Mùi của cái chết

11/05/2015 08:24 GMT+7

Thi thể thường bốc một dạng mùi ngọt tanh hết sức đặc trưng mà bất cứ người nào cũng có thể ngay lập tức nhận ra.

Thi thể thường bốc một dạng mùi ngọt tanh hết sức đặc trưng mà bất cứ người nào cũng có thể ngay lập tức nhận ra.

Cái chết của một cá nhân là sự bắt đầu của nhiều loài vi sinh vật
Cái chết của một cá nhân là sự bắt đầu của nhiều loài vi sinh vật - Ảnh: Shutterstock
Theo kết quả phân tích của giới chuyên gia, mùi của cái chết có thể chứa hơn 400 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi cùng hòa trộn lẫn nhau. Những hợp chất đó được sản sinh từ các hoạt động của vi khuẩn, đóng vai trò phá hủy các mô tế bào thành những dạng khí và hợp chất muối. Thành phần cấu tạo chính xác của hỗn hợp khí thay đổi cùng với quá trình phân hủy. Sự khác biệt này cũng tùy thuộc vào cấu trúc của cộng đồng vi khuẩn trú ngụ bên trong và xung quanh xác chết, hoạt động tương tác giữa những vi khuẩn này, khí hậu tại nơi đó, đồng thời phụ thuộc vào cấu trúc di truyền cũng như chế độ ăn của người đã chết. Nói tóm lại, các hợp chất khí bốc ra khỏi xác chết có thể khác nhau, và nếu phân tích thành phần cụ thể của mùi phát ra từ thi thể, các nhà điều tra pháp y trong tương lai gần có thể ước tính thời gian tử vong chính xác hơn, theo trang Mosaic Science.
Các nhà hóa học thường phân tích mùi của cái chết nhờ vào kỹ thuật gọi là phép ghi sắc khí, cho phép họ tách những hợp chất trong một hỗn hợp và xác định hàm lượng của từng hợp chất cụ thể. Hai thành phần nổi bật nhất là cadaverine và putrescine, tức các phân tử mùi hôi có thể đẩy lui hầu hết các động vật trên trái đất. Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1885 nhờ vào công của một nhà vật lý học người Đức tên Ludwig Brieger, những phân tử này được sản sinh từ quá trình phân rã a xít amino lysine và methionine. Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã phát hiện cơ quan cảm giác được cadaverine trong cá ngựa vằn. Có nghĩa là loài cá này đặc biệt nhạy với mùi thịt thối nhờ vào thụ quan cadaverine này, giúp chúng nhanh chóng tránh xa khu vực xuất hiện xác thối.
Trong khi đó, các côn trùng ăn xác chết bị hấp dẫn bởi mùi tỏa ra từ thịt thối rữa, và có thể giúp giới nghiên cứu tìm kiếm thêm những hợp chất đóng vai trò cốt lõi trong quá trình tạo mùi, từ đó xác định được thời gian xác chết phân rã bằng cách dựa trên sự xuất hiện của những hợp chất đó. Nhiều loài vi khuẩn và côn trùng thay phiên xâm chiếm “lãnh địa” mới vừa xuất hiện, chiết xuất những chất dinh dưỡng còn lại nhằm phục vụ cho sự tồn tại của chính mình. Và tại những giai đoạn khác nhau của quá trình phân hủy, từng loài sử dụng các hệ thống khứu giác cực nhạy của chúng để biết khi nào đến lượt mình. Đây là chiến thuật sinh tồn đã tích lũy được sau nhiều triệu năm tiến hóa trên môi trường xác chết, và kết quả là mùi có thể khác nhau tùy theo giai đoạn phân hủy.
Một số nhà nghiên cứu đang phát triển “mũi điện tử” và các hệ thống cảm biến có thể phát hiện nhiều hợp chất mùi của cái chết. Một ngày không xa, những thiết bị này có thể dùng để xác định vị trí thi thể của những người thiệt mạng bởi thiên tai, như nạn nhân trong một trận động đất, hoặc những người bị giết hại và chôn trong các nấm mồ nông. Bên cạnh đó, họ có thể tận dụng những phát hiện mới trong lĩnh vực này để áp dụng cho những công việc ngoài phá án. Chẳng hạn, các thiết bị nhạy với mùi bị phân hủy có thể hỗ trợ các chuyên gia ước tính thời gian cá hoặc thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh, hoặc giúp các công nhân nhà máy phát hiện những sản phẩm bị hỏng trước khi xuất xưởng.
Sau khi chết
Chỉ vài phút sau khi một người tắt thở, sự phân hủy bắt đầu với quá trình gọi là sự tự phân, hay tự tiêu hủy. Ngay sau khi tim ngừng đập, các tế bào bắt đầu thiếu oxygen, và độ a xít gia tăng. Các enzyme bắt đầu nhai nuốt màng tế bào và kế đến tràn ra ngoài khi tế bào phân rã. Điều này thường khởi đầu từ gan, cơ quan nội tang chứa nhiều enzyme, và trong não. Tuy nhiên, dần dần toàn bộ các tế bào và những cơ quan nội tạng khác bắt đầu phân hủy theo cách này. Các tế bào máu bị tổn hại bắt đầu tràn khỏi các mạch máu bị nứt vỡ, và với sự hỗ trợ của trọng lực, tiến vào mao mạch và những mạch nhỏ, khiến da biến màu. Thân nhiệt cũng hạ xuống cho đến khi bằng với nhiệt độ môi trường xung quanh. Kế đến, thi thể chuyển sang tình trạng “cứng đờ”, bắt đầu từ mi mắt, cơ hàm và cổ, trước khi tràn xuống thân và tứ chi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.