Ngày của mẹ: Làm sao đi hết những lời mẹ ru…

13/05/2018 18:02 GMT+7

Mẹ tôi không biết đi xe máy. Đi đâu mẹ cũng dùng xe đạp. Tôi lớn lên đã thấy dáng mẹ lam lũ đẩy chiếc xe cà tàng lên con dốc dựng đứng gần nhà mỗi buổi đi chợ về.

Mẹ tôi làm công nhân, cả đời mẹ gắn liền với than, xỉ lò, gạch. Mẹ không có lễ, tết. Chiều 30 tết mẹ mới được nghỉ làm, chúng tôi có một ngày mùng 1 tết bình yên, mẹ không phải rời khỏi nhà từ sớm tinh mơ và về nhà khi đã xẩm tối.
Bắt đầu từ mùng 2, mẹ đã khai xuân. Anh trai tôi thường xuyên được huy động trong những ngày đó, phụ mẹ nhặt gạch, xếp lên xe bò, đẩy ra những bãi xa thật là xa, bất kể ngày hôm đó rét căm ca hay mưa xối xả. Tôi và anh trai sợ làm công nhân, sợ xe bò, sợ những đống gạch cao chất ngất, sợ cả những tai nạn lao động như cơm bữa, bởi thế đứa nào cũng nhắn nhủ nhau, ráng học để có một công việc bớt nhọc nhằn hơn mẹ.
VIDEO: Giới trẻ làm gì cho mẹ trong Ngày của mẹ
Mẹ nghèo, nhưng chưa bao giờ để chúng tôi đóng chậm tiền học phí một buổi. Trong cái xóm nhỏ toàn những con em công nhân nhà máy gạch, nhà máy đóng tàu mà tôi lớn lên, những đứa trẻ học hết lớp 9 cứ nối tiếp nghề từ đời nào của ông bà, cha mẹ.
Một số người học hết cấp 3, một phần họ không thể học cao hơn, một phần cha mẹ làm công nhân quá nghèo túng, họ chấp nhận đi tiếp con đường cha mẹ đã chọn mà không tìm cho mình một lối thoát ở những trường đào tạo nghề, nghiệp vụ. Mẹ tôi luôn bảo các con, dù mẹ có ăn đói, mặc rét, mẹ cũng không bao giờ để các con thất học.

Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa đông rét căm căm ngày mình học lớp 2, bữa cơm nhà tôi chỉ có một nồi cơm trắng và một bát nước mắm nấu cùng hành khô. Anh em tôi đều ăn hết sức ngon lành. Anh tôi, ngày đó học lớp 10 bảo mẹ: “Con chọn ăn cơm với nước mắm, nước cà chua mỗi ngày, nhưng được đi học mẹ ạ”. Mẹ tôi mắt ầng ậng nước...
Tôi vào lớp 12, là một trong 6 học sinh của lớp chuyên Văn được chọn để đi thi học sinh giỏi quốc gia. Tôi e ngại, sợ thời gian học đội tuyển nhiều quá sẽ không thể thi đỗ đại học. Mẹ tôi một mực động viên, mẹ không muốn tôi bỏ cuộc. “Con phải thi, thi hết sức mình, thay phần của mẹ”. Ngày xưa mẹ tôi học rất giỏi, năm lớp 6 mẹ đã được chọn để đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Nhà bà ngoại tôi nghèo, đông con, mẹ không được học hết cấp 3.
Có mẹ bên đời là điều tuyệt vời nhất cuộc đời - Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngày tôi đi thi, sáng tinh mơ đã thấy mẹ dắt chiếc xe đạp cũ, mẹ chở tôi từ nhà ra trạm xe buýt. “Mẹ tin con sẽ làm được. Con làm giỏi nhé, làm thay cả phần của mẹ”, những lời ấy theo tôi vào suốt phòng thi, ngày tôi báo tin, mình đạt giải ba, mẹ ôm tôi, không khóc đâu mà mắt đỏ.
Tôi vào đại học, gửi gắm tất cả những ước vọng của cha và mẹ vào một tương lai tôi có thể đỡ nhọc nhằn, không nhiều mồ hôi, nước mắt như của mẹ. Vài tháng một lần, tôi về thăm nhà, mẹ gói cả quê hương trong một chiếc thùng các-tông cho tôi mang lên trường với các bạn, bánh, trứng gà, những trái cây tôi thích. Mẹ cho thùng hàng lên xe đạp, rồi hai mẹ con cứ thế dắt bộ ra tận bến xe, vừa đi vừa thủ thỉ bao nhiêu chuyện trên trời dưới bể. Tôi còn nhớ, bác tài xế xe khách quen rất kỳ lạ hai mẹ con, ông luôn thắc mắc tại sao thời buổi này vẫn còn hai mẹ con nhà này chở nhau xe đạp. Tôi thì luôn cười: “cháu chỉ thích ngồi sau xe đạp của mẹ”.
Có một câu chuyện mà tôi rất khó quên, cô út, tức là em ruột của bố tôi từng một lần mếu máo, kể chuyện với nhà tôi. Con gái cô cố tình làm lơ, không chào mẹ dù gặp mẹ ngay ở cổng trường học. Về nhà, út hỏi con gái vì sao làm vậy, con gái đáp tỉnh bơ: “Con xấu hổ. Mẹ đi xe đạp cũ mèm, ăn mặc lôi thôi, lại còn đội cái nón rách tươm. Bạn con ở đó nó cười cho”. Cô khóc, tức tưởi cả một buổi chiều. Năm đó, con gái cô học lớp 3, 9 tuổi.
Mẹ có thể nhịn ăn nhưng chưa để anh em tôi đóng học phí muộn 1 ngày - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tôi nghĩ rằng em bé con cô út đến giờ đã biết hối hận lắm. Cuộc đời nhiều va vấp, người ta sẽ hiểu ra rằng, dẫu đi trọn kiếp, chẳng thể tìm đâu được một người yêu ta, thương ta hơn mẹ.
Nghĩ về mẹ, trong tôi bao giờ cũng có những cảm giác nao nao nơi lồng ngực. Tôi 28 tuổi, hay sau này dẫu 38, 48, hay 58 tuổi, ngày hôm đó tôi có gặp chuyện gì tồi tệ, tôi vẫn nghĩ rằng, mình có mẹ, mình còn mẹ, vậy là lòng bình yên.
Tôi sinh con gái. May mắn nhất trong cuộc đời con là khi vừa chào đời, con đã được bà ngoại đón tay, ấp ủ, hát ru… “Ầu ơ, dẫu đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Một chiều tà ở xứ người, rời xa vòng tay mẹ, tôi nằm võng nghe tiếng ru, nước mắt cứ rơi lã chã...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.