Mưu sinh bên cửa biển Đồ Sơn

17/05/2021 06:59 GMT+7

Nằm bên cạnh sân golf Đồ Sơn (P.Ngọc Xuyên, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) là một khu bãi triều và rừng ngập mặn ven biển.

Khu vực này rộng khoảng 10 ha, là nơi hàng trăm người dân, đa số là phụ nữ, từ các xã, phường của Q.Đồ Sơn, Q.Dương Kinh, H.Kiến Thụy, thậm chí cả ở các quận, huyện xa của TP.Hải Phòng như Hải An, Vĩnh Bảo, đến bắt cáy, cào don, gõ hà… kiếm sống.
Mùa hè là khi khu vực này nhộn nhịp nhất. Buổi sáng, nhất là vào những ngày nước xuống, có thể gặp từng tốp 3 -5 người mang theo giỏ, xô nhựa đến “tác nghiệp”. Họ bỏ lại xe máy cũ nát hoặc xe đạp cà tàng trên đê và xuống bãi làm việc, sau khi mặc vào người áo quần kín mít để chống muỗi, rắn rết, chân đi ủng hoặc nhiều lớp bít tất để có thể đạp lên vỏ hà hoặc mảnh sắt, thủy tinh mà không việc gì.
Dù trong môi trường đã cạn kiệt, nhưng ở khu bãi này vẫn còn sót lại một số loài có thể bắt làm thức ăn. Nhiều nhất là cáy, gồm 3 loại chính là con cáy lớn có thân màu đen, càng màu đỏ, giá bán buôn 100.000 đồng/kg; thứ nhì là cáy nấm, giá khoảng 80.000 đồng/kg và cáy gió với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong đó cáy gió phải soi đèn bắt vào ban đêm. Riêng con hà thì giá bán lên tới 150.000 đồng/kg, rẻ nhất là con don, giá 25.000 đồng/kg.
Những hình ảnh đăng kèm với bài viết này chụp 4 phụ nữ sống cùng một xóm ở Q.Dương Kinh, cùng đi bắt cáy nấm. Đây cũng là công việc hàng ngày của họ.

Mỗi người một chiếc giỏ hoặc xô, kèm theo một cái gậy để chọc và bắt cáy nấm sống trên bãi lầy

Ảnh Kỳ Văn


Thay quần áo bảo hộ và tắm qua trước khi về nhà

Ảnh Kỳ Văn

Bà Trương Thị Hà (đi sau) rời bãi triều với bao cáy hơn 4 kg, sẽ bán được khoảng 300.000 đồng. Con trai bà cũng làm nghề bắt cáy

Ảnh Kỳ Văn

Bà Đào Thị Khơi, 61 tuổi, đã có hàng chục năm bắt cáy chuyên nghiệp

Ảnh Kỳ Văn

Các bà giấu nước ở chân đê để uống trước lúc đạp xe về nhà, khi trời đã trưa

Ảnh Kỳ Văn

67 tuổi, bà lão này được con gái đón về bằng xe máy

Ảnh Kỳ Văn

Ông Nguyễn Văn Chất (57 tuổi, ở xã Trấn Dương, H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đi xe máy hơn 40 km ra Đồ Sơn để săn cáy đen càng đỏ, là loài cáy lớn sống trong hang dưới tán rừng. Cáy này giống con ba khía trong Nam, làm mắm hoặc nấu canh ăn rất ngon, giá bán buôn 100.000 đồng/kg. Với kỹ thuật hơn người, trong buổi sáng ngày 15.5, ông đã bắt được đầy một giỏ lớn, khoảng hơn 4 kg cáy đen. “Quê tôi có biển nhưng bãi triều đã quây thành đầm thủy sản hết rồi, nên mỗi ngày có khoảng 20 người ra đây bắt cáy”, ông Chất nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.