Mồng 3 Tết: Tứ hành xung với Dậu, có nên cúng gà luộc?

27/01/2020 10:02 GMT+7

Trong mâm cơm cúng truyền thống đêm 30 Tết của người Việt thường không thể thiếu dĩa xôi gấc và con gà trống luộc. Năm Canh Tý là năm tứ hành xung với Dậu thì có được cúng gà trên mâm cỗ đêm 30 Tết?

Nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt trải gần 5.000 năm lịch sử được truyền từ đời này qua đời khác nhưng vẫn lưu giữ được nhiều tín ngưỡng, văn hóa dân gian bởi đó là cách gìn giữ tốt nhất đối với một dân tộc luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Trong cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa Tây phương đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới việc hiểu đúng về văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tín ngưỡng và phong tục truyền thống của dân tộc. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn cho rằng nó không phải của người Việt mà xuất phát từ Trung Hoa và điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu lịch sử cổ đại.
Trước tiên, cần khẳng định rằng Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên, Tết Trung thu,... và những lễ hội truyền thống đều xuất phát từ nền Văn Minh Lạc Việt. Ngay Khổng Tử cũng từng viết trong sách Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.

Mâm cúng truyền thống của gia đình Việt luôn có xôi gấc, con gà trống luộc

Vũ Phượng

Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".
Chúng ta cũng thấy rằng, người Hán xưa kia sống ở bắc sông Dương Tử là dân tộc giống như người Mông Cổ với vùng địa lý và khí hậu đó thì không thể có lúa nước cũng chăn nuôi gia cầm. Vậy nên, họ cũng không thể có được các sản phẩm từ lúa nước như bánh chưng, bánh dày và gia cầm như gà, vịt.
Mọi nghi lễ và phong tục truyền thống của ông cha ta để lại luôn mang một ý nghĩa và tính triết lý vô cùng sâu sắc, gắn liền với học thuyết Âm Dương Ngũ hành. Từ hàng ngàn năm qua các nền văn hóa từ Tây sang Đông thì con gà trống là vật nuôi gắn liền với cuộc sống con người nhưng cũng là hình tượng hay lễ vật cúng tế trong văn hóa tâm linh, tôn giáo.

Vì sao lại có gà trong mâm cúng?

Đối với người Việt thì trong mâm cơm cúng truyền thống của đêm 30 Tết không bao giờ thiếu đĩa xôi gấc và một con gà trống thiến. Phong tục này được gìn giữ qua hàng ngàn năm và được lưu truyền tới ngày nay. Nhưng vì sao phải là gà trống thiến và xôi gấc? Và năm Canh Tý là năm tứ hành xung với Dậu thì có được cúng gà trên mâm cỗ đêm 30 Tết?

Tết mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống của người Việt

Ảnh minh họa: TN

Xưa kia gà là biểu tượng cho sức mạnh bởi gà gáy để gọi mặt trời lên, bắt đầu cho một ngày mới và cũng là sự sống mới bởi có mặt trời thì mới có sự sống. Đêm giao thừa tức là giờ Tý của năm mới, gà trống sẽ gọi mặt trời cho một ngày mới để xua tan bóng đêm tối của năm cũ, đó cũng chính là tống cựu nghinh tân.
Chính vì lẽ đó nên mâm xôi gấc màu đỏ và luôn là mâm tròn được đặt ở phía dưới con gà trước khi dâng lên ban thờ. Mâm xôi gấc màu đỏ tượng trưng cho mặt trời sinh ra vạn vật nuôi sống chúng ta, và gà là đặc trưng của sản phẩm nông nghiệp không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Trong Lý học thì hình tròn là biểu tượng của Thái cực, thuộc Dương và hình tượng gà trong lý học là dậu – thuộc Âm. Điều đặc biệt là trong lý học thì gia cầm chỉ có gà – dậu có tên biểu tượng trong hệ thống Địa chi (12 con giáp) nhưng nghi lễ mang tính biểu tượng sẽ luôn là con gà chứ không thể là gia cầm khác, cũng như trong ý nghĩa gọi mặt trời lên thì không thể là gia súc như trâu hay lợn – là những con vật cũng có tên trong hệ thống Địa chi.
Trong tranh dân gian chơi Tết thì gà trống được sử dụng rất nhiều bởi gà trống còn là biểu tượng của đại cát, may mắn, hạnh phúc nên việc sử dụng gà trống cũng để thể hiện sự cầu mong một năm sung túc đủ đầy.
Còn vì sao cúng phải là gà trống thiến và miệng ngậm bông hoa hồng đỏ? Lý do đây là nghi lễ cúng tế và vật cúng tế phải là vật thuần khiết. Vậy nên gà trống thiến là thuần khiết và hoa đỏ ngậm vào miệng gà cũng thể hiện sự tôn kính trang nghiêm.
Việc sử dụng hình tượng gà trống trên mâm cỗ đêm giao thừa mang một triết lý vô cùng ý nghĩa và việc cúng gà trên mâm cỗ không chỉ vì năm nào là năm Dậu hay năm tam hợp với năm Dậu (năm Tị , Sửu). Cho nên, việc cúng gà trên mâm cỗ tết Canh Tý là điều bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.