Nằm thở ở Nha Trang

15/12/2019 09:32 GMT+7

“Biển mệt nhoài nằm thở ở Nha Trang” (Hữu Thỉnh). Tôi ám ảnh câu thơ ấy gần 10 năm qua kể từ khi số phận đã đưa tôi đến sống ở cái thành phố biển này.

“Không còn trẻ nữa để anh phải xa nhà” - vợ đưa ra lời khuyên nặng tính cảnh báo như thế khi nghe tôi được điều đi Nha Trang. Tôi đắn đo khá lâu trước khi đưa ra quyết định đi hay là không. Xa nhà ở cái tuổi không còn trẻ nữa, quả là một thử thách.
Khi không còn sự lựa chọn nào khác lúc đã qua tuổi năm mươi, bạn đành chấp nhận sự an bài thôi. Nghĩa là, bạn phải tập thích nghi với những điều mình không ưa, bạn phải tập làm quen với những gì trước đây mình xa lạ, đôi khi bạn phải cố tươi cười trước đám đông đặng không làm hỏng cuộc vui chung... để rồi cuối cùng, đến một lúc nào đó, bạn có thể tự thưởng cho mình một câu hát vu vơ thuở thất tình thời đi học “lâu rồi đời mình cũng qua”.

Khách trọ dài hạn

Hay tin tôi về Nha Trang, mấy người bạn ở Sài Gòn mừng ra mặt: “Sướng muốn chết ông hể?”. Tôi chỉ dám nước đôi: “Cũng chẳng biết thế nào nữa”. Ở một thành phố ồn ào suốt ngày, nhìn đâu cũng thấy kẹt xe và khói bụi như Sài Gòn, khi nghĩ về Nha Trang “lộng lẫy nắng vàng” như lời một bài hát í ới hằng đêm trên loa truyền thanh thì “sướng muốn chết” là đúng rồi.
Nhưng tôi từ Quảng Ngãi, một thành phố mà quê chẳng ra quê, tỉnh cũng không thành tỉnh, đến Nha Trang, tôi phải mang một tâm trạng khác với mấy người bạn ở Sài Gòn. Tôi đã chào Nha Trang bằng tâm thế của một người ở quê lên tỉnh làm khách trọ dài hạn. Còn Nha Trang thì chào tôi bằng ánh mắt cảm thông và độ lượng trước một gã nông dân quê mùa (nhưng chắc là thật thà chất phác!).
“Nha Trang có đẹp không?”. Tôi thường phải đọc những tin nhắn kiểu như vậy từ những người thân lúc tôi mới đến Nha Trang. Biết trả lời sao đây để khỏi mất lòng quê mới nhưng lại không làm thất vọng những người thân yêu ở quê nhà?
Tôi lại phải nước đôi: “Cũng tùy hôm thôi, nhưng nhìn chung thì... được”. Tôi làm sao nói khác khi hầu hết mọi người đều mặc nhiên coi Nha Trang như một “thiên đường du lịch”? Ngay như Chế Lan Viên cũng phải hạ bút ngợi ca: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp”, dù lúc bấy giờ (1943), ông đến đây chỉ để nhờ cậy bạn ông - nhà thơ Quách Tấn, gỡ rối chuyện riêng tư cho mình.
Còn nhà thơ Trần Mai Ninh thì hồ hởi reo vui: “Ơi hỡi Nha Trang/cái đô thành vĩ đại”, trong khi một nhà thơ trẻ hơn -Trần Vũ Mai - thì “Ôi Nha Trang người bỗng hóa ngục tù”. Nghĩa là, tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng để bật lên tự đáy lòng mình những ngân rung, có lúc như hoan ca nhưng cũng có khi buồn thê thiết vậy.
Tôi đã trải qua hết thảy những cung bậc ấy khi làm khách trọ ngót 10 năm. Như đã nói, muốn làm một khách trọ dài hạn, bạn buộc phải tập làm quen để tồn tại, không còn con đường nào khác.

Tập làm quen

Cơ quan tôi nằm trên trục lộ dẫn từ chợ Đầm về ga tàu lửa. Con đường này xe chạy ầm ào suốt đêm. Lúc mới đến Nha Trang, tôi đã mất ngủ vì những tiếng còi xe hoặc tiếng nẹt pô giữa khuya trên đường phố này. Nhưng khi đã “làm quen” với tiếng ồn ấy rồi, thi thoảng về thăm nhà, tôi lại khó ngủ khi không còn nghe thứ âm thanh náo nhiệt ấy nữa. Lạ chưa?
Nha Trang từng lắng đọng trong tôi tiếng lóc cóc của vó ngựa gõ móng vào đêm, đều đặn lúc 2 giờ sáng. Người xà ích thi thoảng lại “hụi” lên một tiếng để chú ngựa lồng lên gõ móng nhanh hơn cho kịp chuyến hàng phiên chợ sớm.
Nha Trang cũng đã gieo vào lòng tôi những tiếng rao đêm, có lẽ là của một bà mẹ quê ở ngoại ô bán đồ ăn vặt. Tiếng rao như cố len lỏi vào từng ngõ ngách của phố khuya tịnh vắng... Tôi đã kịp làm quen với những âm thanh ấy để rồi bây giờ, chúng như mất hút vào hư không.
Con ngựa và người xà ích trong những khuya nào có lẽ đã già; bà mẹ quê cùng tiếng rao đêm chắc là cũng không còn trẻ nữa để rong ruổi trên các con phố vắng. Nhưng trên tất cả các lý do giả định kia, là có một Nha Trang đã khác xưa nhiều. Sự “khác xưa” ấy mới là nguyên cớ xóa đi một phần ký ức của người Nha Trang xa xứ mỗi khi nhớ về quê nhà.
Cách đây 3 năm, có anh phóng viên đưa một bản tin lên báo: “Nha Trang kẹt xe” khiến có bạn biên tập viên ở tòa soạn phải nghi ngờ hỏi lại: “Thật vậy sao?”. Một đồng nghiệp chụp tấm hình về đường Trần Phú nhìn từ biển vào với lời nhắn cho người bạn ở bên Úc: “Hồng Kông đấy”. Bạn bên Úc bán tín bán nghi.
Từ một thành phố gần như chỉ có sóng biển là ồn ào, bây giờ Nha Trang có thêm những tiếng ồn từ du khách. Mỗi ngày có gần 30 chuyến bay chở khách du lịch từ “người hàng xóm” phương bắc đáp xuống sân bay Cam Ranh. Tôi bây giờ phải tập làm quen với những con số ấy, tiếng ồn ấy. Cũng như tôi đã từng tập quen với các quán cơm bình dân mỗi sáng mỗi chiều từ nhiều năm trước.
Đang có một Nha Trang ồn ào làm khuất lấp bao nhiêu trong lành từng lưu dấu nhiều thế hệ người Nha Trang. Còn tôi, tôi cũng đang “mệt nhoài nằm thở” - dấu hiệu của một người mà tuổi về hưu đang phả vào gáy. Tôi cũng phải tập làm quen với điều đó vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.