Mẹ Việt ‘trị’ con ngang bướng - Kỳ 1: Ân hận vì ‘thương cho roi cho vọt’

29/07/2018 13:33 GMT+7

Một thời gian dài tôi dùng roi để dạy con. Bé ngoan hơn nhưng tôi giật mình khi nhận ra khoảng cách mẹ - con ngày càng lớn và bé hay xin đến ngủ nhà bạn vì “ở bển, cô Tuyết không đánh con bao giờ!”.

Truyền thống dạy con hai bên gia đình nội – ngoại đều không dùng đòn roi. Lúc con còn nhỏ, tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ đánh con mà thay vào đó là trò chuyện, chỉ bảo. Thế nhưng, sự bướng bỉnh của con bé khiến tôi không chịu đựng được nữa. Càng lớn, con càng nghĩ ba mẹ phải có trách nhiệm phục tùng mọi yêu cầu của con. Mỗi một tình huống xảy ra, con được mẹ trao đổi, con hứa hẹn để rồi sau đó quên ngay.

Đòn roi có thể khiến bé ngoan ngoãn nhưng cũng có thể gây tổn thương cho bé ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Đến lúc đi học, con tôi không thay đổi được bao nhiêu. Bé hơi lười so với bạn bè và không thích làm bài tập về nhà. Lên lớp, chuyện khóc lóc ăn vạ khi bị cô nhắc nhở là chuyện “thường ngày ở huyện”. Khi cô giáo lớn tiếng một chút là bé xé tập ngay. Lục tìm sách báo, học hỏi kinh nghiệm của các mẹ khác và kinh nghiệm của ông bà, tôi áp dụng nhưng cũng vô dụng. Bé gái của tôi không bao giờ từ bỏ những đòi hỏi vô lí. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện “thương cho roi cho vọt” để bé sợ mà ngoan ngoãn.

Đỉnh điểm của cảm xúc đẩy tôi đến quyết định phải cứng rắn là một lần cho bé đi tiệc tại nhà người bạn. Ở đó, chủ nhà đã chuẩn bị sẵn một bàn cho trẻ con với rất nhiều món phù hợp, không cay. Con gái tôi được 8 tuổi, thuộc nhóm lớn nhất trong 9 bé và cũng là người khóc lóc, mè nheo mẹ nhất. Con không chịu ngồi cùng các bạn mà muốn ngồi trong mâm của người lớn. Tôi có giải thích thức ăn bên này nhiều món cay, tái sống con không ăn được nhưng bé khóc và nhất quyết qua ngồi cùng mẹ. Tôi đồng ý và lấy tô mang đồ ăn từ bàn kia qua cho con. Nhưng bé vẫn không chịu và đòi ăn lẩu bên này. Món lẩu rất cay, tôi không cho ăn nên bé phản ứng bằng cách hất bỏ thức ăn đi và khóc thét. Vì sợ phiền mọi người thêm nữa, tôi dỗ con và cho con nếm thử một tí để con biết. Nếm xong cay quá, bé lại khóc và đập bàn la lớn: “Mẹ ác với con! Cay quá rồi, mẹ không thương con”. Bữa tiệc vui vẻ bị con phá hỏng. Tôi nhận ra, bé sẵn sàng quậy trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Về nhà, tôi bắt bé nằm cúi, úp mặt xuống giường, vừa nói vừa lấy cây thước (dùng để may quần áo) vụt 3 roi thật đau vào mông con với thái độ cứng rắn. Tôi lạnh lùng thông báo, từ nay nếu con còn đòi hỏi vô lý và không nghe người lớn thì sẽ ăn roi. Con bé giãy lên, quăng hết đồ đạc ra khỏi giường và khóc rất nhiều. Tôi không dỗ dành, tôi nói: “Hoặc là con lụm đồ lên rồi rửa mặt đi ngủ hoặc là mẹ sẽ đánh đến khi nào con bỏ cái tật xấu này!”. Con bé bị sốc vì trước giờ ba mẹ không đánh. Ba bé có ý can ngăn nhưng sợ bé sẽ ỷ lại nên chỉ ngồi nhắc bé xin lỗi mẹ rồi dẹp đồ đi ngủ. Bé nằm khóc hơn 30 phút rồi mòn mỏi ngủ mất. Tôi cố gắng ôm ấp con để con đỡ tủi thân. Tôi sợ nhất con hụt hẫng rồi dẫn đến trầm cảm nhưng phải khiến con sợ thì mới dạy được.

Từ lúc đó, tôi không bao giờ chiều chuộng bé. Tất cả mọi thứ phải được làm theo nguyên tắc, điều gì hợp lý thì sẽ được đáp ứng, điều phi lý thì hoặc bé từ bỏ hoặc bé quậy và bị ăn roi. Hai năm trôi đi, con bé ngày càng ngoan ngoãn, nghiêm túc trong mọi thứ. Những trận đòn thưa dần nhưng đôi lúc tôi thấy bé quá sợ hãi, làm điều gì cũng hỏi ý mẹ. Tôi chợt giật mình khi nhận ra những lần bé chủ động trò chuyện, tâm tình với mẹ đã trở nên hiếm hoi. Hai mẹ con ngày càng xa cách. Tất cả mọi cuộc nói chuyện chỉ là hỏi ý mẹ có chịu hay không. Vào các ngày cuối tuần, bé hay xin phép mẹ qua nhà bạn Hải My chơi. Có ngày, bé xin mẹ ngủ trưa ở nhà bạn.

Một ngày, con gái thủ thỉ với tôi: “Mẹ ơi, tối cho con qua ngủ với bạn Hải My nghe mẹ?”. Tôi hơi ngạc nhiên và muốn biết lí do. Bé hồn nhiên nói: “Tại con thấy vui á mẹ. Ở bển, cô Tuyết (mẹ Hải My - NV) không đánh con bao giờ nên con không có sợ á mẹ”. Tôi đã cố giấu nước mắt và hứa một ngày nào cô Tuyết không bận thì cho con qua. Tôi nghe nỗi ân hận tràn ngập lòng mình. Có lẽ tôi sẽ tìm cách khác để dạy con. Tôi không muốn mỗi lần đánh con, tôi đã khóc rồi để sau đó, tôi lại khóc thêm lần nữa vì tâm hồn non nớt của con mình bị tổn thương…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.