Nghịch lý bóng đá trẻ Hải Phòng

Lê Tân
Lê Tân
11/11/2019 08:56 GMT+7

Trong khi bóng đá phong trào đang phát triển mạnh, thì Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Sở VH-TT TP.Hải Phòng lại đang làm quy trình … giải thể.

Bóng đá là môn thể thao được đặc biệt yêu thích ở Hải Phòng. Ngoài sự nổi tiếng về độ cuồng nhiệt của các cổ động viên luôn đồng hành cùng CLB Hải Phòng thi đấu ở giải chuyên nghiệp quốc gia, thì phong trào bóng đá cộng đồng cũng phát triển mạnh.
Hải Phòng cũng có nhiều giải bóng đá phong trào dành cho mọi lứa tuổi và được tổ chức thường niên như Giải bóng đá Hoa Phượng - Cúp báo Hải Phòng, Giải bóng đá vô địch các CLB thành phố - Cúp báo An ninh Hải Phòng, Giải bóng đá lão tướng, Giải siêu phủi... Bên cạnh đó, các trung tâm, lớp bóng đá cộng đồng cũng mở rộng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 10 trung tâm bóng đá cộng đồng. Tiêu biểu trong số đó là các trung tâm CT Kids, Golden Stars, Dương Kinh Y FC, Kiến An Y FC, Golden Ball, Cung thiếu nhi, Red Sky... Các trung tâm này đã thu hút hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng tham gia luyện tập, thi đấu; do các cầu thủ, cựu cầu thủ như Nguyễn Văn Việt, Đồng Đức Thắng, Đinh Tiến Thành, Mai Ngọc Quang... thành lập và trực tiếp huấn luyện và điều hành.
Các trung tâm bóng đá cộng đồng là sân chơi giúp các em thiếu niên, nhi đồng vui chơi với trái bóng, tăng cường sức khỏe. Chị Nguyễn Thanh Hằng (30 tuổi, ngụ đường Đặng Kim Nở, Q.Hải An, TP.Hải Phòng) chia sẻ: “Con tôi rất thích đá bóng nhưng nơi tôi ở không còn không gian để các cháu chơi. Đến với các trung tâm, các con không chỉ được thỏa niềm đam mê mà còn được các thầy đào tạo cơ bản. Tôi thấy rằng, các con ngoài chơi còn có cơ hội giao lưu với bạn bè. Đặc biệt là rất ít chơi điện tử hay xem tivi”.
Trong số hàng nghìn thanh thiếu nhi đang theo học tại các trung tâm bóng đá cộng đồng hứa hẹn sẽ có nhiều tài năng. Các thầy tại trung tâm chính là những người sẽ phát hiện, dìu dắt, định hướng các em có khả năng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Sự phát triển của các trung tâm bóng đá cộng đồng trên địa bàn thành phố là tín hiệu tốt cho bóng đá trẻ. Mới đây, đội bóng U12 Hải Phòng tập trung chuẩn bị giải U12 mở rộng do PVF tổ chức chính là sự kết hợp giữa các trung tâm bóng đá cộng đồng trên địa bàn thành phố dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Ngọc Quang, Nguyễn Văn Việt, và Đồng Đức Thắng.
Điều đáng nói là đội tuyển này đại diện cho Hải Phòng nhưng lại do các trung tâm bóng đá cộng đồng tự tổ chức luyện tập, thi đấu và chưa có sự tham gia của Liên đoàn bóng đá Hải Phòng cũng như Trung tâm bóng đá thuộc Sở VH-TT trong vai trò hỗ trợ, hướng dẫn... Thậm chí, các trung tâm bóng đá trẻ cộng đồng đang hoạt động hiện nay cũng chưa có đơn vị nào nộp hồ sơ xin cấp phép.
Bà Phạm Tô Trang, Phó giám đốc Sở VH–TT TP.Hải Phòng, cho biết: “Nếu các trung tâm tồn tại theo dạng câu lạc bộ thì thuộc quản lý của chính quyền địa phương, không thu phí đào tạo và không cần xin phép. Nếu các trung tâm chiêu sinh, thu phí đào tạo thì cần làm hồ sơ cấp phép theo quy định. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại việc này trong thời gian tới”.
Ở một diễn biến khác, đơn vị duy nhất được coi là cơ sở đào tạo bóng đá trẻ chính quy ở Hải Phòng là Trung tâm bóng đá Hải Phòng đang chuẩn bị giải thể, khiến các lứa trẻ của bóng đá Hải Phòng đứng trước bờ vực tan rã.
Đúng ra, CLB Hải Phòng, đội bóng đang thi đấu tại V - League, sẽ phải tiếp nhận các đội trẻ vào hệ thống câu lạc bộ, nhưng Công ty Cổ phần bóng đá Hải Phòng (đơn vị chủ quản CLB Hải Phòng) đã từ chối điều này. Thậm chí, trong cuộc họp diễn ra vào 9.11 vừa qua, Liên đoàn bóng đá VN còn phải cấp phép ngoại lệ cho CLB Hải Phòng (cùng với Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An) tham dự V - league 2020 vì thiếu các đội trẻ (từ U.15 đến U.21).
Hiện trạng này sẽ khiến bóng đá Hải Phòng bị “chảy máu tài năng”, điều từng xảy ra năm 2018 và 2019 khi hàng chục cầu thủ nhí thuộc các trung tâm bóng đá cộng đồng của Hải Phòng trúng tuyển vào các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đang phát triển tốt như Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Viettel hay HAGL...
Chia sẻ vấn đề này, cựu cầu thủ Đồng Đức Thắng, trung tâm CT Kids cho biết: “Vì ở Hải Phòng không có cơ hội phát triển nên chúng tôi đành giới thiệu các em có năng khiếu lên PVF hoặc một số trung tâm đào tạo trẻ khác. Đây thực sự là một sự lãng phí của bóng đá trẻ Hải Phòng”.
Cựu cầu thủ Than Quảng Ninh, Nguyễn Văn Việt cũng chia sẻ: “Một số trung tâm đào tạo trẻ còn về Hải Phòng đặt vấn đề hỗ trợ để các trung tâm cộng đồng trở thành vệ tinh lựa chọn cầu thủ năng khiếu”.
Theo bà Phạm Tô Trang, sau khi làm quy trình giải thể, có thể Trung tâm bóng đá sẽ được đưa về thành một bộ phận của Trung tâm đào tạo vận động viên Hải Phòng, tuy nhiên, đây cũng chỉ là "phương án nhất thời”.
Có thể thấy, để bóng đá trẻ Hải Phòng phát huy được hết tiềm năng vốn có, rất cần sự chung tay của Liên đoàn bóng đá Hải Phòng, Sở VH-TT Hải Phòng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ để chuẩn hóa các trung tâm bóng đá cộng đồng. Quan trọng hơn, TP.Hải Phòng cần chỉ đạo CLB Hải Phòng tiếp nhận các tuyển trẻ theo đúng quy chế hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.