Nghề 'chăm sóc người dưng': Bỏ quê, lấy bệnh viện làm nhà; thu nhập hơn chục triệu

Hoài Nhân
Hoài Nhân
24/05/2019 09:31 GMT+7

Cuộc sống ngày càng cuốn người ta vào guồng quay tất bật. Nhiều người không có thời gian chăm sóc người thân bị bệnh, nên nghề nuôi bệnh thuê ra đời. Ở các bệnh viện lớn, luôn có hàng chục đến hàng trăm người 'chăm sóc người dưng'.

Bỏ quê bám nghề

Tôi hẹn gặp chị Trương Châu Hà (43 tuổi, quê Bến Tre) - một người làm nghề chăm bệnh thuê ở Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế (Q.Tân Phú, TP.HCM). 8 giờ sáng, tôi thấy chị nằm co ro trên chiếc ghế xếp trước cửa một phòng bệnh, đắp hờ chiếc áo khoác trên người.
Nhác thấy tôi, chị ngẩng đầu dậy, cất giọng mệt mỏi: “Chắc tôi ngủ chút dậy nói chuyện nha. Đêm qua ông ấy quậy đến 3 giờ sáng, viêm xoang nó hành nữa, uống thuốc rồi mà vẫn chưa hết nhức đầu”. Nói rồi chị xoay mặt vào tường.
Chị Hà, một người phụ nữ làm nghề chăm bệnh thuê, mệt mỏi ngủ trên ghế xếp vì đêm qua phải thức trông bệnh nhân đến tận 3 giờ sáng HOÀI NHÂN
Ở chiếc ghế xếp cạnh bên, chị Võ Thị Nhị (48 tuổi, quê Cà Mau) nói với sang: “Con Hà nó gặp ca khó. Ông ấy tám mươi mấy tuổi rồi, mà sức còn khỏe lắm. Hễ quậy lên là giật ống, giật tã rớt ra hết. Bác sĩ phải cột tay chân vào thành giường kiềm lại, vậy mà ông ấy quẫy đạp hồi cũng ướt giường hết, phải canh chừng để thay. Nghề nào cũng vậy, có lúc dễ thì cũng có lúc khó”.
Chị Nhị và chị Hà là 2 người nuôi bệnh gần như túc trực suốt ở bệnh viện này. Ở đây không có đội ngũ người nuôi bệnh đông đảo lên đến vài chục hoặc vài trăm như các bệnh viện khác. Nhưng cơ bản, cách làm việc và thu nhập nghề này ở các bệnh viện tại TP.HCM cũng không chênh lệch nhau là mấy.
“Tôi quê Cà Mau, được 2 đứa con. Cách đây 10 năm thì chồng mất, còn mình tôi chật vật với đủ nghề. Từ làm ruộng, nuôi heo, nấu rượu, làm thuê cho đến đi tàu cá, nhưng tiền kiếm được vẫn ba cọc ba đồng, không đủ nuôi con. Bấy giờ mới nghe nhỏ cháu ở trên này nói lên đi rồi nó chỉ cho nghề nuôi bệnh như nó đang làm, thu nhập được lắm. Vậy là mò lên theo nó làm”, chị Nhị kể lại lý do bước chân vào nghề.
 
Người chăm bệnh thuê đa số là những người tỉnh lẻ, vào TP.HCM lấy bệnh viện làm nhà, vì phải túc trực 24/24 bên bệnh nhân HOÀI NHÂN
Ca bệnh đầu tiên chị nuôi do đứa cháu giới thiệu, là một ông cụ gần 90 tuổi ở Bệnh viện Thống Nhất
Với mức lương 350 nghìn/ngày, trung bình mỗi tháng chị Hà thu nhập hơn 10 triệu đồng. Trừ các chi phí ăn uống lặt vặt, chị cũng để dành được 7 - 8 triệu/tháng, lo cho 2 đứa con và phòng thân khi về già.
(Q.Tân Bình), trải qua khá nhiều ca phẫu thuật vì những căn bệnh già. Người nhà không có thời gian chăm sóc, nên chị đảm trách nhiệm vụ chăm sóc cho ông 24/24. Mới đầu, chị cứ nghĩ chăm người bệnh cũng như chăm ba mẹ mình ở nhà. Nhưng không phải, mất một ngày chị mới tiếp thu hết mấy điều cơ bản khi nuôi người bệnh mà cháu “truyền đạt” lại.
“Làm nghề này cũng phải có kĩ thuật, từ lau chùi, tắm rửa, đánh răng, cho đến cách xoay trở, dìu đỡ bệnh nhân ngồi dậy hoặc xuống xe lăn đều phải đúng cách, nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe họ. Đó chỉ là cơ bản, rồi với từng trường hợp, y bác sĩ hay điều dưỡng bệnh viện sẽ còn chỉ thêm những lưu ý như phơi nắng bao nhiêu tiếng, vỗ lưng thế nào để không ảnh hưởng phổi. Làm riết mới quen nghề”, chị Nhị cho biết.
Thế là chị bám hẳn đất Sài Gòn bằng cái nghề chăm bệnh thuê.

Lấy bệnh viện làm nhà, dư 8 triệu đồng/tháng

Sau ca đầu tiên ở Bệnh viện Thống Nhất, chị Nhị nghe ở bệnh viện này cần người, thế là chuyển sang thử, thấm thoắt cũng đã 3 năm. Chị nói, ban đầu chỉ có mình chị ở đây, nhưng sau có thêm chị Hà. Hai người phụ nữ đều là dân tỉnh lẻ, chung hoàn cảnh nên thủ thỉ cũng đỡ buồn.
“Cũng có vài người khác vô làm, nhưng đâu phải ai cũng trụ luôn đâu. Chăm ba mẹ ông bà mình thì dễ, chứ tự nhiên khơi khơi chăm người dưng, thấy dơ bẩn, máu me chút là ớn rồi! Tôi đây ban đầu cũng nhát tay, nhưng mau quen, kiểu hợp với nghề. Kêu tôi đi làm giúp việc nhà, tôi không đi đâu, nhưng nuôi bệnh thì được, vì tôi thấy nó khỏe hơn. Chỉ có giấc ngủ là thất thường vì phải ngóng ngóng trông chừng họ”, chị Nhị chia sẻ.
Với công việc chăm bệnh, người đi trước chỉ dạy người đi sau, rồi học thêm từ y tá, điều dưỡng những kỹ năng cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là cái tâm với nghề HOÀI NHÂN
Thùng đồ đạc sinh hoạt gọn gàng của chị Cẩm, một người làm nghề nuôi bệnh lâu năm HOÀI NHÂN
Cái nghề “khỏe” mà thu nhập lại khá nữa! Những gia đình thuê người chăm bệnh, thường đều có điều kiện kinh tế dư dả, nhưng lại thiếu thời gian, nên việc chi tiền với họ không phải vấn đề to tát. Chị Nhị nói, ở quê làm quần quật cao lắm cũng hơn 100 nghìn/ngày. Vậy mà ca bệnh đầu tiên, chị nhận được tiền công 8 triệu/tháng. Chị làm việc cẩn thận, nên người nhà thương “bồi dưỡng" thêm 500 nghìn nữa. Con số đáng mơ với những lao động nghèo như chị.
“Đó là ca dài ngày, còn với những ca ngắn ngày tầm 1 tuần, nửa tháng, thì tiền công tính 300 nghìn/ngày, còn giờ đã lên 350 nghìn rồi. Các chị em trong nghề ở bệnh viện khác thì đến 400 nghìn, vì điều kiện chăm sóc cực hơn ở đây, không có máy lạnh, không được sạch sẽ bằng. Làm nghề này lấy bệnh viện làm nhà mà, 3 năm kể từ khi lên đây, tôi có thuê nhà trọ đâu. Đó, con Hà cũng vậy”, chị Nhị cho biết.
Nghe nhắc tên, chị Hà trở mình. Hóa ra nãy giờ chị vẫn nửa tỉnh nửa mơ, vì cơn nhức đầu âm ỉ. “Cái nghề này nó vậy, ăn cơm tiệm, ngủ hành lang, rắm rửa ở nhà vệ sinh, đồ đem ra ngoài người ta giặt. Có rời bệnh viện được đâu mà thuê trọ chi. Một năm chẳng mấy khi về quê, vì đã nhận ca bệnh rồi phải chăm suốt, cực chẳng đã lắm mới nhờ chị em trong nghề trông giúp 1 - 2 bữa”, chị uể oải nói.
Hiện tại, chị chỉ đang nuôi có một ca bệnh, nhưng những lúc cao điểm, chị nhận có khi 3 - 4 ca cùng một lúc. Với mức lương 350 nghìn/ngày, trung bình mỗi tháng chị Hà thu nhập hơn 10 triệu đồng. Trừ các chi phí ăn uống lặt vặt, chị cũng để dành được 7 - 8 triệu/tháng, lo cho 2 đứa con và phòng thân khi về già.
Một người nuôi bệnh ở bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5) phơi đồ trước hành lang. Tất cả sinh hoạt thường ngày của chị đều diễn ra trong bệnh viện HOÀI NHÂN
Mỗi tháng, chị Nhị có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng. Do ở suốt trong bệnh viện đỡ được tiền nhà trọ, mỗi tháng chị dư khoảng 7 - 8 triệu đồng HOÀI NHÂN
Có tiếng người thân trong phòng í ới gọi: “Ị rồi, cô Hà ơi”. Chị bỏ dở câu chuyện nghề, tất tả chạy vào phòng bệnh để thay tã, lau chùi cho ông cụ bệnh nhân của mình.
Vẫn còn nhiều những thăng trầm của cái nghề “chăm sóc người dưng”.
(Còn tiếp)
"Y bác sĩ trong bệnh viện luôn sẵn sàng hướng dẫn thêm những kỹ năng, kiến thức y tế cần thiết, trong từng trường hợp cụ thể, để những người nuôi bệnh có thể làm đúng và tốt nhất. Mấy cô nuôi bệnh ở đây rất lanh lẹ, nhiệt tình và tận tâm! Nhờ có mấy cổ mà điều dưỡng, y tá tụi mình cũng an tâm hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân", chị Trần Hồng Thy Thy (Điều dưỡng Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế) cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.