Nghĩa tình người lính nơi cửa biển

29/05/2005 22:05 GMT+7

Cách đây hơn 8 năm, cơn sốt bại liệt đã làm cho anh Ngô Văn Màu ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau bị liệt 2 chân. Chán nản, người vợ trẻ của anh đoạn tình dứt áo ra đi, bỏ lại cho anh 3 đứa con gái còn thơ dại. Tật nguyền, không nghề nghiệp, không tài sản, vốn liếng..., 4 cha con anh Màu đã sống ra sao kể từ ngày ấy?

Trong một lần tuần tra trên địa bàn, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 692 thấy hoàn cảnh anh Màu quá khó khăn nên đã về báo với chỉ huy đồn để tìm cách giúp đỡ. Nghe xong, thiếu tá Võ Văn Thắng, lúc ấy là Đồn trưởng, đã quyết định nhận nuôi hai đứa con gái của anh Màu là Ngô Diệu Thu (9 tuổi) và Ngô Ngọc Phượng (7 tuổi).

Về ở với các chú biên phòng, lần đầu tiên cả hai mới được cắp sách đến trường. Hằng ngày, bất kể mưa hay nắng, các chiến sĩ thay nhau đưa đón các cháu đi học, sau đó về kiểm tra bài vở và dạy thêm cho các cháu. Hai chị em luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 692 yêu thương đùm bọc và các em cũng coi những người lính là những người cha ruột thịt của mình. Những lúc Thu và Phượng bị bệnh phải cấp cứu ở bệnh viện, cán bộ, chiến sĩ lo lắng và luôn thức trắng bên giường bệnh với hai em.

Trong suốt hơn 5 năm ròng, Thu và Phượng chỉ có một việc duy nhất là học sao cho thật giỏi. Học chữ, học cách sống. Lúc mới về đồn các em còn rất "mất trật tự", tuy là con gái nhưng rất ngổ ngáo. Thế nhưng sau đó đã  thay đổi hẳn, biết đi thưa về trình, rất ngoan hiền. Những lúc rảnh rỗi các em đã biết cầm chổi quét nhà hoặc xuống bếp phụ với anh nuôi nhặt rau, rửa bát... Anh Phan Hoàng Em, nhập ngũ năm 1998, đã ra quân, một người từng kèm cặp các "con nuôi" cho biết: vất vả nhất là tập cho cả hai chị em bớt nói ngọng. Phải phát âm từng chữ một và uốn nắn để hai chị em đọc theo. Hoàng Em nói: "Tuy có vất vả chút ít, nhưng lúc đó chúng tôi coi đó là niềm vui. Vui nhất là bây giờ, dù tôi đã ra khỏi đơn vị mấy năm rồi nhưng lần nào gặp lại, hai chị em cũng vòng tay cúi đầu "chào ba" rất lễ phép thân tình ...".

Trung tá Bùi Văn Chúc thăm hỏi 2 người con nuôi về thăm Đồn biên phòng 692

Cuối năm 2004, khi thấy hai chị em đã lớn, chỉ huy Đồn biên phòng 692 đã đưa các em về sống lại với gia đình. Tuy đã về nhà nhưng mỗi khi gặp khó khăn, các em lại về đồn biên phòng để thăm các "bố". Những lúc ấy, chỉ huy đồn lại san sẻ cho những đứa con thương yêu của mình - lúc thì ít gạo, lúc thì ít tiền và những lời bảo ban, động viên ân cần nhất.

Cùng với thiếu úy Vũ Đức Trường, chúng tôi thuê một chiếc tắc ráng nhỏ để đến thăm gia đình anh Ngô Văn Màu. Trong căn chòi ọp ẹp khoảng hơn 12m2 dựng trên phần đất mượn, anh Màu đang mệt mỏi nằm thiêm thiếp. Gần 10 năm nay, anh không còn đi đứng gì được nữa. Lúc chúng tôi hỏi chuyện về 2 đứa con của mình, mắt anh rơm rớm: "Không bao giờ tôi nghĩ có được như ngày hôm nay nếu không có các chú biên phòng và bà con chòm xóm. Gần 10 năm trời các anh bộ đội đã cho 2 đứa con gái tôi cơm ăn, áo mặc và cả cái chữ nữa. Không chỉ thế, chính các anh bộ đội còn cho tôi gạo để ăn trong suốt bao nhiêu năm qua... Ơn nghĩa này làm sao tôi trả được?".

Hiện tại, cả 3 đứa con gái bé bỏng ngày nào đã về sống rất hiếu thảo với người cha tật nguyền. Cô chị lớn Ngô Thị Trang, năm nay đã 18 tuổi, hằng ngày đi vá lưới quanh quẩn trong xóm để có điều kiện chạy đi, chạy về chăm sóc cha, vì vậy mỗi tháng Trang chỉ kiếm được 200 ngàn đồng. Thu, năm nay 17 tuổi thì đi ở trông con nít cho một gia đình ngoài thị trấn, mỗi tháng được 200 ngàn đồng. Còn Phượng, 15 tuổi thì đi hái nhãn thuê, mỗi ngày cũng được 8.000 đồng, nhưng ngày có ngày không. Cuộc sống của 4 cha con anh Màu tuy đầm ấm nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khi nghe chúng tôi kể về những khó khăn của cha con anh Màu, anh Vũ Thanh Tân - Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Sông Đốc liền sốt sắng đề nghị với đồn biên phòng sẽ nhận Thu và Phượng vào làm công nhân trong công ty, sẽ lo cho 2 em nơi ăn, chốn ở đàng hoàng như bao công nhân khác trong xí nghiệp. Khi nghe chuyện này, anh Màu đã khóc vì xúc động.

Đến UBND thị trấn Sông Đốc, chúng tôi mang chuyện cha con anh Màu kể cho ông Chủ tịch thị trấn Nguyễn Hoàng Phương. Ông Phương hứa chắc chắn rằng trong thời gian tới sẽ cấp cho anh Màu một mảnh đất nhỏ để làm nhà. Nghe vậy, chúng tôi mừng cho anh Màu và mong rằng bạn đọc gần xa của Báo Thanh Niên hãy sẻ chia ít nhiều để trong thời gian tới gia đình anh Ngô Văn Màu sẽ có một căn nhà khang trang hơn để bù lại những mất mát quá lớn mà anh đã gánh chịu trong cuộc đời mình.

Ghi chép của Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.