Miền Tây gồng mình chống mặn: Lão nông Sóc Trăng khóc ròng vì trắng tay

18/01/2020 09:12 GMT+7

Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến nhà vườn trồng hoa kiểng tết Canh Tý tại Bến Tre lao đao còn các hộ sản xuất hoa màu tại Sóc Trăng đang đứng trước bờ vực phá sản vì thiếu nguồn nước tưới.

Thực trạng đó đã diễn ra tại các ruộng khoai lang của bà con ở H.Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Dù Tết đang cận kề nhưng chẳng ai còn tâm trạng nôn nao đón năm mới.
Là một trong các hộ trồng khoai lang nhiều nhất ở xã An Thạnh Tây, H.Cù Lao Dung, ông Ngô Hoàng Yến không khỏi rầu rĩ chia sẻ, toàn bộ vốn liếng của gia đình này đều coi như đổ sông đổ biển. Sau bao nhiêu năm dành dụm, nay tất cả đều trở về con số 0.
Cũng theo ông Yến, nhận thấy mấy năm gần đây giá của khoai lang bí đường có phần nhỉnh hơn so với mía hay khoai mì nên từ tháng 8 âm lịch vừa qua ông quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng từ giống khoa cho tới phân, thuốc…
Cứ tưởng nếu được mùa thì thu hoạch cũng gần 200 tạ, trừ hết chi phí lão nông miền Tây bỏ túi ngót nghét vài chục triệu đồng. Thế nhưng chỉ vì đợt xâm nhập mặn vào tháng 10 và tháng 11 vừa rồi đã khiến ruộng khoai 4.000m2 chết sạch.

Ông Yến rầu rĩ bên đám khoai chết

ẢNH: BẢO KỲ

Từ tháng 10 khi biết nước có dấu hiệu nhiễm mặn ông Yến đã đóng ống bọng ngăn nước xâm nhập vào nhưng cũng chẳng mấy khả quan

ẢNH: BẢO KỲ

“Biết nước đang nhiễm mặn, nhưng thà có nước tưới còn hơn để vườn khoai chết vì khô hạn. Lúc bắt đầu tưới nước nhiễm mặn, vườn khoai có biểu hiện vàng lá nhẹ, rồi khoai thiếu sức sống, thối rễ và sùng nguyên cả vườn. Do sùng quá nặng nên heo, bò cũng chẳng thể ăn được", ông Yến buồn bã nói.
Kể từ khi ruộng khoai nhiễm mặn đã gần nửa tháng nay ông Yến cũng đóng luôn các ống dẫn nước vào vườn khoai lang của gia đình.
Mất sạch cả vốn lẫn lời chỉ sau 2 tháng, hiện tại ông Yến chỉ còn cách đi đặt lú qua ngày kiếm sống, thế nhưng do nước nhiễm mặn nhiều tôm, cá bắt được cũng bữa có bữa không.

Đường dẫn nước vào vườn khoai lang của gia đình ông Yến khô kiệt tận đáy khoảng 10 ngày nay

ẢNH: BẢO KỲ

Chiếc máy bơm nước đã nửa tháng không dùng đến vì chẳng có nước sạch tưới

ẢNH: BẢO KỲ

Toàn bộ khoai đào lên đều bị sùng, đến gia súc cũng chẳng thể ăn được vì quá đắng

ẢNH: BẢO KỲ

Mất sạch vốn liếng từ khoai lang gia đình ông phải đối mặt với tình cảnh thiếu trước, hụt sau

ẢNH: BẢO KỲ

Lão nông huyện cù lao này cũng nói thêm, hiện ông đã cắt dây khoai và đợi khô sau đó dùng thuốc phun toàn vườn khoai để diệt hẳn mầm khoai bệnh. Có như thế thì sau Tết Nguyên Đán, gia đình ông mới có thể trồng được hoa màu trên phần đất này.
Được biết, không chỉ riêng hộ của ông Yến, trên địa bàn xã cũng có gần 10 hộ đang sản xuất hoa màu trong đó nhiều nhất là khoai lang bí đường, do đợt mặn đỉnh điểm vượt 10‰ vừa qua đã biến nhiều nhà vườn trắng tay sau một đêm. Hiện bà con chỉ còn chờ nước mặn sớm rút và mưa xuống nhanh để rửa mặn bớt mặn trong đất thì mới dám sản xuất nông nghiệp tiếp.
Tổng hợp báo cáo của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tại vùng này đã có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Số hộ bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang.
Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Dự báo trong thời gian tiếp theo của mùa khô năm 2020 sẽ có khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung và 134.000 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.