Mất tiền oan từ nhà mạng: Cớ gì khách hàng phải soạn tin nhắn hủy?

03/10/2016 09:32 GMT+7

Nhà mạng chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý của khách hàng. Thế nhưng thực tế, một số nhà mạng ‘mặc định’ nhắn tin quảng cáo tới khách hàng, khách hàng không muốn nhận thì phải soạn tin nhắn hủy.

Một số nhà mạng tự ý nhắn tin quảng cáo đến khách hàng thông báo rằng khách hàng đang sử dụng các dịch vụ như MCA, MGAME, MOBICLIP,… Nếu không muốn sử dụng thì phải soạn tin nhắn hủy gửi đến tổng đài.
Nhà mạng vi phạm luật quảng cáo
Luật sư (LS) Võ Văn Trà (Giám đốc Công ty luật Việt Nhật) cho biết Điều 24 Luật quảng cáo năm 2012 quy định: “Tổ chức cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận”.
Theo đó, việc các nhà mạng gửi tin nhắn quảng cáo đến khách hàng khi chưa được sự đồng ý của khách hàng là vi phạm. Tuy nhiên trước tiên cần phải nhìn nhận rằng, đối với các thuê bao trả trước, khi xác lập hợp đồng kích hoạt đăng ký sim với nhà mạng, khách hàng thường chỉ ký mà không đọc.
Trong bản hợp đồng do nhà mạng soạn thảo và cung cấp này sẽ có những quy định trong hợp đồng như: đồng ý nhận những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) của nhà mạng gửi đến hoặc cho phép nhà mạng gửi tin nhắn thông báo dịch vụ...
Phần đông khác, rất nhiều người mua sim trả trước tại các cửa hàng bất kỳ thì việc "đồng ý trước" này là điều không thể xảy ra (vì không giao kết hợp đồng). Vì thế, việc các nhà mạng tự cài, tự kích hoạt thì hành vi trừ tiền hàng tháng của nhà mạng đối với khách hàng đều không có cơ sở pháp lý.
Khách hàng dùng mạng Mobifone muốn kiểm tra mình đang sử dụng các dịch vụ GTGT nào thì soạn tin KT gửi 994 Ảnh chụp màn hình
“Ngay từ đầu việc mời chào dịch vụ GTGT của nhà mạng qua tin nhắn đã vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 24 luật quảng cáo năm 2012. Bên cạnh đó, bản chất của sự giao kết hợp đồng này (qua tin nhắn) là một giao dịch dân sự được xác lập giữa nhà mạng và khách hàng (đối với phần dịch vụ GTGT) là vô hiệu vì giao kết này không tuân thủ các quy định của pháp luật nên vô hiệu. Chính vì vậy không thể phát sinh nghĩa vụ khách hàng phải trả tiền (bị trừ tiền trong tài khoản)”, LS Trà nhận định.
Nếu cho rằng khách hàng đã đăng ký dịch vụ thì nhà mạng phải cung cấp chứng cứ cho rằng khách hàng đã xác nhận dịch vụ. Cần lưu ý rằng nếu khách hàng muốn sử dụng dịch vụ thì sẽ phải xác nhận còn không xác nhận tức là không sử dụng dịch vụ. Hoàn toàn không có việc ngược lại “im lặng là đồng ý”, còn không đồng ý thì phải nhắn tin hủy gửi lại cho nhà mạng.
Luật sư Lê Việt Hùng
LS Trà cũng nhấn mạnh rằng bản chất việc gửi tin nhắn quảng cáo chào mời dịch vụ GTGT của các nhà mạng đến khách hàng sau đó là một giao dịch dân sự, vì vậy, buộc phải tuân thủ các nguyên tắc về giao dịch dân sự theo quy định tại bộ luật dân sự.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của giao dịch dân sự là tự nguyện, vì vậy giao dịch này nếu khách hàng không đồng ý thì đương nhiên là vô hiệu.
LS Trà lưu ý: trừ trường hợp khách hàng soạn tin nhắn theo cú pháp gửi đến nhà mạng để đăng ký sử dụng dịch vụ GTGT thì đương nhiên phải trả tiền.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc khách hàng đăng ký rất dễ thành công, nhưng khi hủy dịch vụ thì mất rất nhiều thời gian để được chấp nhận hủy.
Có những trường hợp mất vài ngày đến 1 tuần, trong trường hợp này, khách hàng đương nhiên sẽ không phải trả tiền cho dịch vụ GTGT kể từ ngày khách hàng gửi tin nhắn hủy chứ không phải là ngày các nhà mạng thông báo hủy dịch vụ thành công.
Trong khi đó, LS Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn) cho rằng trong trường hợp khách hàng đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo của nhà mạng thì vấn đề gây tranh cãi ở đây là nhà mạng cho rằng khách hàng có đăng ký dịch vụ còn khách hàng bảo không đăng ký.
Trong khi giao dịch này là giao dịch điện tử theo quy định tại Khoản 6, Điều 4, Luật Giao dịch điện tử. Căn cứ theo Điểm b, Khoản 2, Điều 16 của luật này thì một giao dịch được xem là hợp lệ nếu nhà mạng áp dụng phương pháp xác minh và được khách hàng chấp thuận.
Do đó, nếu cho rằng khách hàng đã đăng ký dịch vụ thì nhà mạng phải cung cấp chứng cứ cho rằng khách hàng đã xác nhận dịch vụ.
Cần lưu ý rằng nếu khách hàng muốn sử dụng dịch vụ thì sẽ phải xác nhận còn không xác nhận tức là không sử dụng dịch vụ. Hoàn toàn không có việc ngược lại “im lặng là đồng ý”, còn không đồng ý thì phải nhắn tin hủy gửi lại cho nhà mạng.
Tiền dịch vụ “chảy” về đâu?
LS Lê Việt Hùng cho biết các nhà mạng sẽ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung để cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Theo đó doanh thu từ dịch vụ này sẽ được chia theo tỉ lệ đã được thỏa thuận giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ, như vậy, số tiền này phần lớn “chảy” về “túi” của nhà mạng.
Nhiều người ngã ngửa vì mình đang sử dụng quá nhiều dịch vụ GTGT nhưng không hề hay biết
Nhiều người ngã ngửa vì mình đang sử dụng quá nhiều dịch vụ GTGT nhưng không hề hay biết Ảnh chụp màn hình
Trong các trường hợp này, đương nhiên chỉ có khách hàng là người phải chịu thiệt. Mỗi dịch vụ bị trừ từ 2.000 – 20.000 đồng, nhân lên với số lượng thuê bao trên toàn quốc thì tổng thiệt hại là một con số rất lớn.
Tuy nhiên có hàng triệu khách hàng bị thiệt hại mà mỗi người chỉ thiệt hại khoảng vài trăm ngàn đồng nên tiến hành khởi kiện là rất khó khăn. Vì vậy, LS Hùng cho rằng, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội có thể đại diện người dùng hoặc tự mình khởi kiện các nhà mạng.
Trước đó, Sở Thông tin – Truyền thông TP.Hà Nội sau khi phát hiện Công ty Sam Media Limited (có trụ sở tại Hong Kong) sau 3 năm đã “móc túi” được từ 93.735 khách hàng của bốn nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile số tiền gần 230,5 tỉ đồng nhưng chỉ có thể phạt 55 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.