Mọi 'ham muốn' đều được thỏa mãn ở Insadong của xứ Hàn

21/11/2018 20:33 GMT+7

Thưởng thức ẩm thực xứ Hàn dưới mái cong Hanok trăm năm tuổi, xem gốm sứ cổ thời Joseon, chụp ảnh tự sướng với đèn hoa, trầm tư nhấp từng ngụm trà thơm… tất cả “ham muốn” ấy đều được thỏa mãn khi đến Insadong (Seoul).

Chỉ với độ dài 700 m, Insadong được mệnh danh là con đường mua sắm bậc nhất ở Seoul của Hàn Quốc, đủ "khả năng" phục vụ sở thích mọi độ tuổi, giới tính. Không quá hào nhoáng như khu Gangnam hay trẻ trung và hiện đại như Hongdae, Insadong vẫn giữ nguyên phần hồn cốt là các khu nhà cổ xưa với mái ngói Hanok truyền thống, được hình thành từ thời kỳ Joseon (1392 - 1897) dành cho các vị quan lại đương triều, kết hợp cùng không gian phố đi bộ mua sắm, sản phẩm đa dạng với đồ thủ công mỹ nghệ xuất xứ Hàn Quốc, tranh ảnh nghệ thuật, sách xưa, cổ vật, cùng vô số các món ăn.
[VIDEO] Những màn biểu diễn lạ mắt của các chàng trai bán kem Hàn Quốc
Hẻm nhỏ ở Insadong với những ngôi nhà Hanok cổ kính
Lạc lối ở Insadong
Vào mỗi dịp cuối tuần, Insadong tải khoảng 100.000 lượt du khách tham quan, mua sắm. Lang thang trên trục đường chính Insadong-gil, thật dễ bị cảm giác choáng ngợp xâm lấn, bởi trên đầu là bầu trời, còn dưới đất là vô vàn lựa chọn, từ những món quà lưu niệm giá trị, đậm yếu tố bản địa đến từ các loại bút lông đủ kích cỡ, rồi giấy truyền thống Hanji, hay các bộ trang phục dân tộc Hanbok… đều dễ dàng tìm thấy nơi các cửa tiệm thân thiện ở Insadong.
Ước tính có đến hơn 40% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc tập trung về Insadong, thế nên một khi đã lạc lối vào con phố mua sắm dễ thương này, kiểu gì cũng tìm ra được chí ít là vài món dễ thương để làm quà. Có thể là một bộ ấm chén làm từ gốm, hay các loại trà xanh đặc trưng của xứ Hàn…
Góc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trên phố Insadong
Không chỉ được mệnh danh là con phố mua sắm thông thường, Insadong còn là một không gian của nghệ thuật, nơi để chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa, cổ vật qua các thời kỳ phát triển trong lịch sử Hàn Quốc, đến các loại sách báo, tranh ảnh cổ… Chỉ tính riêng con số các phòng tranh nghệ thuật, đã có hơn 100 được mở tại Insadong, trong từng phòng tranh là vô số tác phẩm điêu khắc, tranh, ảnh, gốm, sứ, đủ loại và đủ giá, từ vài trăm đô la cho đến những tác phẩm đỉnh cao được định giá triệu đô.
Bộ sưu tập bút lông đa dạng ở tiệm bán dụng cụ “văn phòng tứ bảo”
Điểm đặc biệt của Insadong nếu so với những con đường mua sắm khác ở Seoul, ấy là sự đối lập thú vị. Bên cạnh nhộn nhịp, sầm uất, hiện đại của trục đường chính Insadong, chỉ cần vài bước chân vào hẻm nhỏ bất kỳ, sẽ thấy cả một không gian khác biệt mở ra, không có những xô bồ, chen nhau như nơi phố chính mà yên ắng, thanh bình đến lạ.
Chợ mua sắm Ssamzie-gil trên đường Insadong
Thong dong vào từng hẻm nhỏ, cứ như một chuyến khám phá thú vị, bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, rêu phong từ những ngôi nhà cổ nay đã biến đổi công năng thành hàng quán (chủ yếu là tiệm trà, quán ăn cao cấp, khách sạn theo phong cách xưa), dễ khiến lữ khách mải miết với hành trình khám phá mà quên cả thời gian, không gian bởi vẻ đẹp quyến rũ của từng góc nhỏ trước nhà được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng.
Đi ngược thời gian
Đi trong hẻm phố của Insadong, cứ ngỡ như đang ở đâu đó một làng quê xưa từ trăm năm trước của xứ Hàn. Cái thi vị của chuyến ngược thời gian ở Insadong là vậy. Điều hấp dẫn hơn khi lạc vào không gian hẻm, ấy là những hàng quán với thiết kế mang sự hòa trộn giữa cổ truyền và hiện đại.
Một bàn tiệc nướng Bulgogi kiểu Hàn ở Insadong
Phong cách ẩm thực nơi đây cũng được phục vụ đa dạng, không khó để tìm ra những quán Bulgogi với thịt nướng ngon quên sầu kiểu Hàn Quốc, hay một nhà hàng kiểu Ý để thưởng thức pizza, spaghetti, nhâm nhi từng giọt vang nồng trong không gian xứ Hàn… Riêng với người yêu thích uống trà, một tiệm trà mang phong cách truyền thống nơi hẻm nhỏ ở Insadong sẽ là điểm đến hoàn hảo, góp thêm cho chuyến lang thang thêm một kỷ niệm đẹp.
Trà quán Osulloc được thiết kế và sắp đặt phong cách hiện đại
Mở cửa từ 10 giờ sáng mỗi ngày cho đến tối muộn, Insadong hội tụ đủ độ quyến rũ, duyên dáng và hấp dẫn để lữ khách khi tìm đến con phố này, lúc trở về, bao giờ cũng tay xách nách mang, miệng nở nụ cười đầy mãn nguyện với những “thành tựu” mua sắm gặt hái được trong cả hành trình, lòng thầm nhủ: Lần sau ghé lại Seoul ở xứ Hàn, kiểu gì chả phải đến Insadong.
Daegu - điểm đến mới cho năm 2019
Seoul, Muan và Daegu từng thuộc về 3 vương quốc khác nhau thời cổ đại và nay là 3 thành phố du lịch lớn của Hàn Quốc. Nằm ở đông nam Hàn Quốc, Daegu chỉ cách Seoul chừng 1 giờ 40 phút đi bằng tàu tốc hành và gần đây thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đổ về. Với biệt danh Daefrica (ghép giữa từ Daegu và Africa - châu Phi), thành phố này không chỉ khác biệt về nhiệt độ trong mùa hè (nóng hơn so với các vùng khác) và còn “ẩn” nhiều điều thú vị đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Trong kế hoạch mở rộng đường bay đến 42 thành phố ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Jeju Air - hãng hàng không lớn thứ 3 của Hàn Quốc sẽ chính thức khai trương đường bay mới nối TP.Daegu và TP.Đà Nẵng vào ngày 22.12 tới đây.
Jeju sẽ khai thác đường bay này 1 chuyến mỗi ngày với thời gian bay khoảng 4 tiếng rưỡi. Theo ông Yang Seong Jin, Giám đốc Truyền thông của Jeju Air, với đường bay mới này, hãng Jeju sẽ nâng tổng số đường bay nối Hàn Quốc và Việt Nam (gồm Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng) lên 7.
Đà Nẵng hiện đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của người Hàn Quốc khi đi du lịch. Tính trên bình diện quốc gia, Việt Nam là quốc gia thứ 3 mà du khách Hàn Quốc chọn là điểm đến sau Nhật Bản và Trung Quốc. Cũng trong tháng 12 tới, hãng Jeju Air sẽ tăng tần suất chuyến bay từ Muan đến Đà Nẵng lên 7 lần/tuần, nâng tổng số chuyến bay mỗi tuần lên 63 chuyến cho tổng cộng 7 đường bay.
Ngoài ra, khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc cũng tăng mỗi năm. Nếu năm 2016 là 251.400 người thì năm 2017 tăng 30%, theo số liệu của Tổng cục du lịch Hàn Quốc. Con số này trong 9 tháng đầu năm 2018 đã là 332.000 người.
Minh Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.