33 GMT+7

Nghề tái chế nhôm thải có ở làng Mẫn Xá đã hơn 50 năm qua. Cũng nhờ cái nghề này mà đời sống người dân ngày một khấm khá hơn. Nhưng cũng chính từ đây, môi trường bị tàn phá nặng nề.

Nghề tái chế nhôm thải có ở làng Mẫn Xá đã hơn 50 năm qua. Cũng nhờ cái nghề này mà đời sống người dân ngày một khấm khá hơn. Nhưng cũng chính từ đây, môi trường bị tàn phá nặng nề.

Chất thải từ lò nấu nhôm được đưa thẳng ra môi trường - Ảnh: Nam Anh
Chất thải từ lò nấu nhôm được đưa thẳng ra môi trường - Ảnh: Nam Anh
Theo số liệu điều tra mới nhất của Bộ TN-MT, hiện cả nước có tới 37 “làng ung thư”, nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt những “làng” này đều bị ô nhiễm nặng, trong số đó làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đứng thứ 3 về báo động tình trạng ô nhiễm.
Hiện làng Mẫn Xá được coi là điểm chuyên thu gom và tái chế nhôm phế thải nguy hại lớn nhất trong nước. Xe chở hàng mang biển kiểm soát khắp các vùng miền ra vào làng liên tục. Đặc biệt, số lượng lớn xe chuyên chở nhôm thải dính toàn dầu mỡ cũng đến đây giao dịch.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trên mỗi chiếc xe chở nhôm thải đều có đề dòng chữ “xe chở chất thải nguy hại”, kèm theo ký hiệu dấu “!”. Mỗi xe chất đầy những bao tải to chứa nhôm thải dính dầu được đội ngũ cửu vạn trong làng bốc hàng giờ mới xong.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, thừa nhận “không nắm được con số chính xác”, nhưng hiện ở Mẫn Xá có hơn 20 xưởng, mỗi xưởng có trên 20 lò đun nấu nhôm thải nguy hại có quy mô lớn. “Đấy là chưa kể ở đây hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một lò nấu nhôm, mỗi lò nếu nấu hết công suất có thể từ 12 - 14 tấn nhôm thải/ngày”, ông Hậu cho biết.
Công cụ bảo vệ của người đứng lò nấu nhôm thải rất sơ sài - Ảnh: Khánh An
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở Mẫn Xá, phản ánh: “Khách qua đường còn cảm thấy sợ hãi, chúng tôi đã nhiều đời chịu sống chung với nỗi ác mộng này rồi! Không khí hôi hám, ngột ngạt bởi khói bụi. Lúc đỉnh điểm, cả làng nổi lò, khói phủ một vùng, còn không nhìn thấy mặt nhau nữa. Mùa hè oi bức chúng tôi không thở nổi. Mùa mưa, ruộng đồng, kênh mương nhuộm một màu đen thui, mùi hôi thối bốc lên, ngột ngạt. Thậm chí, có những đêm nằm trong nhà phải đeo khẩu trang mà không thể ngủ được”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Duy - Trưởng trạm Y tế xã Văn Môn, quá trình các lò nấu, tái chế nhôm thải sinh ra một số loại khí thải đặc biệt nguy hại như: SO2, NH3, CO2... Những khí thải độc hại này được xả thẳng ra môi trường mà không hề qua xử lý, khiến hàm lượng chì trong môi trường luôn cao gấp vài chục lần so với tiêu chuẩn cho phép. Môi trường đang ở mức “báo động đỏ”, bằng chứng là cây cối cằn cỗi, không lớn được, hồ ao nuôi thả con gì cũng chết. Qua theo dõi những năm gần đây, số người chết vì ung thư ở đây ngày một tăng: năm 2010 có 3 trường hợp, năm 2012 có 6 trường hợp, năm 2013 có 8 trường hợp, năm 2014 có 12 trường hợp tử vong... Hầu hết họ bị ung thư phổi và gan.
“Những năm gần đây, chúng tôi liên tục phát hiện rất nhiều trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp, lao phổi. Có ngày, trạm tiếp nhận tới 5 ca bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiều ca bị biến chứng nặng phải chuyển lên bệnh viện trung ương, hầu hết là trẻ em. Đáng lưu ý, đa phần người già đều mắc bệnh hô hấp mãn tính”, bác sĩ Duy cho biết.
Lò nấu với khí thải độc hại ngay trong nhà của một người dân - Ảnh: Nam Anh
PGS-TS Dương Bá Trực, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City, cũng cho biết trong đợt khám miễn phí cho 300 trẻ em ở làng Mẫn Xá gần đây, phát hiện 20% trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm mũi mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi, 15% trẻ bị suy dinh dưỡng. Đây là những bệnh do ảnh hưởng bởi môi trường sống ô nhiễm, khói bụi...
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, chính quyền xã đã lập đề án quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề tập trung với diện tích khoảng 30 ha và được tỉnh Bắc Ninh chấp thuận. Theo kế hoạch của đề án, trong năm 2014, việc khảo sát và thu hồi đất ở dự án làng nghề tập trung sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay đề án quy hoạch làng nghề tập trung vẫn chỉ nằm trên giấy, người dân ở đây vẫn phải đối mặt với bệnh tật do ô nhiễm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.