Một xã có hơn 500 người hiến giác mạc!

18/02/2019 13:18 GMT+7

Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2007, từ người đầu tiên của tỉnh hiến giác mạc, đến nay có hơn 10.000 người đăng ký sẽ hiến giác mạc sau khi qua đời, đặc biệt một xã có hơn 500 người đã hiến và đăng ký hiến giác mạc.

Người đầu tiên hiến giác mạc là cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn 8A, xã Cồn Thoi, H.Kim Sơn, Ninh Bình). Năm 2007, cụ Hoa mất ở tuổi 83, giác mạc cụ hiến đã giúp 2 người ở Đắk Lắk và Thanh Hóa sáng mắt trở lại.

Nơi khởi nguồn phong trào

Không những hiến giác mạc, tại Ninh Bình đã có 2 trường hợp hiến mô tạng cứu sống nhiều người mắc bệnh nan y. Cụ thể, năm 2018, anh Dương Hồng Quý (ngụ P.Nam Bình, TP.Ninh Bình) đã hiến mô tạng sau khi qua đời, cứu sống 6 người mắc bệnh nan y. Thiếu tá Lê Hải Ninh (ngụ H.Yên Mô, Ninh Bình), nguyên cán bộ Lữ đoàn Tăng thiết giáp, không may bị tai nạn dẫn đến chết não, đã hiến đa tạng (thận, tim, phổi) và giác mạc, cứu sống 6 bệnh nhân.
Chúng tôi tìm tới nhà ông Mai Văn Vinh (65 tuổi, con trai cụ Hoa) ở xã Cồn Thoi, nơi trước đây cụ Hoa sinh sống. Trong ngôi nhà cấp 4 bình dị, những tấm kỷ niệm chương, bằng khen của các đơn vị truy tặng, ghi nhận đóng góp vì sức khỏe nhân dân của cụ Hoa và gia đình được treo tại những vị trí trang trọng nhất.
Ông Vinh cho biết, bố mẹ ông sinh được 9 người con, 2 trai và 7 gái. Đầu năm 2007, sức khỏe yếu dần do tuổi cao nên cụ Hoa gọi con cháu đến và dặn sẽ hiến giác mạc khi qua đời.
“Lúc nghe mẹ nói hiến giác mạc, tôi và các anh chị em trong nhà đều ngỡ ngàng, không đồng ý. Chúng tôi nghĩ người chết thì phải toàn vẹn thi thể. Nhưng rồi sau nhiều lần họp bàn, chúng tôi cũng thực hiện theo di nguyện của bà. Tháng 3.2007 bà mất, chúng tôi đã liên hệ với hội chữ thập đỏ các cấp và cán bộ hội phối hợp với Bệnh viện Mắt T.Ư tiếp nhận giác mạc. Sau đó, gia đình được biết giác mạc của mẹ tôi đã giúp một người sống tận trong Đắk Lắk và một người ở Thanh Hóa có đôi mắt sáng trở lại. Từ đó, chúng tôi mới hiểu và thấy việc làm của mẹ mình rất đáng trân quý”, ông Vinh kể.
Nhưng sau đó, ở xã Cồn Thoi rộ lên nhiều thông tin cho rằng gia đình bán giác mạc để lấy tiền. Những tin đồn ác ý khiến con cháu bà Hoa rất đau lòng. Khoảng 2 năm sau, khi các cấp chính quyền, đoàn thể và Bệnh viện Mắt T.Ư tiến hành tuyên truyền, vận động đến tận thôn, xóm về nghĩa cử cao đẹp khi hiến tặng giác mạc, nhiều người mới dần hiểu ra. Khi đó, gia đình ông Vinh mới được “minh oan” và trở thành gia đình kiểu mẫu, khởi nguồn cho phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình.

10.000 người đăng ký hiến giác mạc

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, tính đến hết năm 2018, toàn xã đã có 102 người hiến giác mạc và 436 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Đáng chú ý, trong đó có những gia đình nhiều người cùng đăng ký hiến, có người là mẹ liệt sĩ, là người có công với cách mạng, như gia đình ông Trần Văn Thành (53 tuổi, ngụ thôn 6).
Năm 2016, mẹ ông Thành là bà Nguyễn Thị Vượng, mẹ của liệt sĩ Trần Đăng Cơ, đã hiến giác mạc sau khi qua đời. “Tôi nghĩ sau này chết, thân xác tan biến hết, việc hiến giác mạc lại rất ý nghĩa, có ích cho nhiều người đang sống nên không có gì phải băn khoăn cả. Trong gia đình, anh em họ hàng nhà tôi, đến nay đã có 4 người hiến và 30 người, trong đó có vợ chồng tôi, đã đăng ký hiến giác mạc. Ngoài hiến giác mạc, tôi còn muốn hiến cả nội tạng”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, cho biết giai đoạn 2007 - 2010 là thời gian khó khăn nhất trong việc vận động người dân hiến giác mạc. Khi đó, mọi người còn chưa quan tâm đến việc hiến giác mạc và khó tạo được sự đồng thuận của tất cả thành viên trong gia đình. Nhưng sau khi được tuyên truyền thì người dân đăng ký ngày càng nhiều hơn.
“Cồn Thoi hiện nay là xã đi đầu của tỉnh trong phong trào hiến giác mạc. Đến nay, toàn xã có 538 người đã hiến và đăng ký hiến, trong đó người nhỏ tuổi nhất đã hiến là 12 tuổi, lớn tuổi nhất là một cụ hơn 100 tuổi”, ông Lý cho biết.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, đánh giá sau hơn 11 năm hiến giác mạc đã trở thành phong trào lớn, lan tỏa khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 300 người đã hiến giác mạc và hơn 10.000 người đăng ký.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.