Nghề 'cầm mạng người' trong sòng bạc nơi biên giới

11/10/2018 09:42 GMT+7

Perry Dean Young, một nhà báo người Mỹ kể cho tôi: “Tôi nhìn theo dáng bạn mình lái xe về con đường ra biên giới Campuchia. Anh ấy biến mất vào ngày hôm đó. Mãi mãi không thể tìm ra”.

Mekong, phù sa phiêu bạt: Vùng trắng - Phận người dữ dội ở vùng biên Đông Nam Á1
Vài chục năm sau, gia đình và bạn bè của Sean Flynn, phóng viên ảnh người Mỹ trong câu chuyện, vẫn quay lại Việt Nam và Campuchia để tìm xác anh. Họ chưa bao giờ có thêm hy vọng. Sean Flynn trong bức ảnh cuối cùng lái chiếc mô-tô đường trường, đội nón tai bèo, đeo máy ảnh và mỉm cười hào sảng. Anh biến mất trên trên Đường số 1 ở Campuchia.
Trên những bức tường tưởng niệm báo chí, anh được đóng khung trong cái đẹp trai và gió bụi đó - một khoảnh khắc hoàn hảo - mà không ai biết thêm tăm tích về phần đời sau đó.
Biên giới, ai có thể biến mất khi bước qua một lằn ranh? Con người làm sao có thể tan đi khi bước qua cái đường kẻ vô hình thậm chí chỉ có trên bản đồ mà không tồn tại trong đời thật? Một hôm đi lạc giữa biên giới Việt Nam - Campuchia tôi dừng xe và nghĩ về anh chàng điển trai lái mô-tô đã tan biến vào hư không. Tôi đã đi lạc sáu giờ và loạng choạng bước vào một căn lều, chìa cái chai nước không, ngỏ ý xin nước uống.
Bà già Campuchia quấn chiếc xà rông mỏng le và nhàu nhĩ bước ra cửa, cầm chai nước và đổ đầy nó bằng thứ nước lợn cợn trong lu. Khi tôi hỏi “Việt Nam? Việt Nam?”, bà chỉ tay về hướng biên giới, nhưng đó cũng là con đường bị cách ngăn bởi những quãng chặn không hề có cửa khẩu.
Con người nhỏ bé có thể biến mất ở biên giới khi không thể tìm được đường thoát khỏi vùng trắng vô danh đó. Họ mắc kẹt giữa đoạn kênh, dòng sông, bờ đá, dải đồi không có tên, mắc dây kẽm gai cấm băng qua, chốt bằng một đồn bót binh lính biên giới hai nước. Sean Flynn có vượt qua được cái vùng trắng mà tôi mắc kẹt để đến đâu đó xa hơn không?
Biên giới Việt Nam - Campuchia không phải là một đường kẻ vô hình trên bản đồ. Nó cựa mình khi ta bước qua. Nó hóa thân và phủ màu lên những áng bụi như lời nguyền của một thế giới và vùng khí quyển hoàn toàn khác. Biên giới đó có những người đàn bà gầy rạc như trong phim trắng đen thời Khmer Đỏ, nhìn tôi xao xác nửa thiết tha đầy nữ tính, nửa hoảng loạn che kín tâm trí mình bằng cánh cửa sắt trước nhà. Người đàn ông mình trần, cao to lực lưỡng như một khối thịt khổng lồ, vai và ngực đầy sẹo với những đường xăm tiếng Khmer, đi đi lại lại với những giao dịch kỳ quái và đầy bất an.
Từ Mộc Bài qua, hàng chục sòng bài mọc như khối nấm dâng lên. Người chơi bạc lịm đi trong phòng máy lạnh sau nhiều giờ mỏi mệt tính toán.
Bên ngoài, nắng Tây Ninh chuyển thành nắng Bavet, trắng ngập, nóng gai người.
Sòng bài. Macao. Hong Kong. Lucky Heaven. Diamond... biển hiệu lấp lánh che kín cả thiên đường. Biên giới được chắn ngang bởi những cơn mê cuồng không buồn che giấu. Người Chợ Lớn muốn đánh bạc đi Mộc Bài. Dân Long An, Sông Bé, thèm giải trí tới bến ra Mộc Hóa, Tịnh Biên. Dân chơi Phú Quốc chỉ cần nhón chân là qua Xà Xía với những tòa nhà cao lênh khênh lấp lánh đèn. Dân Bangkok thèm “xõa” chỉ cần đạp cuốc xe về Poipet.
Nhiều năm trước, tôi gặp Duy ở Mộc Bài. Duy 17 tuổi, cao hơn hẳn những đứa trai nông thôn cùng lứa. Duy hút thuốc. Tôi hỏi:
- Em làm gì ở đây?
- Em giữ mạng người.
Duy kể cho tôi về nghề cầm mạng người ở Mộc Bài. Sòng bài đầy rẫy con bạc mê đắm đến xây xẩm. Khi hết tiền, chủ của Duy xuất hiện, hỏi họ: Có muốn cầm mạng lấy vài chục triệu chơi thêm không? Họ gật đầu, ký vào giấy thế chấp mạng sống, giá 50 triệu đến vài trăm triệu, tùy theo chủ của Duy biết họ giàu có cỡ nào, con ai, gia đình nào, chủ sạp nào ở Chợ Lớn, chủ khách sạn nào ở Sài Gòn. Chơi tiếp cho “khô máu”. Mấy đứa thanh niên cao kều, khỏe mạnh như Duy lang thang giữa đường biên bên này bên kia, tìm chỗ hái thuốc lá thuê, làm rẫy, hoặc vào sòng làm bảo vệ. Duy được trả 5 triệu/tháng.
Đứng ngoài cửa. Canh giữ cái người đã hăng hái ký vào tờ giấy thế chấp. Nghĩa đen là Duy “cầm mạng” người chơi. Ai bung cửa chạy trốn thì Duy đánh. Đánh cho quay vào phòng. Đánh cho sợ không dám bỏ trốn nữa. Người nhà đem tiền đến, cửa mở, họ được thả về. Duy xong việc.
Duy không giết người hay phải làm gì để hành hạ cái sinh mạng đã được mua bán. Việc đó của chủ sòng hoặc chủ thuê Duy. Một lần, Duy thấy người thế chấp mạng bị chặt ngón tay. Công việc không có gì đặc biệt.
Mekong, phù sa phiêu bạt: Vùng trắng - Phận người dữ dội ở vùng biên Đông Nam Á2
Cửa khẩu Poipet - nơi những người lao động nghèo Campuchia ùn ùn qua biên giới làm cửu vạn, buôn bán, làm thuê cho người Thái
Duy mô tả vậy. “Chị đừng sợ, em chẳng giết người đâu. Em tìm được việc ở Sài Gòn rồi. Đợi vài tháng đủ tuổi em về đi làm công nhân”. Tôi muốn kể cho Duy nghe về cái “vùng trắng” ở biên giới, nơi tôi từng đi lạc và tưởng tượng ra mình sẽ biến mất không dấu tích. Những người thế chấp mạng chắc cũng ở trong cùng cái hõm tối ấy. Liệu họ có biến mất mà chẳng ai biết đến không? Hay họ bị vứt vào chiếc hộp mà Duy đứng ngoài canh, rồi lặn mất không tăm tích?
“Vùng trắng” luôn lởn vởn đâu đó. Một đêm khác, khi tôi điên ruột cãi nhau với tay lái xe khách lừa phỉnh ở Aranyaprathet (Thái Lan), đòi trả lại tiền, rồi hậm hực đeo ba lô đến chợ biên giới tìm một chỗ nghỉ. Gã nói với theo đầy đe dọa: “Hết xe về Siem Reap rồi, đưa thêm 15 đô thì có xe đi”. Tôi quay lưng. Chẳng việc gì phải về Siem Reap gấp gáp.

Đây là một cửa khẩu từng có thời ngập tràn dân buôn vũ khí và buôn lậu trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Từ Campuchia, những tay lính Khmer Đỏ qua lại khúc này và quân Việt Nam từng đêm ngày tranh nhau mỗi mét vuông. Cả khu vực là các trại tị nạn, Khmer Đỏ hỗn loạn buôn bán nhu yếu phẩm vớ được đâu đó trong những gói viện trợ (1), mua vũ khí từ người Thái, hoặc người Khmer bỏ tay những thỏi vàng để tìm đường về Bangkok.
Người bạn của tôi, một tay lái xe máy đường dài, hét lên trong điện thoại: “Ê, cậu đang ở Poipet, đi chợ đi. Đi chợ xem có bán súng không, coi có lựu đạn không? Người ta bảo ở đó còn bán cả xác trực thăng đấy.”
“Huy hiệu thật của sĩ quan không quân Mỹ. Hàng thật. 17 đô la. Cô xem đây”. Người bán quân trang chìa cho xem chiếc phù hiệu với thanh kiếm và những tia sét. Đồ đạc trong cửa hàng là những đống giày cao cổ sĩ quan nhiều chủng loại khác nhau, cũ mới lẫn lộn, giày của quân đội Hoàng gia Thái, giày của người phương Tây cỡ lớn, giày vải nhỏ của quân đội Việt Nam hay Trung Quốc. Cuộc giao tranh bị nhấm chìm dưới vật chất và sự bừng nở từ khi súng và mìn im tiếng.
Tôi định hỏi ông chủ tiệm có bán xác trực thăng không, dù biết câu hỏi của mình sẽ vượt quá giới hạn trò đùa. Như đoán được, ông nói ở đây vẫn có bán vũ khí. Ông không biết ai bán. Nhưng tôi có thể mua một huy hiệu của sĩ quan không quân Mỹ. Cái huy hiệu đó của ai? Tại sao nó xuất hiện ở khối thời gian này và biên giới này? Người sĩ quan đó có bị rơi máy bay và biến mất vào vùng trắng? Hay anh ta cởi áo vứt lại cho một đứa trẻ người Thái nào đó trước khi leo lên máy bay về Mỹ? Hay anh ta bị vứt xác xuống hố người tập thể - và cái áo được cởi ra, khoác lên vai kẻ săn tìm trong cuộc giao tranh đen khói súng vài chục năm trước?
Cái huy hiệu rơi vào vùng trắng của tôi và tôi sẽ cầm nó đi, khóa nó lại với thế giới mà nó đã mất. Sean Flynn chắc đã mất chiếc máy ảnh hay quyển sổ tay trong vùng trắng của một ai khác. Vĩnh viễn không thể trở về nữa.
Nhiều năm tháng đi lại giữa các biên giới ở Đông Dương, tôi luôn biết khi nào mình bước chân vào Campuchia, không phải vì tấm biển cảnh báo hay cột mốc biên giới, mà là vì thứ mùi của bất định luôn ẩn hiện, lặng lẽ, đầy những oán ân và mâu thuẫn kỳ lạ trộn lẫn vào vị của nắng nôi bải hoải xứ này. Một vùng trắng xóa, im lặng như thú đói cuộn mình. Nó nuốt chửng mọi danh tính và con người giẫm đạp đi qua nhau.
Ở Campuchia, biên giới lúc nào cũng bối rối như một trò đùa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.