Múa lân ngày tết khó nhất là leo giàn Mai Hoa Thung

30/01/2017 10:03 GMT+7

Hình ảnh lân - sư - rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. Thế nhưng, mấy ai biết để có được những màn biểu diễn ấn tượng là cả một quá trình tập luyện khổ cực của những người theo nghề.

Khó nhất là leo Mai Hoa Thung
Múa lân là bộ môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Hoa. Nghệ thuật biểu diễn múa lân thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán hàng năm.
Theo quan niệm chung của người phương Đông, con lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc. Lân được xem là một thánh vật đứng hàng thứ nhì trong bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng).
Theo ông Trầm Chí Phước (46 tuổi), Trưởng đoàn sáng lập Đoàn lân sư rồng Huy Nghĩa Đường (quận 5, TP.HCM), người theo nghề múa lân cần có sự yêu nghề, sự gan dạ và đòi hỏi độ chính xác, hành động chắc chắn, quyết đoán. "Nếu như không có tinh thần, không có sự tập trung, không thả hồn vào lân thì con lân sẽ không ra gì”, ông Phước nói.
Giới thiệu với chúng tôi về 3 thao tác múa lân gồm: Kỹ thuật múa, biểu diễn võ thuật và phổ biến nội công. Để có thể trình diễn được đầu lân thì phải khổ công luyện tập ít nhất là 2 năm.
“Đầu lân cũng chia ra thứ bậc rõ ràng như: lân đầu bạc, mày bạc là lân lâu năm, điêu luyện, thuần thục các động tác múa. Còn lân râu đen, mày đen là lân mới vào nghề”, vừa nói ông Phước vừa chỉ tay vào mấy cái đầu lân.

tin liên quan

Lân sư rồng khổ luyện đón tết
Bất chấp suy giảm kinh tế làm teo tóp hợp đồng biểu diễn, các đoàn lân sư rồng truyền thống tại TP.HCM vẫn tất bật chuẩn bị cho “mùa làm ăn” xuân Quý Tỵ 2013.
Người múa lân chia sẻ những câu chuyện thú vị ngày tết - Thực hiện: Lưu Trân - Phạm Hữu
Được biết, một đội múa lân thường gồm từ 20 đến 30 người. Hai người múa Địa luân phiên, trống cái, phèng la, chập chọe... mỗi thứ 2 người, 10 người múa đầu lân thay nhau nghỉ và 5 người múa đuôi, 5 võ sinh diễu hành. Mỗi đợt chuẩn bị xuất quân, mọi người đều siêng năng luyện tập.
Riêng đội trưởng phải nắm rõ sức khỏe, hoàn cảnh từng người giống như một thủ lĩnh điều quân trước khi ra trận… Đến giờ xuất phát, người đội trưởng tập hợp các thành viên, giục trống để lân chạy chầu “Long Hổ sư”. Xong xuôi, trống dong cờ mở, tất cả lên đường.
Ông Phước cũng thêm, hiện múa lân được chia làm hai loại chính. Đầu tiên là lân truyền thống với môn leo cây trúc dài 9m để hái lộc. Khi leo lên đỉnh cao rồi, lân tiếp tục múa, biểu diễn, gây sự thích thú, hồi hộp cho người xem, đó mới là nghệ thuật. Ngoài ra, lân truyền thống còn có những môn biểu diễn như lân đấu địa, địa vũ (biểu diễn dưới đất).
Khác với múa lân truyền thống, Mai Hoa Thung là một môn múa lân mới hơn, thường được sử dụng trong các cuộc thi quốc tế. Môn này ra đời vào những năm 1970 tại Singapore, cứ mỗi năm lại có những đổi mới.
Mai Hoa Thung cũng được xem là một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ, đòi hỏi người múa phải có nghề võ. Nếu một người chưa thể múa lân truyền thống thì không thể lên được giàn Mai Hoa Thung.
Để có những bước nhảy thanh thoát, người múa lân phải trải qua giai đoạn tập luyện vô cùng khó khăn Phạm Hữu
Một đội múa lân thường từ 20 đến 30 người. Hai người múa Địa luân phiên, trống cái, phèng la, chập chọe... Phạm Hữu
Trong môn múa lân Mai Hoa Thung, đầu và đuôi phải ăn khớp với nhau, dùng lực chọi lực để leo lên được giàn Mai Hoa Thung có 21 cột (thấp nhất 1,2m và cao nhất 2,5m).
“Không phải muốn leo thế nào cũng được đâu. Hiện đang có 117 động tác khó đã được ghi nhận trong môn này, nhưng chỉ cần sử dụng khoảng 10 động tác khó là đã mô tả được con lân trong vòng 7 đến 10 phút”, ông Phước nói.
Từng trượt chân ngã từ trên cao
Trên thực tế, khi người múa lân đạt đến đỉnh cao thì có thể dùng lực tay, lực chân kèm theo sự gan dạ của một võ sinh để thực hiện động tác chồng người, tức người leo lên nhau để tạo hình lân cao nhất có thể.
Để có thể nhảy múa trên giàn Mai Hoa Thung, các diễn viên phải thực hiện các động tác phức tạp như đội đầu lân đứng một chân trên đùi, đứng trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân, rồi hai chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu… Tuy nhiên, chỉ mất tập trung một khắc hoặc kết hợp không hài hòa với tiếng trống để trượt chân xuống đất thì tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Anh Trần Bá Giao Hòa (21 tuổi), nhớ lại vụ tai nạn của một đồng nghiệp khi đang biểu diễn cho một nhà hàng trên đường Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM): “Tết năm nào mình cũng phải thay đổi các chiêu trò biểu diễn sao cho hay hơn, gay cấn hơn mới thu hút người xem. Năm vừa rồi có anh kia đang diễn một động tác phức tạp là bay lộn trên không rồi tiếp đất xuống cột sắt cao 3m có diện tích chỉ vừa đủ đặt hai bàn chân, nên ảnh trượt chân ngã, lưng đập mạnh xuống bộ đạo cụ bằng sắt kia và bị thương nặng lắm”.
Múa lân là một nghệ thuật của sự kết hợp kèn trống cùng với nhịp nhảy múa của "chú lân" Phạm Hữu
Để có thể nhảy múa trên giàn Mai Hoa Thung, các diễn viên phải có ít nhất 5 năm luyện võ, mới thực hiện được các động tác phức tạp như đầu lân đứng một chân trên đùi, đứng trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân, rồi hai chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu Phạm Hữu
Một đầu lân nặng từ 3 đến 6kg, một đầu rồng có khi nặng tới 20kg. Người ở vị trí đầu đòi hỏi phải có sức khỏe để có thể tung hứng, làm đủ trò mà một “chú lân” có thể nghĩ ra. Trong khi đó, người ở phần đuôi lại bị trùm kín mít, chỉ được nhảy múa, lắc lư theo tiếng trống và theo phản xạ mà hoàn toàn không thấy được mọi thứ xung quanh.
“Lúc nhỏ tôi thấy người ta múa rồng, nhìn con rồng dài cứ uốn lượn mà thích lắm. Vậy là tôi xin cha theo học. Từ học múa rồng rồi chuyển sang học múa lân. Bây giờ, tôi có cả một đội lân riêng rồi, cảm giác như thực hiện được ước mơ của mình, nên rất vui”, ông Phước tâm sự về cơ duyên và tình cảm đối với nghề lân.
Giải thích về cái tên Đoàn lân sư rồng Huy Nghĩa Đường, ông Phước cho biết: “Huy trong từ huy hoàng, nghĩa trong từ tình nghĩa. Có nghĩa là khi mình làm việc gì đó, như ở đây cụ thể là múa lân thì phải tạo ra những tiết mục huy hoàng, hoành tráng và làm hết sức mình, phải có tình nghĩa trong đó để phục vụ bà con, nhân dân”.
Những ngày sắp tết, nhìn cảnh mọi người nô nức kéo nhau về quê, anh Phạm Phú Tuấn Phát (21 tuổi) tặc lưỡi: “Thôi cái nghề là cái nghiệp, mà chưa kể nghề này do mình tự chọn, mình đam mê thì làm thôi. Bà con đón tết ở quê nhà, mình đón tết trên giàn Mai Hoa Thung. Nhưng tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc”.
Trong múa lân, hai tiết mục hấp dẫn người xem nhất là lân qua Mai Hoa Thung và múa lân leo cột.
Khi người múa lân đạt đến đỉnh cao thì có thể dùng lực tay, lực chân kèm theo sự gan dạ của một người võ sinh để thực hiện động tác chồng người, tức người leo lên nhau để tạo hình lân cao nhất có thể Phạm Hữu
Một buổi biểu diễn thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 45 đến 60 phút, thu nhập từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho cả đoàn, tùy vào nội dung, góc độ của chương trình, khoảng cách xa hay gần và cũng còn tùy vào số lượng lân. Với mức thu nhập đó, sau khi trừ tiền ăn uống, xe vận chuyển nhân viên, trang phục và trăm thứ khác thì mỗi diễn viên múa lân đút túi trung bình từ 200.000 đến 500.000 đồng cho một buổi diễn. Với mức thu nhập này, anh Phát khẳng định: “Nếu nói kiếm sống bằng nghề múa lân thì chắc sống không nổi”.
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi tại sao nghề múa lân nguy hiểm lại còn thu nhập thấp mà vẫn theo, tất cả các thành viên của đoàn lân đều trả lời dứt khoát: “Không đâu, chuyện tai nạn, nguy hiểm lúc tập luyện hay biểu diễn là chuyện bình thường thôi. Mình đam mê và sống được với cái đam mê là đủ rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.