Nâng đường lên cao chống ngập ở TP.HCM, dân lân cận 'bất ngờ' phải chịu trận

Phạm Hữu
Phạm Hữu
26/05/2018 13:33 GMT+7

Từ ngày đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) được nâng cao, nhiều người dân sống ở các con đường nhánh, hẻm luôn phải 'gồng mình' chống chọi với nước ngập mỗi khi mưa xuống.

Theo một số người dân, các con đường nhánh thường xuyên bị ngập sau khi nâng cấp đường Kinh Dương Vương gồm: đường Lâm Hoành, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Thức Đường, Đỗ Năng Tế…
Mưa lớn mưa nhỏ cũng ngập

Ghi nhận tại đường Đỗ Năng Tế (P.An Lạc A) vào đêm mưa kinh hoàng 19.5 nước ngập lên đến đầu gối, kéo dài nhiều giờ. Nhiều xe máy chạy đến đoạn đường này đều bị chết máy, người dân phải dẫn bộ. Còn những hộ dân ở hai bên đường phải đắp bao cát, phủ bạt tránh nước tràn vào nhà.
Bà Huỳnh Thị Sen (ngụ số 8, đường Đỗ Năng Tế, P.An Lạc A) cho biết từ khi đường Kinh Dương Vương được nâng cao, đường trước nhà bà lại thấp nên thường xuyên bị ngập sâu. Theo bà, nguyên nhân là do mỗi khi mưa lớn nước từ đường Kinh Dương Vương chảy tràn vào đường Đỗ Năng Tế nhưng cống không thoát nước được.
Bà Sen cũng cho biết, những năm trước nước ngập, ô tô chạy ngang tạo nhiều cuộn sóng mạnh đập vào nhà khiến ti vi bị chạm, tủ lạnh bị chập điện hư hỏng. Vì vậy bà đã nâng nền nhà lên cao. Nhưng rồi năm sau nước lại ngập cao hơn năm cũ khiến bà chịu trận vì ngập nước.
Theo bà Sen, tính từ đầu năm 2018 đến nay cứ mỗi trận mưa lớn nhỏ gì khu vực này cũng xảy ra ngập, trong đó trận  mưa tối 19.5 là ngập nặng nhất, kéo dài từ 18 giờ đến tận 1 giờ sáng hôm sau.
Người dân ở đường Nguyễn Thức Đường phải tự mở nắp cống cho nước thoát nhanh mỗi khi mưa lớn Phạm Hữu
“Bây giờ tôi chuẩn bị bao cát để trước cửa rồi. Hễ mưa xuống là tôi cho đắp trước cửa nhà lại. Vậy mà mưa vừa rồi có đắp bao cũng không ăn thua, nước cứ tràn vô nhà ngập lên hơn mắt cá chân”, bà Sen cho biết.
Cách nhà bà Sen không xa là hộ ông Phạm Văn, nhà ông Bá được nâng cao so với mặt đường Đỗ Năng Tế gần 1m. Tuy vậy, mỗi khi mưa lớn nhà ông cũng không tránh khỏi tình trạng nước tràn vào nhà. Ông phải lấy bạt, đắp gạch ngăn dòng nước.

Đêm mưa lớn ngày 19.5 vừa qua, nước ngập đến gần 3 giờ sáng, ông Bá không dám ngủ mà phải túc trực canh vì sợ nước tràn vào nhà. Ngoài ra, tình hình ngập kéo dài làm cho việc kinh doanh nhà trọ của ông trở nên khó khăn hơn.
“Ở đây nước ngập ít nhất 4 tiếng trở lên, những năm trước chưa làm đường Kinh Dương Vương thì không sao, từ ngày làm đường thì ngập như vậy. Có nhà kế bên nhà tôi nước ngập rồi xe chạy xô ngã luôn cánh cửa nữa kìa”, ông Bá than thở.
Vứt bỏ gần hết đồ đạc vì nước ngập
Ở đường Lâm Hoành (P.An Lạc, Q.Bình Tân) người dân cho biết, khoảng 2 năm gần đây, tình hình nước ngập diễn ra rất kinh hoàng. Nước ngập kéo dài có khi vài ngày, tràn vào nhà, nhiều người không dám bước ra đường vì sợ ngập sâu.
Bà Phan Nữ Xuân Hoàng (số 53, đường Lâm Hoành) cho biết nơi đây chỉ cần một cơn mưa là đường đã ngập lênh láng. Từ đầu năm đến nay có 3 cơn mưa đầu mùa thì có lần ngập kéo dài khoảng 3 ngày nước mới rút.
Nước ngập trong thời gian dài tại đường Lâm Hoành sau cơn mưa đêm 19.5 vừa qua Người dân cung cấp
Theo giải thích của bà Hoàng, con đường Lâm Hoành bị ngập sâu nguyên nhân do đường Kinh Dương Vương và các con hẻm gần bên được nâng cao. Vì thế đường Lâm Hoành trở thành chỗ trũng nên trời mưa nước mặc sức chảy vào, ứ đọng không thoát được.

Điển hình như cơn mưa lớn vào tối 19.5 làm nước ngập sâu hơn đầu gối, nhưng đến sáng ngày 21.5 nước mới bắt đầu rút hết.
“Mưa xuống nước ngập đã đành, còn đây nước cống hôi thối cộng với một công ty xả thải dầu mỡ rồi theo nước tràn vào nhà người dân bám lại gây hôi vô cùng. Còn khu nhà trọ của ông Nhân rất tội nghiệp. Nước ngập không ai ăn ở gì được, ai cũng đòi bỏ đi chỗ khác. Mỗi lần ngập vậy nệm chiếu của công nhân đều mang đi bỏ hết, thấy xót lắm”, bà Hoàng cho biết thêm.
Để chứng minh cho nỗi khổ của dân khu này, bà Hoàng chỉ về căn nhà bên cạnh của chị Huỳnh Thị Phương (số 55, Lâm Hoành) giờ như trống không. Nhà chị Phương bị nước ngập từ nhiều năm nay nên đồ đạc cũng lần lượt bị hư hỏng theo, giường, tủ, bàn ghế gỗ ở nhà chị phải bỏ đi hết vì không thể sử dụng được. Chị Phương phải mua sắt cây về lắp ghép tạm để ngủ.
Nhà chị Huỳnh Thị Phương phải xây thành cao gần 1m để chống nước tràn vào nhà Phạm Hữu
Chị Phương nói thêm: “Năm trước tôi xây thành trước nhà để ngăn nước tràn vô, càng ngày nước càng ngập cao hơn nên đầu năm tôi phải xây thêm lên vài tấc nữa. Giờ nhà tôi lạ lắm, chạy xe vô nhà như chạy qua dốc vậy đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.