Mưu sinh ngày tết - Bài 1: Xóm bắp ăn tết cùng tin đồn bắp luộc pin

26/01/2014 11:50 GMT+7

(TNO) Lặn lội đến từ miền Bắc, miền Trung, những người lao động chân chất miệt mài mưu sinh giữa Sài Gòn. Họ ở thành từng xóm ứng với nghề nghiệp để hỗ trợ nhau. Dù khó khăn, tất bật trong những ngày cận tết nhưng những xóm này vẫn luôn lạc quan vào ngày mai.

Cách đây chưa lâu, tin đồn bắp luộc bằng hóa chất đã làm người bán bắp dạo một phen điêu đứng. Hồ nghi, nhiều người tránh xa bắp luộc, người bán cũng vì bán ế đã phải bỏ bắp… chạy lấy người. Ở "xóm bắp" (hẻm 429 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM), tết này chỉ còn hơn 20 hộ trụ lại mưu sinh với nghề.


Chặt bắp để luộc

Nỗi niềm người bán bắp mưu sinh

10 giờ sáng một ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi đến xóm bắp sau khi đi qua những con hẻm ngoằn ngoèo. Khi tôi vào đến xóm thì vừa lúc những cư dân ở đây đang luộc bắp. Từng nồi bắp lớn được bắc trên bếp lửa cháy ngùn ngụt. Người thì đang chặt râu, cuống bắp rồi nhanh tay hốt cho vào nồi thực hiện công đoạn luộc. Chẳng bao lâu, các nồi bắp sôi sùng sục.

 
Giờ buôn bán khó khăn, thêm tin đồn thất thiệt nữa làm chúng tôi điêu đứng. Có những lúc cũng nản quá muốn tìm việc khác làm
Ông Trường, một người bán bắp

Lúc này, những người đi bán ca sáng sớm đã trở về. Thấy trên xe của một người đàn ông vừa đi bán về còn trơ lại cái giỏ và bịch ni lông, một thanh niên trong xóm nói vui: “Tết nhất, nay bán hết sớm vậy chú, chừ có mỗi cái giỏ mang về thôi ạ”.

Thấy tôi là người lạ, cư dân xóm bắp tỏ ra cảnh giác. Mãi sau khi xáp đến nói chuyện mới biết xóm bắp điêu đứng từng ngày sau vụ tin đồn bắp luộc bằng pin.

Người đàn ông vừa đi bán về cho biết ông tên Trường (quê ở Mỹ Đức, Hà Nội). Rồi ông chỉ tay vào dãy nhà trọ: “Trước kia đông lắm, người bán tấp nập và vui lắm. Sau vụ tin đồn luộc bắp bằng pin làm nhiều người hoang mang họ không ăn bắp nữa. Thế là nhiều người đi bán ế ngày này qua tháng khác, nản quá, bỏ về quê nhiều rồi”.

“Đồng ý là có sai thì phải phản ánh, nhưng không thể đánh đồng để ảnh hưởng đến tất cả những người bán bắp. Xóm chúng tôi lúc nào luộc lửa cũng đỏ rực chứ có dùng pin gì đâu”, ông Trường phân trần.

Trước đây, mỗi buổi đi chợ ông Trường bán được khoảng 150 trái bắp nhưng sau tin đồn chỉ bán được 80 trái là cao.

Dãy trọ của xóm bắp trước kia gần 40 phòng nhưng giờ chỉ còn khoảng 20 phòng vì một số người bán bắp ế nên đã chuyển nghề khác hoặc về quê tìm kế khác sinh nhai.


Bắp được nấu bằng củi hoặc than tổ ong

“Giờ buôn bán khó khăn, thêm tin đồn thất thiệt nữa làm chúng tôi điêu đứng. Mỗi tháng lại phải đưa chủ 100.000 đồng “phí” nồi luộc, có những lúc cũng nản quá muốn tìm việc khác làm”, ông Trường nói.

Ở xóm bắp này, nhiều người phải chuyển đổi hình thức buôn bán. Đang nhặt những cọng hành để rửa phơi, chị Hoa nói: “Bây giờ chuyển qua bán bắp xào, bắp nướng chứ bắp luộc người ta ít ăn rồi”.

 
Ngày nào mệt nghỉ ở nhà không đi bán là thấy nóng ruột. Hi vọng tết nhất, người ta đi chơi có thêm người mua
Chị Hoa, một người bán bắp

Vừa kêu con rửa những quả trứng vịt lộn xếp lên giỏ để tối bố đi bán, ông Đích vừa nhanh tay rửa đống chén và rau răm bảo, thời gian qua bán bắp luộc ế nên lấy thêm trứng bán kèm. “Có khi tôi chuyển hẳn qua bán trứng vịt lộn chứ bắp một đêm bán được khoảng chục quả thì ít quá”, ông Đích nói.

Không chỉ ông Đích, nhiều hộ trong xóm bắp cũng bán kèm khoai luộc, tối thì bán bắp xào… Nhiều người còn chịu khó đi xa hơn để bán được hàng.

Tết và giấc mơ con thành tài

Vừa chặt đầu, đuôi bắp bỏ vào nồi châm lửa luộc bán buổi chiều xong, ông Trường đi vào phòng trọ để chuẩn bị cơm trưa. Căn phòng chỉ khoảng 15 m2 với các vật dụng cũ kỹ là nơi trú ngụ của vợ chồng ông, những người đã 13 năm xa quê mưu sinh.

Vừa gọt bầu nấu canh, ông Trường kể: Làm nông ở nhà nuôi con cái học rất khó khăn, thậm chí làm cả năm chẳng dư được đồng nào. Chịu khó đi xa nhưng được cái bán bắp thì chủ động thời gian, lại có tiền gửi về cho con, có đồng ra đồng vào tích góp dần.

Ông Trường tâm sự, bố mẹ không có điều kiện học hành nên giờ phải cố gắng để con được học hành đến nơi đến chốn. Vì lý do đó mà vợ chồng ông đã bàn nhau vào Sài Gòn kiếm việc làm. Hơn 13 năm qua, vợ chồng ông đã nuôi được hai đứa con vào học đại học, hiện vợ chồng ông còn người con út học lớp 10 ở nhà trông nhà.

Ở xóm bắp này bà con, anh em đưa nhau vào bán nhiều lắm. Gần phòng ông Trường là phòng vợ chồng em gái ông cũng từ quê vào bán bắp theo sự “mách nước” của ông.

Đối diện phòng ông Trường là phòng của vợ chồng chị Hoa (23 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) và anh Huy (31 tuổi). Chị bảo: “Ở nhà mà trông vào 2 sào ruộng có mà chết đói. Mình còn trẻ, khỏe phải chịu khó đi xa chút thì mới có đồng ra đồng vào”.


Cho bắp đã luộc xong lên xe để đi bán

Chiều chiều, chị Hoa lại đẩy xe bắp ra bán trước Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đến 22 giờ chị lại đẩy xe ra công viên 23 Tháng 9 bán tiếp và đến 2 giờ sáng chị mới về tới nhà. Anh Huy bán bắp nướng ở đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) từ chiều đến đêm. Chị Hoa cho biết vợ chồng chị đã có 2 con nhỏ ở với ông bà nên mỗi tháng, anh chị lại về nhà 2 triệu đồng để ông bà có tiền chăm cháu.

“Ngày nào mệt nghỉ ở nhà không đi bán là thấy nóng ruột. Tết này làm không được bao nhiêu nên 2 vợ chồng tôi phải ở lại. Chỉ tích góp được ít tiền gửi về cho con ở nhà thôi. Hi vọng tết nhất, người ta đi chơi có thêm người mua”, chị Hoa nói.

Chị Hoa cho biết thêm, những người đi bán cả ngày thì từ đêm đã luộc bắp. Đang cắt hành thành thớ nhỏ, chị Hồng (chị ruột chị Hoa) giục anh Huấn, chồng chị, chuẩn bị bữa cơm nhanh để ăn, rồi nghỉ ngơi chiều đi bán.

“Tết người ta đi chơi nhiều nên ở các khu đông người mình bán được nhiều hơn ngày thường. Mấy mùa tết trước, vợ chồng tôi cứ bán các buổi chiều, đặc biệt chiều 30 bán rất được hàng”, chị Hoa kể.

Tết Giáp Ngọ đang về và trên khắp nẻo đường, những xe bắp cũng đang lan tỏa.

Bài, ảnh: Hà Minh

>> Nông dân điêu đứng vì thông tin bắp luộc pin
>> Không có chuyện "bắp luộc bằng hóa chất
>> Bắp luộc tháng giêng
>> Tê tái mưu sinh trong đêm rét buốt
>> Mưu sinh bằng nghề soi nhái
>> Cơ cực mưu sinh với nghề "đổ máu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.