Ngày Tết bàn chuyện... đánh ghen!

05/02/2008 15:34 GMT+7

Chưa già mà lại lẩn thẩn thế sao! Ai đời trong những ngày xuân xanh phơi phới mà lại đi nói chuyện... đánh ghen? Nhưng thật ra trong đời sống tình ái của lứa đôi, nếu còn yêu thì vẫn còn ghen. Nhưng ghen như thế nào để đạt đến "đỉnh cao của nghệ thuật" thì mới là chuyện đáng nói.

Mà này, đàn ông có biết ghen không? Ông ạ! Khoan trả lời vội. Theo tớ biết, rất ít đàn ông dám... đánh ghen, họ chỉ âm thầm đau khổ một mình (!?). Thật ra, ghen mà biểu lộ cho vợ (hoặc chồng) biết mình ghen là... xoàng!

Tự cổ chí kim, có lẽ Hoạn Thư là nhân vật duy nhất đã biết ghen và đánh ghen bằng một kịch bản "trí tuệ" nhất (!?). Tất nhiên kịch bản này được sáng tạo bởi thiên tài Nguyễn Du. Chuyện rằng: Lâu nay, Hoạn Thư không rõ vì sao chàng Thúc Sinh - chồng mình cứ ở lì tại Lâm Truy, không chịu về Vô Tích thăm nhà? Chỉ có thể chồng đã lập "phòng nhì" rồi nên mới xao nhãng với vợ đến như thế chăng? Dù uất lắm, nhưng nàng vẫn im lặng. Thậm chí khi có kẻ đến thông báo sự nghi ngờ trên là đúng, thì nàng đùng đùng nổi giận... bênh vực chồng: "Chồng tao chẳng phải như ai. Điều này hẳn miệng những người thị phi". Nổi giận chưa đủ, mà nàng còn trừng phạt: "Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng. Trong ngoài kín mít như bưng. Nào ai còn dám nói năng một lời". Ở màn 1 này, ta thấy Hoạn Thư chứng tỏ cho thiên hạ biết là nàng không hề ghen.

Ít lâu sau chồng về thăm nhà, đôi bên cùng chuyện trò thân mật, vẫn nồng nàn như thuở nào. Dù vậy, Thúc Sinh "có tật giật mình", nhưng vợ chẳng gặng hỏi thì dại gì mà khai? Chắc gì vợ đã biết chuyện "chút nghĩa đèo bòng" của mình với Kiều? Thúc Sinh càng yên tâm hơn khi vợ âu yếm, khéo léo: "Rằng: Trong đá ngọc vàng thau. Mười phần ta đã tin nhau cả mười. Khen cho miệng lưỡi dông dài. Bướm ong đã đặt những điều nọ kia. Thiếp dù vụng chẳng hay suy. Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười". Nàng khẳng định là có nghe tin đồn về chuyện "mèo mỡ" của chồng, nhưng vẫn không tin. Cao cơ hơn, nàng còn bảo chỉ là chuyện thiên hạ đặt điều.

Dù tim trong lồng ngực đang đập thình thịch, nhưng nghe nói thế, anh chàng Thúc Sinh liền vọt nói ngay: "Đúng quá! Anh nào phải người ba lăng nhăng như thế" và hoàn toàn yên tâm vì mọi việc chưa bại lộ. Ngày tháng nồng ấm trôi qua. Năm sau, anh chàng từ biệt vợ đi đường bộ lên Lâm Truy.

Bấy giờ nàng mới ra tay.

Nàng sai bọn thuộc hạ Ưng, Khuyển cầm đầu lũ lâu la gấp rút đi đường biển lên đến nơi trước. Tiếp cận được mục tiêu, đám "xã hội đen" này liền dùng thuốc mê bắt cóc Kiều - vợ nhỏ của Thúc Sinh, rồi đốt nhà. Để phi tang mọi chuyện "Sẵn thây vô chủ bên sông. Đem vào để đó lộn sòng ai hay?", tức là chúng tráo một người khác. Như thế khi Thúc Sinh đến nơi chỉ còn biết khóc ròng, đau đớn nghĩ rằng "vợ hai" đã chết cháy. Chàng khóc lóc thương xót không thôi. Trong khi đó, Kiều bị đám du côn này đưa thẳng về nhà Hoạn Thư! Kiều chưa kịp hiểu ất giáp cớ sự như thế nào liền bị Hoạn Thư nanh nọc, mắng: "Con này chẳng phải thiện nhân. Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng", rồi sai gia nhân đánh ba chục roi "Thịt nào chẳng nát da nào chẳng kinh". "Dằn mặt" tình địch xong, Kiều bị tống làm nô tì và Hoạn Thư đặt cho tên mới là Hoa Nô.

Cái hay của màn 2 này, cả Thúc Sinh lẫn Thúy Kiều đều không biết đây là âm mưu đánh ghen của Hoạn Thư.

Vì thế, đến màn 3 này mới thật khủng khiếp.

Ít lâu sau, Thúc Sinh trở về nhà. Hoạn Thư mới sai đày tớ Hoa Nô lên chào chủ. Kiều thấy Thúc Sinh thì đâm ra hoảng, nửa muốn bước tới nửa muốn dừng "Bước ra một bước một dừng. Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa". Thúc Sinh cũng ngỡ ngàng không kém "Bây giờ đất thấp trời cao. Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?". Nói như dân gian là cả hai trong tình huống oái oăm này đều "đứng như trời trồng". Chao ôi! Nhìn người mình thương, mình yêu đến đứt từng đoạn ruột mà phải câm nín, trơ mắt ếch ra ngó như không quen biết thì có khổ không hở trời? Khổ quá đi chứ! Bất giác, Thúc Sinh ứa nước mắt, nước mắt sụt sùi. Dù biết tỏng tòng tong rồi, nhưng Hoạn Thư vẫn cứ cắc cớ hỏi chồng: "Cớ sao vậy?". Không dám nói thật, chồng đáp bừa: "Vừa mãn tang mẹ. Nhớ mẹ anh khóc". Nghe nói thế, Hoạn Thư khen chồng... có hiếu quá!

Chưa hết. Theo thông lệ xưa thì người đi xa về thường được gia đình mở tiệc rượu "tẩy trần" để rửa sạch bụi bặm đường dài. Lúc này, để tiếp tục tra tấn nỗi khổ tâm giữa chồng và "mèo" của chồng, Hoạn Thư nghĩ ra một độc chiêu khác. Hoạn Thư bắt Kiều phải quỳ xuống, rót rượu, cung kính dâng rượu tận tay cho chồng mình. Lúc ấy, lòng dạ đâu mà Thúc Sinh uống được rượu? Lập tức Hoạn Thư: "Vội thét: Con Hoa! Khuyên chàng cạn chén thì ta có đòn. Sinh càng nát ruột tan hồn. Chén mời phải cạn bồ hòn ráo ngay"! Uống rượu trong tâm thế này thì khác gì uống thuốc độc. Thế nhưng, Hoạn Thư cứ giả bộ xem như không biết gì cả. Nàng lại sai Kiều đánh đàn cho vợ chồng mình thưởng thức. Tất nhiên, trong tiếng đàn réo rắt của Kiều đầm đìa nước mắt. Không thể chịu đựng được cách "hành hạ" khốc liệt của vợ được nữa, Thúc Sinh bèn òa lên khóc! À! Tại mày chứ ai? Hoạn Thư mắng Kiều: "Sao trong cuộc vui lại gảy khúc đoạn trường khiến chồng tao phải khóc? Chẳng biết giữ ý tứ gì cả!". Càng nghe vợ mắng "mèo" cay nghiệt bao nhiêu thì "Sinh càng gan héo ruột dày. Nỗi lòng càng nghĩ càng đau đớn lòng". Đau nhưng không thốt được lời nào. Thúc Sinh phải câm như hến. Kiều phải câm như thóc. Trong khi đó, thâm tâm Hoạn Thư lại hoan hỉ, đắc thắng "Vui riêng cho bõ đau ngầm xưa nay". Cao cơ đến thế là cùng.

Dăm ngày sau, gặp mặt Kiều, Hoạn Thư mới hỏi: "Sao mặt mày rầu rĩ vậy?", tất nhiên Kiều chỉ dám đáp qua loa. Ghê gớm hơn nữa là nàng bảo chồng tìm hiểu nguyên nhân. Hỏi gì nữa hở trời? Nhưng rồi, sợ liên lụy đến Thúc Sinh nên Kiều phải "tường trình" hết mọi điều lên giấy đưa cho Hoạn Thư, trong đó bày tỏ nguyện vọng xin đi tu. Muốn thế à? Được! Kiều được Hoạn Thư bố trí cho tu tại Quan m Các trong vườn nhà, lấy pháp danh Trạc Tuyền.

Thế là xong? Chưa đâu!

Ngày nọ, nghe tin vợ đi thăm mẹ, Thúc Sinh mừng quá, vội lẻn ra vườn thăm Kiều. Đúng là cơ hội ngàn năm có một. Đôi bên cùng khóc lóc sụt sùi, không ngòi bút nào tả xiết tâm trạng của họ trong giây phút hiếm hoi này. Cuối cùng, Thúc Sinh mới khuyên Kiều "Liệu mà cao chạy xa bay". Đôi bên đau đớn "Nói rồi lại nói lời chưa hết lời" thì bỗng có tiếng động phía sau. Cả hai hoảng hốt ngoái lại thì không ngờ Hoạn Thư đã sừng sững trước mặt. Bị bắt quả tang đấy nhé! Tuy thế, Hoạn Thư vẫn tỉnh bơ như không. Hỏi chồng vào đây làm gì? Thúc Sinh đáp: "Tìm hoa quá bước xem người viết kinh". Hoạn Thư cũng gật gù khen Kiều viết chữ đẹp, ngồi uống trà tương đắc, rồi thong dong nắm tay chồng ra về.

Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đáng sợ.

Cái đáng sợ, ghê gớm nhất của Hoạn Thư là dù đã tận mắt chứng kiến, đã nghe lọt tai mọi âm mưu giữa chồng với "mèo" nhưng vẫn cứ "Cười cười nói nói ngọt ngào"! Đến lúc hỏi lại một nô tì khác, biết lúc ấy Hoạn Thư đã lén nghe hết mọi chuyện thì Kiều sởn gai ốc, vã mồ hôi, lạnh xương sống. Không còn cách nào khác, Kiều phải tính đường sống cho mình. Dù biết thế nào Kiều cũng phải tìm cách trốn khỏi nơi này, nhưng Hoạn Thư không đuổi theo vì mục đích loại "tình địch" ra khỏi "cuộc chơi" đã đạt được. Mà lại nhẹ nhàng như không.

Rõ ràng, thiên tài Nguyễn Du đã viết một kịch bản đánh ghen quá đỗi hoàn chỉnh. Mấy ai thời nay có thể đánh ghen đạt đến "nghệ thuật" cao siêu như Hoạn Thư? Đến nỗi Kiều là người trong cuộc cũng phải thốt lên: "Ấy mới gan, ấy mới tài"! Còn nếu ghen, đánh ghen với tâm thế "Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng", ầm ĩ đầu làng cuối xóm thì... xoàng lắm.

Lê Minh Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.