Ngang nhiên khai thác đất cát trái phép cạnh trung tâm xã

Đình Toàn
Đình Toàn
06/11/2018 08:42 GMT+7

Tình trạng khai thác đất cát lậu diễn ra trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn khiến một lượng lớn tài nguyên, khoáng sản ở một xã vùng biển tỉnh Thừa Thiên-Huế bị tàn phá.

“Ăn đất” giữa ban ngày
Việc khai thác đất cát (đất pha cát) trái phép nói trên xảy tại xã Lộc Vĩnh, một trong 4 xã thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khu vực khai thác đất cát nằm gần khu dân cư thuộc hai thôn Cảnh Dương và Đông An, xã Lộc Vĩnh, cách trụ sở UBND xã Lộc Vĩnh chừng 1 km và cách đường trung tâm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chỉ vài trăm mét.

Ngày 30.10, theo dõi quá trình khai thác đất cát tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận xe ben ngang nhiên vào ra “mỏ đất” này để khai thác, vận chuyển mà không gặp bất cứ sự ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng. Gần trưa 30.10, một xe ben vào khu vực này chở đất; chiều cùng ngày, tình trạng này tái diễn khi một xe ben khác mang BS 75C-051.99 tiến sâu vào bên trong rừng trồng của người dân để “ăn đất”. Tại đây một số nhân công đã chuẩn bị sẵn và dùng xẻng đào đất đưa lên xe.
Theo quan sát của PV, tình trạng khai thác đất cát lậu diễn ra trong một thời gian dài tại khu vực nêu trên đã khiến một khu vực cát nội đồng rộng trên 10 ha bị tàn phá, đào bới nham nhở. Nhiều vết bánh ô tô tải cũ, mới chồng lên nhau thành những con đường mòn ngang dọc mà người đi đường rất dễ nhận thấy. Nhiều nơi sau khi cát lấy xong, hiện trường còn lại tựa như cái hồ nước. Nhiều nơi đất cát bị đào sâu hoắm, tạo thành hàm ếch.
“Việc lấy đất lậu tạo thành những ao hồ, hố sâu rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nhà nước thiệt hại về tài nguyên khoáng sản, nhưng một số người thì tư lợi”, ông Nguyễn Anh, một người dân ở thôn Cảnh Dương, lo lắng.
Đất "vô chủ", xã không hay !

Đến nay, nhiều người dân thôn Đông An lẫn Cảnh Dương không biết khu vực bị khai thác đất cát nói trên do ai sở hữu và cơ quan, tổ chức nào quản lý. Chị L.Th.V, một người dân ở thôn Đông An, cho biết hơn 10 năm trước, chính quyền thu hồi hàng chục héc ta đất trồng mía của bà con giao lại cho một doanh nghiệp để họ nuôi tôm cao triều.
Việc nuôi tôm tiến hành chưa tới 5 năm thì doanh nghiệp phá sản. Đất đai từ đó bỏ không, một số bà con “tiếc của” đã tận dụng trồng keo lai, tràm hoa vàng. Nhiều diện tích keo lai đã khai thác một chu kỳ (5 năm), nhưng đất của ai quản lý cũng không rõ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, khẳng định việc khai thác đất tại khu đất nói trên không được chính quyền cấp phép và bị nghiêm cấm; một số hộ làm hồ nuôi thủy sản tận thu cát mang đi phục vụ xây dựng nhưng không xin phép cũng đã bị xử lý, nhắc nhở. UBND xã từng chỉ đạo các lực lượng ra quân bắt giữ, xử phạt hành chính những cá nhân vi phạm, tuy nhiên tình trạng này vẫn lén lút “diễn ra vào ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ”; sắp tới UBND xã sẽ tăng cường xử lý nghiêm.
Liên quan đến chủ quyền khu đất bị khai thác trái phép, ông Bảo cho biết cách đây khá lâu, khi ông chưa đảm trách chức vụ như hiện tại thì UBND tỉnh đã cấp khu đất nói trên cho Công ty cổ phần Sông Hương ASC để nuôi tôm cao triều. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc nuôi tôm dang dở, các khu đất nuôi tôm bị bỏ bê, chủ đầu tư cũng không xuất hiện khiến công tác quản lý đất của UBND xã gặp khó khăn. Hiện tỉnh đã thu hồi dự án hay chưa, giao lại cho ai, đơn vị nào thì UBND xã không hay biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.