Ngẩn ngơ khám phá... 'mỏ vàng'

26/03/2016 10:01 GMT+7

Sa Đéc không có biển, không có núi và thác, chưa có khách sạn - resort cao cấp và các khu vui chơi tầm cỡ. Chỉ có mỗi làng hoa. Đẹp thì đẹp mà du khách cứ dửng dưng. Mất bao lâu để biến Sa Đéc trở thành thành phố hoa, có tên trên bản đồ du lịch thế giới...

Sa Đéc không có biển, không có núi và thác, chưa có khách sạn - resort cao cấp và các khu vui chơi tầm cỡ. Chỉ có mỗi làng hoa. Đẹp thì đẹp mà du khách cứ dửng dưng. Mất bao lâu để biến Sa Đéc trở thành thành phố hoa, có tên trên bản đồ du lịch thế giới...

Vườn hoa Sa Đéc khoe sắc nhưng du lịch đìu hiu - Ảnh: Công HânVườn hoa Sa Đéc khoe sắc nhưng du lịch đìu hiu - Ảnh: Công Hân
Quản lý du lịch VN, hoặc tự hào quá đáng về tiềm năng hoặc tự ti không đúng, có tiềm năng thật nhưng không biết hoặc xem thường. Thói quen “gắp đồ ăn cho người khác” không chỉ gây khó chịu trong văn hóa ẩm thực mà lậm vào cả kinh doanh du lịch, rất nguy hại. Cứ làm theo ý mình, nhiều khi vô tình đuổi khách.
Nơi nào cũng mong muốn phát triển du lịch nhưng đều lúng túng, từ việc bắt chước rập khuôn loại hình đến định hướng chiến lược. Sa Đéc không là ngoại lệ.
Tự ti và lúng túng
Có vẻ các “chuyên gia tư vấn“ bây giờ nhan nhản, ai cũng cho rằng ý kiến mình là nhất, đa phần yêu cầu phải hoành tráng, chưa nhất nước thì phải nhất vùng và hơn tỉnh bạn. Lâu nay, tốn khá nhiều tiền, du lịch Sa Đéc vẫn loay hoay tìm hướng đi. Cả thành phố chỉ có mỗi khách sạn 2 sao xuống cấp. Năm 2015, mấy chục ngàn khách Tây ghé tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vài tiếng rồi đi. Làng hoa chỉ rộ vào mùa giáp tết chừng vài tuần, chủ yếu là dân thành phố đi phượt, chụp ảnh quăng lên “phây“. Ngày thường, vào làng hoa, chỉ thấy lá. Trời nắng chang chang, không có dịch vụ gì.
Làng hoa đang tính mở rộng đường, làm homestay kiểu Tiền Giang, Vĩnh Long. Lễ hội hoa cuối năm bạc tỉ, nhộn nhịp mấy chục ngàn khách địa phương, chợt đến chợt đi nửa ngày. Tiền thu được chưa đủ trả lương bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh và khắc phục hoa bị hư hại. Khách Tây đường thủy, khách ta đường bộ, đi ngang Đồng Tháp nườm nượp, mỗi năm đến mấy trăm ngàn nhưng chỉ ngồi trên thuyền trên xe, ngắm Sa Đéc.
Sa Đéc không có biển, không có núi và thác, chưa có khách sạn - resort cao cấp và các khu vui chơi tầm cỡ. Chỉ có mỗi làng hoa. Đẹp thì đẹp mà du khách cứ dửng dưng. Tâm lý chung là tự ti và lúng túng.
Mỏ vàng du lịch
Không phải Sa Đéc tự khen mà là khẳng định của các chuyên gia tư vấn thực tiễn. Làng hoa Tân Quy Đông hiện nay, rộng gần 300 ha, có trên 2.000 loại hoa. Thiên hạ trồng hoa trong nhà kính, hoặc chỉ trồng hoa cắm hay hoa kiểng. Còn Sa Đéc trồng hoa đủ loại, trong điều kiện tự nhiên, kể cả mùa nước nổi. Nét độc đáo này thế giới không đâu có. Làm sao để giữ khách lưu trú qua đêm bằng những homestay thoáng mát, vệ sinh và chuẩn phục vụ cỡ 4 sao giữa rực rỡ sắc màu, tràn ngập hương hoa và rộn ràng âm thanh cuộc sống?
Kinh nghiệm thực tiễn các Community Based Tourism (CBT) homestay ở nhiều tỉnh là mô hình độc đáo, tiết kiệm, hiệu quả; được Unesco VN khen ngợi và khu vực thừa nhận, hoàn toàn có thể thực hiện ở làng hoa.
Với diện tích gần 60 km2, Sa Đéc không chỉ có làng hoa, ở đây còn có 2 di tích quốc gia là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và chùa cổ Kiến An Cung (chùa Ông Quách) cùng nhiều kiến trúc hàng trăm tuổi. Chợ đêm Nguyễn Huệ nhộn nhịp dọc bờ sông với nhiều sản phẩm địa phương. Làng bột bên cạnh rạch Ngã Bát với hàng ngàn lao động, mỗi năm cung cấp gần 40.000 tấn bột cho Nam bộ và cả Campuchia; làm nên những thương hiệu như hủ tíu Sa Đéc, bánh phồng Sa Giang, bột gạo lứt Bích Chi.
Làng gạo, cạnh dòng Sa Giang, luôn tấp nập tàu bè, thương lái, là cửa ngõ xuất khẩu gạo hàng đầu Nam bộ. Trong vòng bán kính chừng 40 km, Sa Đéc là trung tâm nối hàng chục làng nghề như làng gạch, làng thuyền, làng quýt, làng nem… cùng với nhiều tuyến điểm tham quan của Đồng Tháp như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Tam Nông, Gò Tháp, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…
Sa Đéc nằm ở vị trí trung tâm của Mekong Delta, thuộc hệ thống giao thông thủy quốc tế của Hành trình Mekong River Cruise với sự tham gia của nhiều hãng lữ hành đường thủy nổi tiếng. Có thể kể: Amawaterways, Uniworld, Viking, Scenic, APT, Indochina Sails, Mekong Waterways, Heritage Lines, Pandaw…
Năm 2015, Mekong River được CNN và Conde Nast Traveler bình chọn là top 5 điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch đường sông thế giới. Năm 2015, số lượng khách quốc tế đi ngang qua Sa Đéc bằng du lịch đường sông ước khoảng con số 50.000 người, còn rất khiêm tốn.
Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà, Thường Phước; 2 cửa khẩu quốc gia là Thông Bình, Mỹ Cân. Từ cửa khẩu lên Phnom Penh chỉ 105 km. Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống sắp được khánh thành vào 2017. Sa Đéc và Cao Lãnh sẽ là điểm dừng lý tưởng cho khách từ TP.HCM đi Long Xuyên, An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên và cả Campuchia bằng đường bộ lẫn đường thủy.
Về ẩm thực, Đồng Tháp và Sa Đéc có nhiều món ngon và lạ như nem Lai Vung, Sóc tràm quay núi lửa (chuột nướng lu), chả giò hến, chả giò ấu, chả ốc, bì mắm, lẩu mận, lẩu riêu cua đồng, tắc kè xào lăn, canh gà ớt, gạo huyết rồng, cơm gói lá sen, cơm tôm trộn sen, vịt nấu ấu, súp hương đồng nội, cá lóc nướng trui cuốn bẹn sen (lá sen non, thay bánh tráng), cá lóc một nắng trộn sầu đâu, khô cá lóc (hấp rồi mới phơi), bánh ít trần Mekong, bánh lá mít, bánh lá sen…
Đến Sa Đéc phải ăn bằng được buffet ‘‘kính thưa các loại hủ tíu’’, từ hủ tíu Bà Xẩm, tô thường 6.000 đồng, tô đặc biệt 10.000 đồng đến hủ tíu xào Văn Dỹ, hủ tíu nước Phú Thành đều ngon bá cháy. Làng hoa Sa Đéc có ông Tư Tôn (Dương Hữu Tài 1926 - 2005) mê hoa như mê đạo. Làng bột có ông Tư Khánh (Trần Khiêm Khánh, nay gần tuổi 90), người sáng lập thương hiệu Bích Chi, bột gạo lứt lừng danh khắp miền Nam từ năm 1966.
Hàng triệu thanh niên miền Nam ngày nay khỏe mạnh, có phần góp sức không nhỏ của Bích Chi, không chỉ gắn liền với tình phụ tử cao đẹp với đứa con gái cùng tên mà còn mang nặng nghĩa tình với dân tộc.
 
Chuyển mình tăng tốc
Vừa qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban đã quyết định chuyển đổi công năng của Dinh Tỉnh trưởng và nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giung (Phó viện trưởng Viện Đại học Đông Dương trước 1945) làm du lịch. Hàng chục kiến trúc và nhà cổ hàng trăm tuổi còn khá nguyên vẹn cũng sẽ được tận dụng phục vụ du khách.
Du lịch Đồng Tháp, lấy Sa Đéc làm trung tâm và Tân Quy Đông sẽ là thành phố du lịch giữa làng hoa, nối các làng nghề, các tuyến điểm du lịch phụ cận.
Du lịch Sa Đéc lấy người dân và du khách làm chủ thể, đồng bộ nâng cấp dịch vụ đến thái độ phục vụ. Sa Đéc là thành phố hoa, từ ranh giới, các văn phòng, cơ quan nhà nước, các hội đoàn, các công ty đến từng hộ dân. Hoa trong khuôn viên, hàng rào từng ngôi nhà cho đến từng con đường và cả sông rạch. Thành phố hoa, chỉ có xe lôi đạp và xuồng ba lá, với hàng trăm homestay giữa bốn bề hoa độc đáo, chân quê, mà chất lượng là điểm nhấn của du lịch VN.
Festival Hoa Sa Đéc sẽ là ngày hội trải nghiệm của người dân lẫn du khách. Có đấu xảo hoa, thi cắm hoa, thi trang trí vườn hoa (nhà riêng, cơ quan, trụ sở công ty…), chợ nổi ẩm thực, chợ nổi hoa, trò chơi dân gian, thi sáng tác ảnh... Sẽ có diễu hành xe lôi hoa, xe đạp hoa và cả xuồng hoa. Dĩ nhiên không thiếu hội chợ, triển lãm và đờn ca tài tử.
Ngoài các cơ sở lưu trú hiện có và hệ thống homestay sẽ tận dụng nhà dân (có tiêu chuẩn tối thiểu) và camping để phục vụ du khách. Festival Đồng Tháp kéo từ rằm tháng chạp, qua tết, đến rằm tháng giêng. Có thể nói đây là cuộc “cách mạng” về lễ hội. Từ năm 2018, Sa Đéc có thêm Bảo tàng lúa gạo Việt Nam và Bảo tàng Óc Eo tầm vóc châu lục. Khát vọng của Sa Đéc là sẽ trở thành thành phố hoa, sẽ có tên trên bản đồ du lịch thế giới và trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.