Mất ruộng đất vì 'cát tặc' trên sông Luộc

Lê Tân
Lê Tân
13/10/2018 11:01 GMT+7

Hơn 10 năm nay, "cát tặc" ngang nhiên hoạt động trên sông Luộc, đoạn qua H.Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng), tàn phá ruộng đồng, đất đai của người dân.

Đất mất rất nhanh
Dòng sông Luộc với khoảng 9 km chạy qua H.Vĩnh Bảo vốn mang lại cho các xã Giang Biên, Vĩnh An, Hùng Tiến của huyện này một vùng bãi bồi màu mỡ. Tuy nhiên, hiện nay những ruộng ngô, đậu, dưa xanh tốt ở khu vực này đang bị cát tặc tàn phá.

“Chả biết những ruộng hoa màu này còn tồn tại được bao lâu nữa”, ông Đào Mạnh Thế, Phó chủ tịch UBND xã Thắng Thủy, lắc đầu nói khi đưa chúng tôi ra bãi sông và chứng kiến bờ bãi phía đối diện bị gặm nham nhở, thi thoảng đất lở, kéo theo những cụm chuối xuống sông. Ông Thế chỉ tay ra giữa sông, nói ngày xưa bờ sông cách chỗ chúng tôi đang đứng đến 200 m. Còn trên dải đất chưa bị xói lở bởi "cát tặc" là một ruộng ngô khô héo, cỏ mọc um tùm. “Năm ngoái, có một số người đến hỏi mua ruộng để hút cát, chúng tôi không bán. Họ bỏ đi rồi nói không bán cũng mất. Thế mà mất thật”, chị L., chủ ruộng ngô này, bực tức nói.
Sau nhiều năm âm ỉ, đến đầu năm 2018, "cát tặc" đột ngột hoạt động mạnh hơn. “Không chỉ hút cát ở lòng sông, chúng còn cắm vòi vào đất ruộng của người dân mà hút. Đất mất nhanh kinh khủng. Đến nay có hơn 10 ha đất của xã tôi đã mất vì cát tặc”, ông Đào Mạnh Thế cho biết thêm, để đối phó, ngoài báo cáo với cấp trên, xã Thắng Thủy còn lập chòi canh cát tặc.
Đến tận nhà đe dọa
Theo lãnh đạo xã Thắng Thủy, tàu hút cát chủ yếu mang biển số Hải Dương, Thái Bình, chủ tàu không bao giờ xuất hiện. Ngoài lực lượng thuyền viên, “cát tặc” còn bố trí lực lượng “đầu gấu, xăm trổ” đóng giả người đi câu, đánh cá để bảo kê, làm "chim lợn". "Cát tặc" lại sử dụng loại tàu mới, ít gây tiếng động và có khả năng hút cát nhanh hơn, chỉ hơn 1 giờ có thể hút đầy tàu chứa 200 m3 cát. Lợi nhuận từ việc khai thác cát lậu rất cao trong khi việc xử lý, xử phạt chưa đủ sức răn đe. Vì thế hàng trăm héc ta đất đai màu mỡ vốn là tài sản cả đời của người dân bị "cát tặc" cướp trắng trợn từng ngày.
Thực tế, đoạn sông này giáp ranh giữa H.Vĩnh Bảo với H.Tiên Lãng (Hải Phòng) và H.Ninh Giang (Hải Dương) nên “cát tặc” dễ chạy trốn khi bị xua đuổi, truy quét. Đây cũng là thủ đoạn phổ biến của “cát tặc”, lợi dụng sự kết hợp quản lý, xử lý giữa các địa phương, tỉnh thành còn lơi lỏng. Ông Thống Khánh Thuyên, cán bộ tư pháp xã Thắng Thủy, nói: “Cát tặc manh động và liều lĩnh. Chúng thường xuyên nhắn tin, tìm đến nhà đe dọa cán bộ xã và người dân. Khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả…”.
Ông Đào Mạnh Thế thì thừa nhận địa phương chỉ có thể bố trí lực lượng trực, tuần tra xua đuổi tàu khai thác cát trái phép và đề xuất UBND huyện, công an huyện giúp đỡ. “Về lâu dài, rất cần sự có quy chế phối hợp giữa các xã, các huyện và các tỉnh. Cơ quan chức năng cũng cần đưa ra chế tài xử phạt phù hợp với thực tế để ngăn chặn khai thác tài nguyên của nhà nước”, ông Thế đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.