Mẹ Việt 'trị' con ngang bướng - Kỳ 3: Một người 'đấm' một người 'xoa'

31/07/2018 21:08 GMT+7

Nếu hà khắc sẽ khiến bọn trẻ tổn thương nên tôi quyết định phân vai cho chồng và mình, hễ người này nghiêm khắc thì người kia dịu dàng, chia sẻ để con không bị sốc tâm lý.

Tôi không dùng đòn roi để dạy con. Bạn sẽ thấy thật an ủi khi chứng kiến con mình tự hào khoe khoang khắp xóm rằng "mẹ không bao giờ đánh anh em con, mẹ chỉ nhắc nhở không hà!". Các bé biết vậy nhưng có bao giờ ngoan ngoãn cho mẹ nhờ đâu. Đứa lớn là con trai, 9 tuổi còn bé gái nhỏ 5 tuổi luôn hợp lực để chống đối mẹ.

Các bé có kỹ năng xã hội khá tốt, thích học, thích giao tiếp với bạn bè và rất lễ phép. Đổi lại, cả hai cực kỳ quậy và bướng. Trước đây khi mới có đứa đầu lòng, tôi còn dễ xử lý. Bây giờ hai đứa hợp lực để đòi hỏi nên mỗi một lần có chuyện là tôi muốn nổ tung đầu óc vì không biết làm thế nào.

Nếu mẹ biết mềm mỏng dạy con, con sẽ ngoan hơn và biết việc gì được làm, việc gì không nên ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Hai đứa đi học về là bày biện đồ chơi khắp nhà, chạy giỡn ầm ầm mặc kệ ba mẹ. Có hôm leo lên ghế cao, mẹ vừa đem dẹp ghế thì 5 phút sau đã nghe tiếng khóc vì hai đứa nhảy từ trên giường, đập đầu xuống nền nhà. Những ngày cuối tuần, ít nhiều gì hai anh em cũng lén mẹ vào nhà tắm để bày thau, bày xà bông ra giặt đồ. Có ngày, nguyên hộp xà bông bị rải khắp nhà tắm, người em Bi dính đầy bọt ngồi giữa thau quần áo, còn anh Bon thì vừa cười vừa xối nước cho em. Việc nhà việc công ty đã đủ mệt, thêm phải chịu đựng hai đứa nhóc siêu quậy, nhiều lúc tôi chỉ ước có 24 giờ yên ổn để ngủ một giấc ngon lành.

Chưa kể, cứ mỗi lần muốn mua món đồ chơi gì là tụi nhỏ lại bàn nhau. Hôm thằng anh muốn có bộ xe đua nên bày trò để em đòi mẹ. Tôi nghe được bé dỗ em: "Bi ơi tối nay Bi xin mẹ mua bộ xe đua nhiều màu hôm bữa ở chợ đó nhớ hông, chơi vui lắm. Mẹ mua rồi hai anh em mình đua coi ai thắng ha". Con em lo lắng: "Mẹ không cho đâu hai". "Bi khóc đòi rồi hai khóc theo là mẹ cho à". Kịch bản sau đó là hai đứa năn nỉ mẹ và ba. Thấy không được đáp ứng, con em nằm ăn vạ còn thằng anh thì vừa dỗ em vừa mếu: "Lâu rồi không có đồ chơi mới cho em, mẹ không thương em, không thương con ha mẹ". Xong rồi hai đứa ôm nhau khóc như tủi thân lắm.

Tôi không đồng ý mua xe nên sáng hôm sau hai anh em "đình công" bằng cách không chịu ăn, không chịu đi học. Chuyện phản kháng như vậy là thường xuyên. Sai lầm ở chỗ, có một lần ba nó đã đồng ý đáp ứng "yêu sách" nên từ đó trở đi, chuyện hăm dọa bỏ ăn, bỏ học cứ diễn ra. Có lúc, đứa lớn còn dọa "con với em sẽ bỏ... chơi!". Tôi nghĩ mình phải biết điều trong ứng xử với tụi nhỏ vì các con phản kháng nhưng khá ôn hoà, rất hiếm khi bé tỏ thái độ hung dữ, đập phá hoặc tự làm đau mình như các trẻ khác. Tôi dùng mọi cách trò chuyện, chia sẻ và phân tích cho con hiểu nhưng lúc có tác dụng, lúc thì không.

Tôi nghĩ nếu cứ tiếp tục như vậy là không ổn và giải pháp được đưa ra. Ba và mẹ sẽ luân phiên người "đấm", người "xoa". Trước một đòi hỏi vô lí của hai đứa con, nếu người này tỏ thái độ kiên quyết, lạnh lùng và thậm chí hăm dọa, cấm đoán thì người kia sẽ thủ thỉ với các bé, bày cách để các con giải quyết tình huống trong giới hạn cho phép.

Khi hai đứa chơi xong rồi không dọn dẹp đồ chơi, tôi nghiêm mặt, lớn tiếng: "Nếu 10 phút nữa hai đứa không đem cất gọn gàng, mẹ hốt hết bỏ thùng rác". Lúc đó ba nó chen vào: "Đem dẹp đi con, không mẹ giận. Ba phụ gom lại cho, nhanh". Hai đứa răm rắp làm theo ba. Lần khác đi siêu thị, Bon đòi mua bộ đồ chơi máy bay. Ba nó kiên quyết không mua vì Bon vừa được tặng đồ chơi dịp sinh nhật. Mặt Bon như mếu, dọa ba mẹ: "Không mua thì con không về". Ngay lập tức ba tuyên bố: "Con không về thì con ở đây luôn đi, chào con".

Tôi nói con xin lỗi ba nhưng bé khóc và ngồi bệt xuống không chịu dậy. Cả nhà tính tiền xong đi thẳng ra xe, trừ Bon. Xe chuẩn bị nổ máy thì Bon mới chịu chạy ra và khóc. Ba nó lại chỉ tay vào siêu thị: "Con vào đó ngay, con nói không về nhà thì vào đó ngay". Tôi nói con xin lỗi ba và giải thích nếu con còn đòi hỏi vô lí, từ nay về sau ba không mua cho con món gì nữa thì con sẽ thiệt thòi. Cuối cùng, bé cũng chịu xin lỗi ba và lên xe về nhà.

Hiệu quả của cách này là ngoài sức tưởng tượng của tôi, hai đứa ngoan hơn và biết việc gì được làm, việc gì không nên. Tôi nghĩ cần phải duy trì sự cương quyết trong ứng xử để hai con hiểu là chúng cũng cần phải tôn trọng quyết định của người lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.