Mới có 10 trong tổng số 1.000 nhà vệ sinh công cộng Hà Nội 'mở cửa'

01/03/2017 16:22 GMT+7

Sau gần 6 tháng triển khai dự án xã hội hoá 1.000 nhà vệ sinh công cộng khắp thành phố Hà Nội, đến nay mới có 10 nhà vệ sinh chính thức được bàn giao cho người dân sử dụng.

Quyết định của UBND thành phố Hà Nội giao Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing thực hiện 1.000 nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa bắt đầu triển khai từ tháng 8.2016.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, những ngày qua, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, nhiều nhà vệ sinh đã xây dựng xong nhưng khoá kín cửa.
Nhà vệ sinh trở thành nơi mất vệ sinh
Trên phố Trần Nhật Duật, đối diện quán bia số 80, một nhà vệ sinh mới được khóa kín cửa, phía trước loang lổ các bãi nước vàng khè, bốc mùi nồng nặc. Chếch lên phía trên một chút là nước bẩn từ các bãi rác mới được gom đi, ruồi bu kín. Xung quanh đó, bên cạnh các taxi, xích lô đỗ trên vỉa hè, nhiều người chạy lại tiểu tiện bậy.
Nhà vệ sinh mới xây xong rất đẹp...
Nhưng khoá cửa, xung quanh lại mất vệ sinh Ảnh Thúy Hằng
“Tôi cứ nghĩ đó chỉ là nơi để đồ dùng của nhân viên môi trường thôi, vì có thấy mở cửa bao giờ đâu”, một phụ nữ bán trà đá phố Trần Nhật Duật nói.
Trên đường Trần Quang Khải, nhà vệ sinh công cộng mới đối diện số162A cũng trong tình trạng tương tự. Khu vực này, người dân đổ rác nhiều hơn, các “dấu tích” của việc phóng uế ngay trước cửa nhà vệ sinh công cộng còn rõ rệt hơn.
Một người làm nghề chạy xe ôm trên phố này cho hay: “Tôi thấy họ làm xong từ trước tết Nguyên đán, nhưng đóng cửa suốt, họ nói là chưa có nước nên không hoạt động”. Khi chúng tôi hỏi, vậy khi muốn đi vệ sinh, bác sẽ đi ở đâu, người đàn ông cười: “Tiện chỗ nào thì đi chỗ ấy”.
Nhà vệ sinh ở công viên Thống Nhất mở cửa
Theo Vinasing, trong quý 1.2017 sẽ bàn giao tổng cộng 100 nhà vệ sinh Ảnh Thúy Hằng
Đối diện chùa Phúc Long 172 Trần Quang Khải, một nhà vệ sinh đóng kín cửa, tuy nhiên vì nơi này hẹp, xung quanh đậu kín ô tô, nên ít bị phóng uế và đổ rác.
Chiều 26.2, khi chúng tôi tới nhà vệ sinh mới toanh trên vườn hoa Pasteur (đường Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm), hai du khách nước ngoài sau một hồi loay hoay xoay cửa, đập cửa, thấy nhà vệ sinh khóa kín thì lắc đầu, bỏ đi chỗ khác.
Ông Thành, người thường xuyên tập thể dục tại vườn hoa, nói: “Trước tết có một nhân viên đứng trông, mỗi khách đi lấy giá 3.000 đồng. Sau tết tôi cũng thấy họ mở cửa thu tiền mấy ngày, sau đó khóa luôn. Nếu nói thiếu nước mà khóa cửa thì không phải, gần ngay đây có bể nước ngầm to lắm”, ông Thành vừa nói vừa chỉ bể nước ngầm được quây bê tông, cửa sắt ngay trong vườn hoa Pasteur.
2 khách nước ngoài đập mãi mà không mở được cửa của nhà vệ sinh vườn hoa Pasteur nên đã bỏ đi Ảnh Thúy Hằng
Chiều 26.2, chúng tôi có mặt tại nhà vệ sinh công cộng trước cổng Công viên Thống Nhất (phố Trần Nhân Tông), nơi này mở cửa, giá từ ngày 1.12.2016 niêm yết là 2.000 đồng/lượt, sàn nhà sạch sẽ, nước, ánh sáng đầy đủ, thường xuyên được nhân viên lau dọn. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 10 nhà vệ sinh như thế này phục vụ cho người dân chính thức mở cửa.
Nhiều hộ dân cho cả "xã hội đen" đe dọa người thi công dự án
Sáng 1.3, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Thái Song, Phó phòng dự án Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing, đơn vị thực hiện 1.000 nhà vệ sinh công cộng cho thành phố Hà Nội, cho biết dự án đang bị chậm tiến độ vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều người không đồng thuận với vị trí xây lắp các nhà vệ sinh công cộng.
“Có thể UBND phường khi khảo sát rồi báo cáo vị trí xây lắp các nhà vệ sinh lên UBND quận đã không tham khảo ý kiến người dân trước. Nên khi nhân viên của chúng tôi đến đào đất, nhiều người phản đối vì quá gần, hoặc trước cửa nhà họ. Có nhà còn mượn "xã hội đen" đến gây khó dễ với chúng tôi. Việc đào đất, lấp đất rồi đào, có khi đào đất 4 lần mới làm được 1 nhà vệ sinh là chuyện thường xuyên”, ông Song phân trần.
Một nhà vệ sinh gần Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang được hoàn thiện Ảnh Thúy Hằng
Theo ông Song, mặt bằng thi công các nhà vệ sinh cũng gặp khó khi vướng các công trình ngầm phía trước liên quan đến nước sạch, cáp quang… “Chúng tôi sẽ làm việc với các bên điện lực, nước sạch, viễn thông… để có được sơ đồ các công trình ngầm, tránh xây dựng những nơi đó. Chúng tôi cũng mong UBND phường làm việc lại với các hộ dân để đồng thuận khi chúng tôi tới thi công, lắp đặt”, ông Song nói.
Ông Song cũng thừa nhận có tình trạng mất vệ sinh quanh một số nhà vệ sinh đang khoá cửa. Trả lời về việc bị khoá cửa này, ông Song cho hay, vì thiếu nước: “Nhiều nơi ở Hà Nội áp lực nước rất kém, nhiều hộ dân phản ánh nước không vào tới nhà họ ở trong ngõ. Sắp tới chúng tôi phải lắp máy bơm tăng áp hoặc có xe bơm nước hỗ trợ của Urenco (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội)”.
Theo Vinasing, những hình ảnh phản cảm quanh các nhà vệ sinh này sẽ được khắc phục Ảnh Thúy Hằng
Theo ông Bùi Thái Song, hiện tại đã có 55 nhà vệ sinh công cộng được hoàn thành trong tổng số 1.000 nhà. Tuy nhiên, tính đến hôm nay, 1.3.2017 mới chính thức bàn giao cho Urenco để người dân sử dụng 10 nhà (4 ở quận Tây Hồ, 4 ở quận Long Biên, 2 ở quận Hai Bà Trưng, trong đó có cả nhà vệ sinh ở vườn hoa Pasteur).
“Trong quý 1.2017 chúng tôi sẽ bàn giao 100 nhà vệ sinh công cộng cho Urenco. Trong quý 3 - 4 năm 2017, chúng tôi sẽ bàn giao tổng cộng 200 nhà. Còn để bàn giao xong 1.000 nhà vệ sinh công cộng, chúng tôi sẽ phấn đấu trong thời gian ngắn nhất, có thể là 15 tháng nữa”, Phó phòng dự án, Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.