Mẹo để nhà bạn dễ thở

01/07/2018 20:33 GMT+7

Do thực sự phải “hô hấp” cùng người cư ngụ, ngôi nhà tốt về phong thủy là nhà không quá khép kín với trường khí bao quanh, tạo mối liên thông trong ngoài có kiểm soát.

Để nhà dễ thở1
Các điểm sinh hoạt cần mở được ra vị trí có cây cối, tiểu cảnh dù ít ỏi
Về mặt âm dương, tĩnh động, con người di chuyển còn ngôi nhà đứng yên (tương đối) nhưng luôn tương tác qua lại với nhau. Cũng có lúc con người thụ động (khi ngủ) còn ngôi nhà vẫn hoạt động (tác động môi trường) và ảnh hưởng đến chủ thể (hoặc tốt, hoặc xấu, tùy theo trường hợp).
Tạo những khoảng thở cho nhà
Nhìn lại nếp nhà truyền thống, cha ông ta đã xử lý âm dương luân chuyển rất hữu hiệu, cụ thể như: che chắn vùng khí hậu xấu nhưng không ngăn nắng gió tốt, tạo gió đối lưu nhờ hàng hiên rộng làm vùng đệm, làm mái cao và thềm cao để tránh ẩm thấp, cửa đóng mở có lá sách, đặt bếp và khu vệ sinh tách biệt để giảm bớt khói và mùi… Những thành phần kể trên, trong tình hình đô thị hóa hiện nay không còn giữ được nguyên vẹn nên đòi hỏi ngôi nhà - căn hộ hiện đại phải tìm kiếm các lời giải mới cho bài toán "hô hấp" được tốt hơn.
Thời hiện đại, ở trong nhà phố ngăn chia kín mít luôn thấy thiếu không khí. Nếu xây dựng đảm bảo tỷ lệ chừa lại 10 - 20% diện tích thông thoáng thì sẽ “dễ thở” hơn. Một nhà ống nếu có bố trí sân sau và giếng trời về các hướng nạp gió mát và thoát khí quẩn tốt thì hầu như ít bị đọng mùi ẩm thấp, gia chủ luôn cảm thấy thoải mái hơn so với ở trong ngôi nhà cùng diện tích mà hoàn toàn bít bùng. Tất nhiên, cần đảm bảo sao cho những khoảng trống ấy phải tinh sạch, bởi nhiều nhà sau khi chừa sân trống xong lại biến thành chỗ đặt cục nóng máy lạnh, nấu nướng… thì lợi bất cập hại, làm xâm lấn "buồng phổi" của cả nhà, gây phản tác dụng, khiến giếng trời thành ống dẫn khói, đưa mùi lan tỏa.
Khoảng thở của nhà còn nằm ở cách thức ngăn chia phòng ốc và xếp đặt nội thất. Càng nhiều vách ngăn đặc cứng thì càng gây cản gió, tạo nhiều bề mặt tích nhiệt và tỏa nhiệt. Vì thế, phong cách nội thất đơn giản (như phong cách tối thiểu - minimalism) cộng với sử dụng vật liệu thân thiện môi trường hoặc phong cách retro - cottage (quay về sự mộc mạc, dân dã) hiện đang rất được chuộng. Nó góp phần tạo thành những khoảng trống có nghĩa và tinh khiết hơn, để không chỉ khướu giác mà cả thị giác nữa cũng được giảm bớt ngột ngạt, bức bí.
Phù hợp khí hậu và tập quán
Cần lưu ý, dù cây xanh có khả năng lọc bụi nhưng đồng thời cây xanh cũng cản gió và lưu giữ bụi trên bề mặt. Tính chất quang hợp của cây khiến ban đêm nhiều nhà trở nên “ngộp thở” vì thiếu dưỡng khí nếu bị cây vây bọc kín mít, chưa kể những loại cây hoa tỏa mùi không phải ai cũng chịu được. Việc dùng nhiều vật liệu có tính tụ ẩm và mềm như thảm, rèm, nệm... cũng khiến nhà ở vùng nhiệt đới không khô ráo và nặng mùi hơn so với các nhà vùng ôn đới, hàn đới.
Để nhà dễ thở2
Giếng trời, sân sau khi được bố trí đúng sẽ trở thành buồng phổi hô hấp hữu hiệu cho nhà phố dễ thở hơn Ảnh: Song Nguyên
Chẳng phải vô cớ mà bộ ván ngựa mát rượi hay chiếc chõng tre trải tấm chiếu manh thật thưa thoáng luôn được cư dân Việt gốc nông thôn ưa chuộng hơn dùng salon bọc da bọc vải bố hoặc giường cầu kỳ phủ chăn nệm dày cộp. Tạo ra “ngôi nhà dễ thở” là biện pháp phong thủy mang tính chi tiết, từ việc chọn địa điểm xây dựng đến quá trình chắt lọc các vật liệu, kết cấu, vật dụng… sao cho hợp với điều kiện khí hậu và tập quán sử dụng.
Các "lớp đệm" giúp ngôi nhà Việt truyền thống có bộ lọc khí hậu tốt, giảm bớt tác động xấu từ bên ngoài vào nội thất. Trong nhà hiện đại, dù diện tích eo hẹp cũng không nên lấn át hoặc thiếu vắng các không gian đệm này mà ngược lại, cần đảm bảo mọi phòng ốc trong nhà đều có những khoảng đệm như ban công, logia, hàng hiên, giếng trời, hoặc ít nhất là dạng bệ cửa sổ có mái che để lấy nắng gió và tránh mưa tạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.