Nghị lực phi thường: Bà chủ nhà hàng khuyết tật luôn nghĩ cách giúp người dưng

Phạm Đức
Phạm Đức
06/07/2020 11:33 GMT+7

Hành trình khởi nghiệp của người bình thường đã khó, thì người khuyết tật càng khó gấp bội. Khi thành công, bà chủ nhà hàng khuyết tật Nguyễn Thị Đài Trang (39 tuổi, ở TP.Hà Tĩnh) tìm mọi cách để những người như mình có công việc.

Vì họ cũng có tài năng

Chị Trang sinh ra ở tỉnh Nghệ An. Trận sốt năm lên 3 tuổi khiến chị bị liệt hai chân, không thể đi lại được. Tuổi thơ của chị gắn bó với cây nạng gỗ như vật bất ly thân. Bằng ý chí và nghị lực của mình, chị vẫn đến trường theo học hết cấp 3 và hoàn thành khóa học 3 năm trung cấp.
Sau khi ra trường, chị đến Hà Tĩnh lập nghiệp với rất nhiều nghề, từ làm văn thư cho trường cấp 2, nhân viên chăm sóc khách hàng cho một nhà mạng, đến bà chủ quán cà phê và chuỗi nhà hàng ăn uống.
Chị Trang cũng từng là nhân vật trong bài “Bà chủ khuyết tật và chuyện tình cổ tích” đăng trên Thanh Niên ngày 6.12.2017. Ngoài thành công trong việc kinh doanh, chị Trang có mái ấm gia đình hạnh phúc được dệt nên từ câu chuyện tình cổ tích với người chồng điển trai là anh Phan Nhật Đông (39 tuổi, quê H.Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Biết được câu chuyện ấy, cuối năm 2017, khi Báo Thanh Niên tổ chức chương trình “Chạm vào ước mơ” cho chị Nguyễn Thị Hoa (25 tuổi, ngụ xã Việt Xuyên, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) - người bị xe tải cán nát 2 chân khi vừa tốt nghiệp khoa mầm non - chị Trang cũng được mời đến để truyền cảm hứng về nghị lực sống của bản thân cho nhân vật.

Chị Trang chúc mừng người em khuyết tật đạt giải nhất liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng”

“Để có được như ngày hôm nay, cả công việc lẫn chuyện tình yêu, tôi đã trải qua biết bao trắc trở vì bản thân là người bị tật nguyền. Cay đắng, vất vả mình đã nếm đủ hết. Do vậy, tôi rất đồng cảm với những người như mình, chắc chắn rằng họ cũng có khát khao được có công việc như người bình thường”, chị Trang nói.
Chị cho biết: “Công việc nhà hàng dù bận rộn đến mấy, tôi vẫn luôn cố gắng tìm ra con đường giúp người khuyết tật khởi nghiệp. Vì họ cũng có tài năng nhưng chưa tìm ra được hướng đi. Người ta vẫn thường nói, có tật thường hay có tài”.
Khi trở thành Chủ nhiệm CLB phụ nữ tự lực (thuộc Hội bảo trợ khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.Hà Tĩnh), trọng trách của chị Trang càng lớn hơn, thôi thúc bà chủ nhà hàng phải thực hiện ngay những dự định đã ấp ủ.
Đầu năm 2019, chị Trang lên kế hoạch mở liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng”, vận động những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi.
“Đây là cơ hội để chị em khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự ti để thể hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân và nói lên tiếng nói của mình. Cuộc thi sẽ giúp người khuyết tật có cơ hội thực hiện ước mơ, có thu nhập để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội”, chị Trang ấp ủ.

Chị Trang đã tổ chức thành công liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng” hồi tháng 4.2019

Ảnh: Phạm Đức

Nghĩ cách giúp người dưng

Chị Trang nói rằng để có kinh phí tổ chức và trao giải, chị đã phải đi “gõ cửa” nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin tài trợ. Cuộc liên hoan đã thu hút 40 chị em khuyết tật tham gia. Sau vòng sơ loại, 7 “đóa hoa xương rồng” đẹp nhất đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết.
Đêm thi chung cuộc được diễn ra hồi cuối tháng 4.2019, các thí sinh là những người bị cụt hai chân, cụt tay hoặc ngồi xe lăn đã tự tin thể hiện tài năng về hùng biện, vẽ tranh, may vá…
Những câu chuyện về nghị lực vượt lên chính mình của những cô gái tật nguyền đã khiến khán giả tham dự nhiều lần rơi nước mắt khâm phục, tự hào. 

Chị Trang trong lần tham gia chương trình do Báo Thanh Niên tổ chức

Ảnh: Phạm Đức

 
Sau cuộc thi ấy, chị Trang vui mừng vì có 2 thí sinh được một doanh nghiệp và một trường mầm non trên địa bàn TP.Hà Tĩnh nhận vào làm việc. Đó là tín hiệu đầu tiên giúp chị thấy được mình đang đi đúng hướng để giúp đỡ những “người dưng”.
“Chị em khuyết tật đã chứng tỏ cho mọi người thấy họ hoàn hảo theo cách khác, tuy tàn nhưng không phế. Nếu được trao cơ hội, họ có thể làm bất cứ thứ gì, thậm chí còn giỏi hơn người bình thường”, chị Trang tự hào.
Điều chị Trang mong muốn là tất cả chị em khuyết tật, ai cũng sẽ có công ăn việc làm. Vì thế, chị ấp ủ dự án mở mini shop chuyên sản xuất túi giấy thân thiện với môi trường dành cho chị em khuyết tật.
Bà chủ nhà hàng cũng thường xuyên tiêu thụ một số sản phẩm do người khuyết tật làm ra để phục vụ cho việc kinh doanh của mình.
“Những món hàng tôi mua chỉ là những gói tăm, bó đũa, hay những chiếc bánh tráng… có giá trị không cao, nhưng để làm ra nói là cả một sự nỗ lực lớn của những người không lành lặn”, chị Trang tâm sự. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.