Một mái nhà cho người anh hùng

23/02/2017 10:36 GMT+7

Ông Nguyễn Xuân Trường (70 tuổi, hiện đang ở xã Kỳ Lạc, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT) khi là đại đội trưởng bộ binh thuộc sư đoàn 326, Quân khu 2, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc 1979.

Do bị thương với mức thương tật 42%, năm 1982 ông rời quân đội về nghỉ theo chế độ mất sức và bắt đầu cuộc sống nông dân ở vùng miền núi phía tây Nghệ An.

tin liên quan

Chuyện cổ tích về tình quân dân
37 năm, câu chuyện cổ tích về tình quân dân của 3 nhân vật do Báo Thanh Niên tìm gặp, chắp nối đã cùng được kể lại trên miền biên giới Cao Bằng, trước ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12).
Sản phẩm thu hoạch từ ruộng nương chỉ đủ đáp ứng 5 miệng ăn trong gia đình, nên nhiều khi ông Trường phải làm thuê cho các hộ dân trong xã để kiếm thêm thu nhập.
Chế độ đãi ngộ của ông mỗi tháng tròn 3,7 triệu đồng (1,1 triệu tiền AHLLVT và tiền bệnh binh là 2,6 triệu đồng), nhưng cả chục năm nay ông phải thế chấp sổ lĩnh chế độ để vay 200 triệu đồng (lãi 5%/tháng) phụ tiền cho cậu con trai út mua xe tải cũ, chở học sinh trong xã Kỳ Lạc đi học PTTH cách đó cả chục ki lô mét, thu tiền chở vừa đủ xăng dầu.
Đầu tháng 2 vừa qua, chúng tôi tìm đến gia đình AHLLVT Nguyễn Xuân Trường thực hiện loạt bài về chiến tranh biên giới phía bắc và phải ngồi ngoài sân nói chuyện bởi căn nhà ẩm thấp, lờ nhờ ánh điện vàng đục không đủ để nhìn nét chữ.
Bà Trần Thị Sung (65 tuổi, vợ ông Trường) kể: Ngôi nhà xây từ năm 1995, do gia đình tự đóng gạch xây dựng. Không có đủ tiền gia cố tường, móng nên hiện nay tường đã nứt toác 4 phía, mái ngói rệu rã, mỗi trận mưa nước tràn vào nhà như ngoài sân và mái nhà xiêu vẹo qua mỗi cơn gió, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
“Những hôm mưa to gió lớn, vợ chồng già phải chạy xuống bếp lợp lá trú ẩn hoặc sang ở nhờ hàng xóm. Mấy năm trước cũng định tu sửa nhưng không đủ tiền”, bà Sung nói.
Nguyện vọng lớn nhất của vợ chồng AHLLVT Nguyễn Xuân Trường lúc này là được quay trở lại thăm chiến trường xưa, khu vực biên giới xã Pa Tần (Sìn Hồ, Lai Châu), và có tiền sửa sang ngôi nhà.
“Không dám mời khách khứa anh em đồng đội về thăm vì nhà cửa ọp ẹp, không có chỗ ngủ, không công trình phụ đơn giản”, ông Trường dẫn tôi thăm căn bếp tranh tre nứa lá, vẫn nấu ăn bằng củi, nồi niêu chén đũa vẫn treo lủng lẳng trên những thanh tre tạm bợ ngoài giếng. “Vợ chồng già chỉ mong mái nhà vững chãi những ngày cuối đời. Bao năm rồi chúng tôi ngủ không yên giấc”, bà Sung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.