Nga có số ca nhiễm Covid-19 tăng báo động: Người Việt ở đây 'không cô đơn'!

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
12/05/2020 13:13 GMT+7

Góp phần giúp đỡ đồng bào, ông bà Boristo và Minh Tâm không rời điện thoại để lắng nghe kịp thời và trấn an tinh thần của những người Việt sinh sống tại Nga trong mùa dịch Covid-19.

Theo chính phủ Nga hôm 11.5, nước này ghi nhận thêm 11.656 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 221.344 ca. Như vậy, Nga là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha và Anh.
Những ngày qua bà Nguyễn Minh Tâm (59 tuổi) và ông Boristo Nguyen (63 tuổi) liên tục nhận điện thoại từ phía những người Việt cần sự giúp đỡ trước tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển biến phức tạp tại Nga.

Túc trực điện thoại giúp người

Tôi gọi điện cho ông bà từ Việt Nam vào 15 giờ 30 phút và ở Nga đang là 11 giờ 30 phút. Bà cho biết mình đang ăn bánh mì và chồng bà vẫn đang bận rộn nghe điện thoại.
Bà Tâm là người quê gốc Hà Nội và từng học tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG HN). Ông Boristo là người quê gốc Nghệ An nhưng sống tại Hà Nội từ bé. Hai người kết hôn ở Việt Nam, sau đó ông Boristo sang Nga làm nghiên cứu sinh, làm bằng tiến sĩ sau đó làm tiếp bằng tiến sĩ khoa học về tin học. Bà Tâm sang Nga thực tập. Hiện ông bà đang sinh sống tại thành phố Moscow nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Trước dịch bệnh, hai ông bà hay giúp đỡ những người quen, bạn bè tại Nga. Bà tâm sự, vợ chồng bà muốn giúp đỡ đồng bào, tư vấn cho bạn bè về việc học hành của con cái, động viên lúc ốm đau.
Ông bà mang theo cờ Việt Nam tại fanfest của Moscow, World cup 2018

Ông bà mang theo cờ Việt Nam dịp World Cup 2018

Ông Boristo cho biết Nga hiện đã nâng cấp dần ngưỡng giãn cách xã hội. Trong khoảng thời gian này, đối với người bình thường muốn ra ngoài nếu đi xe hay các phương tiện giao thông công cộng thì phải có giấy phép đăng kí qua Internet. Trong trường hợp đi bộ không quá 100m thì không cần giấy phép này. Người bị lây nhiễm không được ra khỏi nhà.
Đây cũng là khoảng thời gian đỉnh điểm khi bà Tâm và ông Boristo liên tục nhận điện thoại để giải đáp những thắc mắc, dịch đơn thuốc và trấn an tinh thần, gọi xe cấp cứu… cho những người Việt sinh sống tại Nga.
Trước dịch bệnh, hai ông bà hay giúp đỡ những người quen, bạn bè tại Nga

Trước dịch bệnh, hai ông bà hay giúp đỡ những người quen, bạn bè tại Nga

“Ở Nga không giống với Việt Nam mình. Bệnh viện sẽ phân loại bệnh nhân để ưu tiên chữa trị. Những trường hợp nhẹ hay trong nhóm tuổi còn trẻ sẽ được hướng dẫn để tự cách ly và tự chữa ở nhà. Còn đối với những trường hợp trở nặng thì cô chú sẽ gọi xe cấp cứu giúp, cũng có một số những người tâm lý lo lắng, hoảng loạn thì trấn an để họ bình tĩnh hơn”, cô nói.

“Người Việt ở Nga còn khổ lắm”

Số người bệnh tăng hằng ngày tại Nga, có những ngày ông Boristo và vợ phải gộp cả bữa sáng và bữa trưa làm một. Việc hỗ trợ dịch thuật, trợ giúp gặp nhiều khó khăn khi nhiều người Việt không thạo tiếng Nga và rất thiếu những kiến thức tối thiểu về y tế, chăm sóc sức khỏe hay về xã hội Nga.
Để gọi được xe cứu thương thì cần phải có địa chỉ chính xác. Để khắc phục tình trạng này, bà Tâm dặn dò những người gọi điện cho bà chụp hình trước địa chỉ nhà và khi cần hỗ trợ gọi xe cấp cứu thì gửi ảnh qua Viber để tiết kiệm thời gian.
Ông Boristo tiếp lời vợ: “Người Việt mình ở Nga rất nhiều nhưng còn khổ lắm chủ yếu là lao động nên cũng không hiểu biết nhiều về dịch bệnh nên nhiều người dễ hoảng loạn. Có những người lúc gọi còn hỏi những câu làm tôi không thể quên như nhập viện thì mất bao nhiêu tiền”.
Bà Tâm kể lại một gia đình có ba mẹ và con nhỏ nhưng ba mẹ bệnh tình chuyển nặng nên phải nhập viện điều trị. Nhưng người con thì bệnh nhẹ hơn nên phải gửi cho người khác nuôi. Vốn yêu quý trẻ con, bà Tâm nhận gọi điện hỏi thăm quan tâm cháu hàng ngày.
Gia đình con gái bà ở Việt Nam qua thăm ông bà và chụp hình lưu niệm tại quảng trường Đỏ là hè năm 2019

Gia đình con gái bà ở Việt Nam qua thăm ông bà và chụp hình lưu niệm tại quảng trường Đỏ hè năm 2019

Hai vợ chồng chia những người gọi điện đến theo từng nhóm để dễ dàng nắm tình trạng của từng người. Liên lạc hỏi thăm trước khi đi ngủ để kịp xử lý nếu có trường hợp trở nặng. Bà giải thích thêm khi nói chuyện, dịch lời các bác sĩ với bệnh nhân, các bác sĩ đều nói ổn định tâm lý và tránh stress là rất quan trọng.
Trên trang cá nhân của mình, ông bà cũng thường chia sẻ các thông tin giúp ích cho cộng đồng để vượt qua đại dịch, viết bài để trấn an, để hướng dẫn bà con…
“Không chỉ chúng tôi mà bất kì một hội nhóm nào khi đã giúp đỡ người khác thì đều xuất phát từ tâm và chấp nhận cuộc sống của mình có đôi chút đảo lộn”, ông Boristo bộc bạch.

Người Việt tại Nga không cô đơn

Để giúp đỡ những người Việt gặp khó khăn tại Nga, ban đầu có 2 nhóm tự phát là nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” do 2 anh Đỗ Quý Dương và chị Phạm Vân Anh khởi xướng bắt đầu hoạt động từ 1.4, nhóm có hơn 60 người.
Nhóm thứ 2 là nhóm của chị Trịnh Thu Thanh và anh Hồ Sỹ Bàng, đây là các nhóm do những người có tâm tự đứng ra tổ chức.
Vợ chồng bà Tâm không rời điện thoại để lắng nghe kịp thời và trấn an tinh thần của những người Việt sinh sống tại Nga trong mùa dịch Covid-19

Vợ chồng bà Tâm không rời điện thoại để lắng nghe kịp thời và trấn an tinh thần của những người Việt sinh sống tại Nga trong mùa dịch Covid-19

Hai nhóm này chuyên tư vấn, trấn an tinh thần, gọi hộ cấp cứu, phiên dịch với bác sĩ qua điện thoại, giúp đỡ các vấn đề phát sinh như mất chỗ ở, hết đồ ăn, phát miễn phí khẩu trang,…
Sau đó một số ngày có 2 nhóm do phòng Quản lý lưu học sinh Đại sứ quán Việt Nam tổ chức là nhóm sinh viên y khoa giúp phiên dịch, gọi cấp cứu cho bà con, nhóm sinh viên giúp trẻ em học tập (qua Internet).
Bắt đầu từ đầu tuần, Đại sứ quán vào cuộc thành lập “Mạng lưới chống Covid-19 tại Nga” với 5 nhóm con: Nhóm thông tin; Nhóm hỗ trợ y tế và giáo dục; Nhóm hỗ trợ pháp lý; Nhóm huy động và hỗ trợ hậu cần; Nhóm hỗ trợ phiên dịch.
Các nhóm do Đại sứ quán tuy mới bắt đầu nhưng đã có những hoạt động hữu hiệu như tổ chức rất thành công hội nghị trực tuyến chống dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.