Mẹ đơn thân 20 năm miệt mài 'tập đi' cùng cô con gái thủ khoa

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
24/09/2020 13:09 GMT+7

Con gái bị khuyết tật vận động từ nhỏ, bà Trang luôn động viên, cùng con gái tập đi suốt hơn 20 năm qua và một mình đồng hành cùng con trong hành trình trưởng thành. Không phụ lòng mẹ, Phương Hạ học rất giỏi và từng là thủ khoa đầu vào bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM.

Căn nhà nhỏ ở trong hẻm từng có nhiều tiếng cười nói ở trên đường Trần Quốc Toản (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) yên tĩnh hơn vì chỉ còn bà Lê Thị Đài Trang (53 tuổi) và con gái là Lê Hồng Phương Hạ (24 tuổi) sinh sống.
Phương Hạ từ khi sinh ra đã khuyết tật bẩm sinh, khó khăn trong vận động phải có sự hỗ trợ của 2 cây gậy 4 nhánh khi di chuyển. Trái với điều mọi người thường nghĩ về một người khuyết tật, Phương Hạ rất hay cười, ai gặp cũng khen Hạ xinh đẹp, chăm chỉ lại luôn là học sinh giỏi thời đi học.

Cùng con tập đi suốt đời

Bà Trang kể lại lúc sinh Hạ được 6 tháng, Hạ vẫn phải được đỡ cổ, chưa lật được như những đứa trẻ bình thường khác. Lo lắng, bà Trang đưa Hạ đi kiểm tra dinh dưỡng nhưng không có tiến triển. Sau đó bà đưa Hạ đến bệnh viện siêu âm. Kết quả Hạ bị tổn thương giãn não thất trái, theo dõi bại não và đưa xuống phòng tập vật lý trị liệu.
Ngoài tập vật lý trị liệu, bà Trang còn chạy chữa thuốc thang khắp nơi cho con. Đến năm 4 tuổi, bà đưa Hạ ra Hà Nội và được bác sĩ tư vấn phải tập vật lý trị liệu. “Lúc nhỏ nó yếu lắm, khóc hoài, gầy nữa tôi cũng buồn lắm nhưng vì thương con nên cũng ráng tập cho con”, bà Trang nhớ lại.

Hạ đứng lên khá khó khăn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đến năm 6 - 7 tuổi, Hạ bắt đầu đi được bằng khung chữ U. Năm Hạ học lớp 1, bà Trang vẫn phải bế Hạ vào lớp học hàng ngày. Chăm chỉ tập luyện, một thời gian sau Hạ chuyển sang sử dụng gậy 4 chân. Một thời gian cô tập để sử dụng một 1 gậy thay vì 2 gậy nhưng lại không thể đứng được vì mất thăng bằng nên phải quay lại sử dụng 2 gậy.
Đến năm 22 tuổi, bà Trang mua cho Hạ một chiếc xe ba bánh để tự di chuyển đến trường đại học. Hiện tại, Hạ đã có thể sử dụng gậy 4 chân để để đi một đoạn ngắn. Nếu đi một mình bằng gậy, Hạ đi rất chậm, đi bộ 200m mất từ 10 - 15 phút.

Bà Trang học tập vật lý trị liệu ở các phòng khám bệnh viện rồi về tập lại cho Hạ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Con đứng dậy nhé, rồi khụy chân xuống, bước tới đi con…” Đó là bài tập vật lý trị liệu mà Hạ tập cùng mẹ hơn 20 năm qua với mong muốn có thể đi đứng như người bình thường. Bà Trang nắm chặt tay Hạ, đôi khi buông lỏng để cô gái tự đi nhưng ánh mắt lo lắng dõi theo, đôi tay để ở không trung sẵn sàng đỡ Hạ bất kỳ lúc nào nếu con gái ngã xuống.

Sau thời gian kiên trì tập luyện Hạ đã có thể đi 1 đoạn ngắn bằng 1 gậy

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Trang bộc bạch không bao giờ xem Hạ là người khuyết tật mà luôn dạy dỗ, chăm sóc con như một đứa trẻ bình thường. “Tôi tập vật lý trị liệu cho Hạ suốt nhiều năm qua không phải là để mong muốn con có thể đi lại như người bình thường mà chỉ mong muốn sức khỏe của con tốt hơn so với việc không luyện tập, việc tập đi là việc cả đời”, bà Trang bộc bạch.

“Mẹ là người quan trọng nhất”

Bà Trang là giáo viên tại trường Tiểu học Lê Thị Vân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Năm Hạ lên lớp 3, ba mẹ Hạ ly hôn. Từ đó, bà Trang một mình ở bên cạnh Hạ từ lúc chị học tiểu học đến nay. May mắn được các thầy cô ở trường tạo điều kiện, bà Trang sắp xếp tiết dạy để trống thời gian buổi sáng và rảnh thời gian buổi chiều để đưa đón Hạ.
Năm 2014, Hạ thi đậu vào Ngành Hệ thống thông tin (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM). Đến giữa năm 3 đại học, cô gái bỏ ngang việc học để ôn thi lại vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Hạ rất giống mẹ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trước quyết định của con gái, bà Trang ủng hộ và nói với con: “Đến năm 30 tuổi ba mới biết là ba cưới nhầm mẹ thì con mới hai mươi mấy thì con sợ gì sai lầm mà không sửa chữa”.
Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi để ôn thi lại, bà Trang lại tiếp tục đưa đón Hạ đến các lớp học ôn. Hạ kể lại, những buổi chị học thêm toán để ôn thi đại học lần đầu tiên, bà Trang sẽ đến quảng trường gần chỗ chị học để ngủ trong khoảng thời gian chị học từ 19 giờ đến 21 giờ 30. Buổi tối trời lạnh, có người nghĩ bà Trang là người vô gia cư.
Ngày Hạ thi đại học, bà Trang từng cõng Hạ đi hết mấy tầng lầu để kiếm nhà vệ sinh vì trường cấp 3 không có thang máy lại lạ trường. Cứ như vậy, năm này qua năm khác bà Trang luôn đèo Hạ đằng sau xe để đưa cô đi chữa bệnh, đi học, đi thi...

Bà Trang cùng Hạ đi du lịch ở nhiều nơi

Ảnh: NVCC

“Lúc tôi còn nhỏ, có lần mẹ chở tôi bằng xe đạp lên một phòng khám trên Đường 3/2 (Q.10, TP.HCM) để tập vật lý trị liệu. Mẹ may một túi vải lớn buộc tôi sau lưng để khi tôi ngủ không bị rơi vì quãng đường về nhà rất dài”, Hạ tâm sự.

Bà Trang luôn bên cạnh đỡ Hạ vì chị không thể đứng thăng bằng nếu không có gậy 4 chân

Ảnh: NVCC

Hạ từng là thủ khoa đầu vào bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM năm 2017. Hiện tại Phương Hạ đang làm công việc dịch sách và có một số sách đã xuất bản như: Chuyện người Tây ở Xứ Ta (đồng biên soạn, tham gia dịch thuật), Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới,...
Cuộc sống dần ổn định hơn, Hạ đã có thể tự đi một mình và thường xuyên cùng mẹ đi du lịch nhiều nơi. Bất kể hai mẹ con đi du lịch ở đâu, bà Trang luôn mang theo xe lăn dù khá cồng kềnh để Hạ không phải mệt nếu phải đi bộ một đoạn đường xa.
“Điều tôi cảm thấy vui là nhìn tôi và mẹ ai cũng bảo hai mẹ con giống nhau, nhất là khi cười. Cuộc sống bây giờ chỉ có hai mẹ con như vậy nhưng lại rất vui. Với tôi, mẹ là người quan trọng nhất”, Hạ bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.