Mẹ Việt ở Nairobi cùng 3 con vượt khó khi bị 'ngăn cách' với chồng 4 tháng

11/07/2021 19:36 GMT+7

Gia đình ở hai nơi đều bị phong tỏa, bốn mẹ con tôi tuân thủ quy định phòng dịch đồng thời xếp lại lịch sinh hoạt để các con không bị lỡ nhịp. Ba tụi nhỏ vẫn gọi về động viên cùng vượt qua khó khăn do Covid-19 .

Khi chính phủ Kenya phát lệnh phong tỏa toàn quốc lần đầu để ngăn dịch Covid-19 vào ngày 13.3.2020, tôi và ba con đang ở Nairobi trong khi Andrea - chồng tôi - đang làm việc ở Sudan theo một dự án phi chính phủ.
Chúng tôi chỉ mới chia tay nhau được vài hôm, sau khi Andrea sang Kenya thăm và ở lại với mẹ con tôi 1 tuần. Ngày Andrea quay trở lại Sudan cũng là ngày chính phủ nước này phát lệnh phong tỏa sau 2 ca tử vong vì Covid đầu tiên.

An tâm với lương khô, vẫn được đi siêu thị

Các quy định phong tỏa ngăn dịch Covid-19 được Tổng thống Kenya đọc trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình. Một trong những điểm chính là đình chỉ việc nhập cảnh vào Kenya với mọi đối tượng đến từ các vùng có trường hợp lây nhiễm.
Chỉ công dân Kenya và người nước ngoài có giấy phép cư trú hợp lệ được nhập cảnh, với điều kiện tự cách ly hoặc cách ly tại những địa điểm do chính phủ chỉ định. Quy định này có hiệu lực trong 30 ngày và sẽ được tiếp tục cân nhắc theo quyết định của Ủy ban Ứng phó khẩn cấp quốc gia.

Kho lương thực đủ dùng cho 4 mẹ con ở Nairobi chủ yếu là đồ khô. Rau củ tươi được mua tại cửa hàng nhỏ gần nhà hoặc siêu thị, thanh toán bằng ví điện tử M-pesa

Hảo Phạm Fiori

Kenya cũng đóng cửa mọi cơ sở giáo dục. Để quá trình này được diễn ra phù hợp, trường học các cấp phải đình chỉ hoạt động ngay lập tức, trong khi đại học và các trường nội trú có thêm 2 ngày để "giải tỏa" sinh viên. Trường Pháp, nơi các con tôi đang theo học, cũng như các trường quốc tế ở Kenya phải đình chỉ hoạt động ngay từ ngày hôm sau.
Trong khi đó, các văn phòng chính phủ, thương mại và các công ty được khuyến cáo cho nhân viên làm việc tại nhà, trừ những trường hợp bất khả kháng hoặc dịch vụ đặc biệt.
Chính phủ cũng khuyến khích người dân chuyển sang thực hiện giao dịch bằng hình thức "cashless" (không dùng tiền mặt) như ví điện tử và thẻ tín dụng. Ở Kenya, dịch vụ thanh toán tiền điện tử M-pesa do công ty truyền thông Safaricom rất phổ biến. Hầu như ai cũng dùng dịch vụ này để trả tiền cho mọi thứ, từ tiền điện nước tới đi chợ, mua hàng, kể cả khi mua tại các cửa hàng nhỏ lẻ lề đường hay cho dịch vụ tư nhân như đánh giày, cắt tóc. Để có tài khoản M-pesa, bạn phải có sim điện thoại của hãng Safaricom và đăng ký tài khoản M-pesa thông qua số điện thoại này. Bạn có thể nạp tiền vào tài khoản M-pesa tại bất kỳ đại lý nào hoặc nạp trực tuyến từ tài khoản ngân hàng bằng hình thức e-banking. Có thể nói thanh toán bằng M-pesa rất thuận tiện nên trong thời gian sống ở Kenya, hiếm khi tôi khi ra ngoài đường với tiền mặt trong túi mà chỉ mang theo chiếc điện thoại.
Ngoài các quy định trên, chính phủ cũng khuyến nghị người dân không tụ tập đông người tại các địa điểm cầu nguyện, bến xe, nơi công cộng.
Cũng như nhiều nước đã áp lệnh phong tỏa từ trước đó như Mỹ, Úc hay châu Âu, trong những ngày đầu, người Kenya đổ xô đến siêu thị để mua đồ tích trữ. Andrea đã dự trù được thời điểm này nên trước khi về Sudan, anh chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm trong kho cho mẹ con tôi đủ dùng trong 2 tuần.
Tuy nhiên, tôi không quá lo lắng khi chính phủ khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực. Kể cả Carrefour, chuỗi siêu thị Pháp lớn nhất Kenya, cũng cam kết không tăng giá và cung cấp đủ mọi mặt hàng nên tôi tránh không đi chợ vào những ngày đầu của quãng thời gian phong tỏa.

Một bức tranh phấn màu của con gái Baba trên nền đất với thông điệp bằng tiếng Ý, có nghĩa: MỌI VIỆC SẼ TỐT ĐẸP. Đây là khẩu hiệu được sử dụng rộng rãi ở Ý trong giai đoạn nước này bị phong tỏa lần đầu tiên do đại dịch nhằm động viên và khích lệ tinh thần của người dân

Hảo Phạm Fiori

Vào những ngày sau đó, tôi chọn cách đi siêu thị vào buổi sáng sớm để tránh đông người. Tôi không đi chợ bình dân nữa để tránh tiếp xúc với nhiều người mà chỉ đi siêu thị, nơi người ta yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt và phát găng tay cho mọi khách hàng.

Sắp xếp lịch sinh hoạt để thích nghi

Trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc các con tôi phải chuyển sang hình thức học online. Qua cô giáo chủ nhiệm của con gái Baba, tôi may mắn được giới thiệu tới một người Congo rất giỏi trong việc kèm học sinh tiểu học. Tôi nhờ gia sư đến nhà kèm các con tôi mỗi ngày, đồng thời giúp các bé trau dồi thêm tiếng Pháp. Đây là giải pháp vô cùng hữu ích vì tôi không biết tiếng Pháp nên không thể giúp các con học và hiểu bài. Tôi nghĩ nếu không có sự giúp đỡ của cô gia sư, các con tôi khó có thể kết thúc năm học ở Kenya một cách hiệu quả.
Riêng bé út BiBo lúc ấy mới 3 tuổi, lại chưa biết tiếng Pháp nên gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. Bé không thích tham gia các buổi học trên Zoom nên tôi không tạo áp lực mà để bé theo dõi buổi học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tôi cho bé chơi ngoài trời nhiều nhất có thể, nghe các bài hát và hoạt hình bằng tiếng Pháp để bé quen với tiếng Pháp.

Các bạn nhỏ vẽ tranh phấn màu trong vườn nhà tôi. Đây cũng là 1 trò chơi mà các con rất thích, vừa rẻ tiền vừa "tốn" thời gian chỉ với phấn màu và băng dính giấy để vẽ nên các bức tranh mosaic bằng phấn màu rất sinh động

Hảo Phạm Fiori

Vì chỉ có một mình với ba con, tôi phân chia lại mọi hoạt động ăn, chơi, học, ngủ cho khoa học và tự bảo vệ sức khỏe bằng cách dậy sớm tập thể dục mỗi ngày để tăng cường thể chất. Mẹ con tôi cũng chủ động thường xuyên uống nước chanh gừng xả để tránh cảm cúm, luôn rửa tay sát khuẩn và tránh đến chỗ đông người.
Hai tuần sau khi phát lệnh phong tỏa, chính phủ ban tiếp lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng. Quyết định này không quá ảnh hưởng tới cuộc sống của mẹ con tôi ở Kenya do chúng tôi đã quen với các quy định về an toàn như không ra ngoài khi trời tối (thủ đô Nairobi có nhiều tội phạm và rất hay xảy ra tình trạng cướp giật), nhưng với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ thì không thích lắm.

Các bạn nhỏ chơi đùa trong những ngày phong tỏa tại Kenya. Một trong những trò chơi ưa thích là gấp và trang trí máy bay giấy rồi thi ném máy bay. Trong hình có cả 'máy bay Việt Nam'.

Hảo Phạm Fiori

Trong khi ấy, Andrea cũng phải thực hiện lệnh phong tỏa ở thủ đô Khartoum, Sudan, nơi anh đang sống và làm việc. Nước này đóng cửa biên giới và cấm nhập cảnh với công dân các nước như Trung Quốc, Iran, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Ai Cập - nơi có số ca lây nhiễm đang tăng mạnh ở thời điểm đó.
Andrea là công dân Ý, nhưng may mắn được nhập cảnh vào Sudan với lý do là trưởng dự án của tổ chức y tế đang hoạt động tại đây. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng từ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.
Hằng ngày, chúng tôi gọi điện thoại cho nhau để thông báo tình hình giới nghiêm ở mỗi nước và động viên nhau cùng cố gắng kiên nhẫn chờ tới ngày đoàn viên.

Andrea (áo trắng) tiếp thành viên Hội đồng chính phủ tại một bệnh viện ở Khartoum, nơi tổ chức mà anh đang làm việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân

ẢNH: NVCC

Lệnh phong tỏa ở hai nước liên tục được gia hạn cho tới khi Andrea trở về được với mẹ con tôi, 4 tháng sau đó. Để sang được Kenya, anh phải có giấy phép đặc biệt để có một chỗ trên chuyến bay cứu trợ của Liên Hiệp Quốc "giải cứu" các nhân viên nước ngoài bị mắc kẹt tại đây. Máy bay dừng tại Addis Ababa, Ethiopia, nơi những người được giải cứu tiếp tục nối chuyến để bay tới nơi cần đến. Sau 2 tuần cách ly nữa, cuối cùng Andrea cũng được ôm trọn mẹ con tôi vào lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.