Một khu phố có nhiều người chết vì ung thư

10/07/2008 01:45 GMT+7

Đó là khu phố 16, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM. Chiều qua, cơ quan chức năng đã khảo sát dịch tễ, lấy mẫu nước tại đây.

Trong một buổi chiều, đoàn do bác sĩ Phan Văn Nghiệm (Trưởng phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế) làm trưởng đoàn đã đến một số gia đình có người chết vì ung thư, hay bị khối u ác tính. Như gia đình anh Dương Văn Thanh (Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 16) có bố và mẹ đều mất do căn bệnh ung thư và u bướu. Anh Thanh cho biết: "Bố tôi mất năm 1984 do bệnh ung thư phổi lúc 54 tuổi, còn mẹ tôi mất năm 2002 bởi khối u ở não, lúc 72 tuổi".

Hàng xóm của anh Thanh là gia đình bà Nguyễn Thị Lượm cũng có những bất thường. Bà Lượm kể: "Chồng tôi là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1948, mất cách đây 4 tháng. Ông ấy không nhậu nhẹt, rượu chè, nhưng rồi đột nhiên ngã bệnh, nghe đâu bị u bướu gì đó trong bao tử".

Địa chỉ thứ 3 mà đoàn đến khảo sát là gia đình bà Nguyễn Thị Đầm (84 tuổi). Bà Đầm có người con là Dương Công Mỹ chết cách nay gần 1 năm, lúc 50 tuổi. Bà kể ông Mỹ mắc ung thư phổi, đã chạy chữa nhiều nơi (TP.HCM, Huế) nhưng không qua khỏi. Cách đó không xa là gia đình anh Dương Công Thiết cũng có cụ bà mất vào năm 2000. Ông Thiết nói: "Mẹ tôi là Lý Thị Út mất lúc 69 tuổi, do bị một khối u ở não".  

Ông Dương Văn Nhân, đại biểu HĐND TP.HCM, nguyên là Chủ tịch UBND xã Bình Hưng Hòa cũ (là anh ruột của anh Dương Văn Thanh), cho biết: "Khu vực này có rất nhiều người chết vì ung thư, thường đến viếng đám tang của họ nên tôi biết. Chỉ riêng những người thân trong dòng họ của tôi đã có khoảng 10 người chết bởi ung thư. Phần lớn những người chết là cư dân gốc tại đây. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất là từ năm 1997 trở lại đây". Khi được bác sĩ Nghiệm hỏi "có những yếu tố nào liên quan?", ông Nhân nhận xét: "Có lẽ là do môi trường. Khoảng năm 1984, 1987 ở khu vực này trâu bò mà uống nước đen là sẽ bị chết sau đó, nên những người nuôi bò, nuôi trâu lúc đó luôn canh giữ không để chúng đi uống nước bậy bạ".      

Đoàn khảo sát cũng ghi nhận tất cả các hộ ở đây lâu nay chỉ sử dụng nguồn nước giếng tự khoan, với độ sâu bình quân từ 30-32 mét, có người sử dụng nước giếng khoan đã mấy chục năm. Hầu hết không ai đem nước đi xét nghiệm trước khi đưa vào sử dụng. Khi cán bộ y tế dự phòng mở vòi nước để lấy mẫu thì phát hiện phần lớn nước có mùi hôi khó chịu (mặc dù nhìn thấy rất trong). Ngoài ra, ở khu vực này còn có một số hộ tái chế ni-lông gây ô nhiễm; hệ thống đường sá, môi trường tại đây cũng rất mất vệ sinh...

Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Nghiệm nói: "Đây là buổi đầu khảo sát dịch tễ, xem xét các yếu tố có liên quan đến bệnh ung thư... nên chưa thể đưa ra một kết luận nào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm bảng tổng hợp sơ bộ về những gì ghi nhận được để báo cáo khẩn lên Thành ủy, Thường trực HĐND TP.HCM và Bộ Y tế. Trong những ngày tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tiếp tục điều tra về vấn đề này".

Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Bệnh viện Ung bướu TP.HCM rà soát, thống kê lại tất cả những trường hợp cư dân sinh sống tại khu vực nói trên từng vào chữa trị tại bệnh viện này từ trước đến nay.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.