Năm mới, giữ tiền phòng thân thế nào: Khốn đốn vì có nhiêu xài hết bấy nhiêu

30/12/2018 10:32 GMT+7

Tôi luôn nghĩ, cuộc sống này có bao lâu mà phải dự phòng tiền này tiền nọ. Nên làm được bao nhiêu, tôi tiêu xài cho gia đình và cá nhân hết. Đến khi khó khăn, tôi khốn đốn chạy vạy khắp nơi để vay tiền.

Bài học về chuyện phải tiết kiệm, chừa tiền phòng khi ốm đau, có biến trong gia đình khiến tôi cảm thấy cay đắng nhất.
Trước giờ tôi luôn nghĩ, có sức thì làm ra tiền và của cải và khi làm ra thì phải tận hưởng, dùng để mua sắm hoặc nâng đời sống tinh thần lên nên có bao nhiêu lương, tôi đều tính toán cho chuyện ăn uống, mua đồ áo cho gia đình, đi du lịch để xả stress...
Tôi làm việc văn phòng, chồng là thợ sửa xe trong một hãng lớn nhưng chủ yếu là theo ca và hưởng lương như một nhân viên hành chính. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 13 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi có một con gái, đã được 5 tuổi. Mỗi tháng trừ tiền nhà trọ hết 2,5 triệu đồng, tiền học cho con hết 2,5 triệu đồng thì vẫn còn 8 triệu để đi chợ, tiêu xài, đám tiệc.
Tôi không chú trọng chuyện ăn sang, xài đồ mắc tiền, mua sắm hàng hiệu vì biết thu nhập ở mức của gia đình mình là không cao. Tuy nhiên, tôi cũng không ủng hộ chuyện hà tiện trong chuyện ăn uống và mua sắm để làm giàu vì tôi thấy cuộc sống này có bao lâu đâu, làm ra đồng nào thì tiêu xài chứ để tiền đó không chịu ăn, mặc rồi ốm đau cũng vậy thôi.
Đặc biệt, trong quan niệm của hai vợ chồng, chuyện để dành tiền dự phòng rủi ro là không bao giờ có. Tôi nghĩ, chuyện đó chỉ nên có ở các công ty, các tổ chức mà luật bắt buộc trích quỹ dự phòng. Còn ở gia đình nhỏ như nhà tôi thì không cần thiết.
Chính vì vậy mà tôi đã phải trả giá. Tháng 6.2018, mẹ tôi ở quê bị nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu. Gia cảnh ở quê cũng không khá giả, chỉ đủ ăn. Mẹ nằm viện gần nửa tháng để điều trị kèm theo việc phải uống thuốc dài hạn đã khiến gia đình vắt cạn tiền. Lúc tôi có lương, tôi cũng bàn với chồng trích 3 triệu đồng gửi về phụ ông bà. Từ thời điểm này, vòng xoáy thiếu tiền bắt đầu cuốn gia đình tôi.
Tôi nghĩ, gửi tiền cho mẹ rồi còn bao nhiêu tôi sẽ nhín lại để đủ chi tiêu trong tháng để chờ lương. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu con tôi không bị viêm phổi và nằm viện gần 20 ngày. Lúc này, tiền không có, hai vợ chồng lại phải xin nghỉ việc để chăm con nên khoản lương tháng tiếp theo bị hụt. Tôi đi cầm bông tai vàng và cặp nhẫn cưới nhưng không đủ xoay sở nên chạy vạy vay mượn bạn bè thêm.
Đó là khoảng thời gian tôi thấm thía nhất về chuyện phải chừa ra ít tiền để phòng khi hoạn nạn. Sau vụ đó, tôi phải làm thêm cật lực để bù đắp các khoản thâm hụt. Và bây giờ, mỗi tháng tôi dành ra 500.000 đồng để bỏ ống heo. Số tiền không lớn nhưng tôi nghĩ tích lũy qua thời gian, khi gia đình xảy ra chuyện gì thì vẫn có nguồn để xoay sở, có vẫn hơn không và nếu có ít vẫn có thể gỡ khó được ít nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.