Nghề làm việc xuyên Tết: Vệ sĩ túc trực đêm giao thừa xa gia đình

Hoài Nhân
Hoài Nhân
26/01/2020 10:02 GMT+7

Năm hết Tết đến là lúc nhu cầu thuê bảo vệ, vệ sĩ tăng cao. Những người theo nghề này vì thế mà làm việc xuyên suốt, chấp nhận xa gia đình trong dịp đoàn viên.

Áp lực hơn ngày thường

Theo anh Lê Hoàng Kha Luân (25 tuổi, ngụ Đồng Nai), giám đốc nhân sự kiêm tài chính một công ty dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ chuyên nghiệp ở Đồng Nai, dịp Tết là lúc các đơn hàng thời vụ tăng gấp đôi.
“Bên cạnh các hợp đồng dài hạn vài tháng hay vài năm cho các công ty, ngân hàng, tiệm vàng… thì mùa Tết là mùa cao điểm của các đơn hàng tức thời. Bởi các sự kiện, chương trình Tết tổ chức rất nhiều, nên cần nhiều bảo vệ. Bên cạnh đó, khi các nghệ sĩ nổi tiếng chạy show Tết, nhu cầu thuê vệ sĩ cũng tăng theo. Các anh em vì thế cũng tăng ca nhiều hơn”, anh Luân cho biết.

Phải nắm rõ địa hình, sơ đồ tổ chức nơi mình nhận nhiệm vụ bảo vệ

Hoài Nhân

Công việc ngày Tết của các bảo vệ, vệ sĩ thường áp lực hơn với những sự kiện, chương trình lớn đón xuân

Hoài Nhân

Công việc ngày Tết cũng đòi hỏi nghiệp vụ như bình thường, tuy nhiên áp lực cao hơn vì các sự kiện xuân thường quy tụ lượng người đông đúc, kẻ xấu hoặc trộm cắp thường thừa cơ hoành hành.
Anh Nguyễn Tấn Vinh (41 tuổi, ngụ Đồng Nai), quản lý nghiệp vụ và là một vệ sĩ “cấp cao” của công ty này, giải thích, các bảo vệ/vệ sĩ chia ra làm nhiều đội hình. Tất cả đều phải qua các khóa đào tạo của PC06.
“Đội hình 1 là các vệ sĩ chuyên nghiệp nhất, được sàng lọc và đào tạo kỹ càng, thuần thục tất cả nghiệp vụ sử dụng súng, công cụ hỗ trợ và khả năng xử lý tình huống. Đội hình này chuyên bảo vệ các yếu nhân, chính khách. Nhưng ngày Tết, 2 đội hình còn lại nhiều việc hơn. Đội hình 2 với nghiệp vụ trung bình sẽ nhận bảo vệ các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng,… chạy show. Đội hình 3 với đa số là các bảo vệ thường nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn các sự kiện, chương trình countdown, chợ Tết,…”, anh Vinh cho biết.

Những ngày Tết, các vệ sĩ phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp, dù là nửa đêm

Hoài Nhân

Tuy luôn đảm bảo nghiệp vụ, nhưng cũng có nhiều tình huống phức tạp khi đi làm những ngày Tết. Anh Vinh kể, có nhiều trường hợp từng gặp khiến anh không quên. Trong một đêm diễn có ca sĩ M.H, khi cô vừa từ sân khấu bước xuống giao lưu, khán giả bên dưới bất ngờ như đàn ong vỡ tổ, khiến anh cùng đồng nghiệp… đổ mồ hôi giải vây mới đưa được cô trở lại sân khấu.
“Một lần khác, mình hộ tống diễn viên hài T.G từ phía ngoài vào khu vực sân khấu. Tuy kế hoạch là anh ấy sẽ xuống xe ngay từ cửa, còn chiếc xe trống sẽ chạy vào trong để “đánh lạc hướng”. Nhưng không may có người lại phát hiện được anh, thế là cả đoàn người ào ra. Một số thành phần xấu thừa cơ hội ném nhiều chai nước vào anh, tụi mình phải nhanh chóng tạo thành vòng vây che chắn để anh vào trong an toàn”, anh Vinh kể về một tình huống khó khăn trong những lần làm việc xuyên Tết.

Chạnh lòng đêm giao thừa, vẫn hoàn thành nhiệm vụ

Nhiều người làm nghề vệ sĩ, bảo vệ tâm sự, những khó khăn nghiệp vụ đôi khi cũng không bằng cảm giác không được gần người thân dịp Tết.
Anh Nguyễn Văn Tài (34 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), một bảo vệ làm việc tại TP.HCM cho biết, mỗi dịp Tết, công ty anh thường thiếu nhân sự, nên một ca làm việc thường kéo dài gấp rưỡi ngày thường.
“Chạnh lòng nhất vẫn là khi làm việc ngay đêm giao thừa hay mồng 1, mồng 2. Khi người ta vui chơi, hoặc ở nhà quây quần bên nhau, mình lại phải căng mắt đề phòng các tình huống xấu trong đám đông. Nhiều khi cũng chạnh lòng lắm chứ, nhưng đã chọn cái nghề thì phải có trách nhiệm với nó, không lơ là được”, anh Tài bộc bạch.

Bảo vệ, vệ sĩ phải có trách nhiệm cực kỳ cao trong công việc, nếu không muốn sự cố xảy ra với mình và đối tượng, địa điểm mình bảo vệ

Hoài Nhân

Tập trung cao độ trong những ca trực Tết trước tình hình an ninh phức tạp những ngày này

Hoài Nhân

Nghiêm trọng hơn, những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra với người làm nghề như anh Tài. Anh kể lại, cách đây vài năm, khi anh và các đồng nghiệp giữ an toàn cho một chương trình countdown, một số thanh niên đã chuẩn bị sẵn pháo sáng để đốt. Khi ngọn lửa vừa lóe lên, một đồng nghiệp của anh phát hiện và nhanh chóng dập tắt để đảm bảo an toàn đám đông. Không may, anh bị thương, phải vào viện ngay đêm 30 Tết và mất khá lâu để hồi phục.
“Làm đêm giao thừa, nếu ngay chỗ có bắn pháo hoa thì mình cũng ngước lên coi. Còn nếu không, cũng len lén lấy điện thoại xem vài ba phút, hoặc gọi về chúc Tết bố mẹ, hỏi thăm vợ con một chút. Đón Tết đơn giản là vậy”, anh Tài nói.

Thù lao từ những ca trực Tết có thể tăng gấp 5 lần. Cùng với lương tháng 13 và quà thưởng cho những cá nhân xuất sắc, những người làm nghề này có thể trang trải một cái Tết tươm tất cho gia đình

Hoài Nhân

Những cuộc gọi vội vàng thăm hỏi, chúc Tết gia đình

Hoài Nhân

Những bữa cơm chung với vợ con là điều khá hiếm hoi với bảo vệ, vệ sĩ những ngày Tết

Hoài Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.