Mẹ Việt ‘trị’ con ngang bướng - Kỳ 2: Mẹ đơn thân dùng kỷ luật ‘thép’

Thanh Thùy
Thanh Thùy
30/07/2018 09:35 GMT+7

Khi rèn con vào khuôn khổ, bé bày đủ trò để phản kháng mẹ đến độ tôi muốn gục ngã vì xót con.

Làm mẹ đơn thân ở Sài Gòn, dù được mẹ đẻ vào chăm cháu giúp nhưng tôi vẫn phải đối diện với những áp lực và khó khăn gấp nhiều lần so với các bà mẹ khác. Nhiều khi tôi thấy mình bất lực vì sự ngang bướng của con. Từ  nhỏ, bé muốn đòi món đồ chơi hoặc đồ ăn mà không có ngay là bé la hét rồi nằm lăn lóc dưới nền nhà. Nếu không được dỗ dành, bé chạy đi đập đầu, đập tay vào tường. Có bà ngoại giúp trông, tôi khá yên tâm nhưng khổ nỗi bà quá chiều chuộng cháu. Dường như chưa bao giờ tôi thấy bà nói “không” khi cháu đòi hỏi vô lí. Thậm chí, những lúc tôi nổi giận với bé còn bị bà quát lại. Bà nói, trẻ con thì không biết gì, la mắng chỉ khiến chúng tổn thương.

Sự chiều chuộng thái quá của ông bà sẽ dễ khiến trẻ ỷ lại ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Dần dà, sự ương bướng của con bé ngày càng tăng theo độ tuổi. Bé sẵn sàng la hét và đập phá đồ đạc nếu bà và mẹ không chiều. Thậm chí, bé còn đánh lại người lớn. Bà ngoại thì ra sức dỗ dành bằng đồ chơi, bằng cách cho xem điện thoại, bật tivi mọi lúc. Tôi nhận thấy, nếu cứ chiều chuộng bé thì sự ngang bướng của con sẽ không có điểm dừng. Tôi quyết bỏ công việc ở một cơ quan nhà nước, ra mở một cửa hàng tự kinh doanh để chủ động được thời gian ở bên con. Con 5 tuổi, ngoại không ở cùng nữa cũng là lúc tôi bắt đầu rèn con vào nề nếp.

Phải nói, đây là khoảng thời gian cực kỳ khủng hoảng đối với hai mẹ con. Từ trạng thái đòi gì được nấy, giờ con phải chịu sự gò ép vào khuôn phép. Tôi cấm bé tiếp xúc với điện thoại, cả tuần con được xem ti vi 2 buổi tối (mỗi buổi 30 phút vào thứ 5 và chủ nhật), việc ăn mặc và vui chơi đều có quy tắc riêng. Đúng là tôi không thể hình dung được, con gái bày đủ trò để phản kháng mẹ đến độ có lúc tôi muốn gục ngã vì xót con.

Tôi hứa mỗi tháng bé sẽ được mẹ đưa đi sắm 1 bộ quần áo mới và 1 quyển sách bé thích. Đổi lại, bé phải tự gấp quần áo hàng ngày, để gọn gàng trong tủ của mình. Tất cả đồ chơi phải để đúng nơi mẹ đã dành sẵn. Tôi chừa một sọt riêng cho con để quần áo, khăn dơ. Nếu con vứt lung tung dù chỉ 1 lần thì 3 tháng liên tiếp không được mua bất cứ món gì hết.

Tất nhiên là bé phản kháng dữ dội. Nhiều lúc tắm xong con cương quyết không mặc quần áo mà mẹ chọn. Bé đi lục tung hết cả tủ rồi quay sang vừa khóc vừa hét: “Mẹ đi mua đồ mới đi!”. Tôi nói với con: “Để mẹ đem đồ bỏ hết ngoài thùng rác giúp cho. Mẹ không đủ tiền để mua món mới!”. Nói rồi tôi gom đồ cho vào túi và từ từ bước ra khỏi phòng. Tôi làm thật chậm để cho bé thời gian suy nghĩ lại. Khi cái chân phải tôi đặt ra khỏi cửa, bé khóc thật to và đòi mẹ trả đồ. Tôi đồng ý trả nếu bé chịu mặc đồ và gấp lại gọn gàng. Tôi giúp con mặc xong thì con quay lại gom hết quần áo đem bỏ vào sọt đồ dơ rồi lấy nước xối lên. Tất cả đồ sạch trở thành đồ dơ. Bé làm vậy hết lần này đến lần khác, có lúc lôi cả đồ áo của mẹ đi luôn nhưng tôi vẫn phải hành xử mười lần như một.

Đến bữa ăn mới thật kinh khủng, tôi giao kèo chỉ thứ bảy bé mới được ăn món mình thích, các ngày khác mẹ sẽ nấu theo ý mẹ để đảm bảo đủ chất và đa dạng món. Bé chỉ thích một số món và cực kỳ ghét ăn rau nên đến bữa, bé thấy không có món quen thuộc là lập tức khóc rồi múc cơm và thức ăn thảy khắp bàn. Bé đập bàn đòi mẹ “dẹp hết đi”, không thấy mẹ thay đổi thì đưa tay vào họng tự móc cho ói. Tôi không thể la hét vì sợ bé sẽ phản kháng dữ dội hơn. Tôi càng không thể chạy lại ôm con và dỗ dành như bà ngoại hay làm. Tôi lạnh lùng lau bàn ăn cho sạch rồi nói: “Con phải ăn món này món kia để đủ chất, để khỏe. Nếu con không ăn thì con nhịn, mẹ ăn cho”.

Những lần đầu, bé quậy xong tuyệt nhiên không ăn một tí nào, bé ngồi mãi nơi bàn ăn không chịu xuống và cứ khóc hức hức gần 2 tiếng đồng hồ. Có những buổi ăn tối, bé múc được vài muỗng cơm thì lại trào nước mắt rồi khóc, rồi ói. Có ngày, tôi nói bé uống thêm sữa để khỏi đói (vì bé không ăn miếng nào hết) nhưng bé vẫn dỗi mẹ, không đụng tới sữa, bánh và bỏ luôn nước trái cây. Nhưng bù lại, cuối tuần bé được mẹ nấu cho những món mình thích, dù bị mẹ bắt ăn có chừng mực nhưng có vẻ bé hợp tác hơn. Rèn con ăn, chỉ trong 1 tháng con sụt mất 3kg. Tôi nhìn mà chỉ biết nuốt nước mắt.

Thật lòng khi đã làm mẹ, chỉ cần thấy con thoáng buồn là đã thắt tim gan rồi nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi đã phải mang 20 món đồ chơi của con mình tặng bé kế bên nhà, hết ¾ tủ đồ chơi của con. Lí do rất đơn giản, con gái chơi xong không dọn dẹp gọn gàng thì mẹ sẽ mang tặng bạn khác. Ban đầu bé biết mẹ mang đi tặng rồi nhưng vẫn nói: "Mai mốt mẹ đi mua lại cho con". Đến khi mất món thứ 21 là con cá heo bông mà bé rất thích, bé đòi mẹ đưa sang nhà bạn để đòi lại. Tôi nói: “Con đi một mình, mẹ đã tặng rồi mà đi đòi lại mẹ thấy xấu hổ lắm”. Bé khóc rất nhiều, không dám kể lể trách mẹ mà chỉ nhờ mẹ đưa sang nhà bạn “để con ngắm thôi cũng được!”. Tôi tuyệt nhiên không mua lại bất cứ món nào giống như vậy để bé hiểu rằng không biết trân trọng thì sẽ phải trả giá.

Tôi không biết mình có ép con quá không nhưng tôi thấy dần dần bé cũng ý thức được. Giờ đây bé đỡ hung dữ hơn, ăn được rau, ăn được nhiều món khác nhau, mọi sinh hoạt đã ổn hơn rất nhiều dù bé vẫn còn tủi thân và hay khóc. Tôi tin người mẹ nào đủ kiên nhẫn rồi cũng sẽ uốn nắn được con mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.