Martin Strel, người của sông lớn

23/10/2009 08:00 GMT+7

(TNTT>) Big River Man đoạt giải vàng thể loại phim tài liệu tại LHP Sundance cuối tháng 9 vừa qua là dịp để khán giả xem lại Martin Strel lập kỳ tích có một không hai, bơi dọc sông Amazone

Khi Martin Strel xuất hiện trong buổi chiếu ra mắt Big River Man tại Berlin đầu tháng 10 vừa qua, khán phòng vang lên những tiếng hô “Fish Man”, “El Hombre Paiche”. Đó là các biệt danh dành cho người đàn ông 54 tuổi ở thị trấn Mokronog, Slovenia từ ngày ông chinh phục dòng Danube dài 3.021km cách đây 9 năm. Chỉ có Paiche, loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, mới đủ sức bơi trường như vậy. Nhưng Strel không chỉ làm một lần. Năm 2002, ông bơi dọc sông Mississippi dài 3.798km trong 68 ngày rồi “dứt điểm” luôn chiều dài 4.004km sông Dương Tử, Trung Quốc. Như chưa đủ, đầu năm 2007, Martin Strel quyết định bơi hết chiều dài con sông kinh hoàng nhất hành tinh, Amazone. Thế là thế giới có bộ phim tài liệu quý giá Big River Man.

Cuộc chinh phục mang tên Amazone

Ngày “người cá” Strel tuyên bố chọn con sông dài 5.432km chảy dọc rừng mưa nhiệt đới khổng lồ của địa cầu để thử lửa, cả thế giới xôn xao. Các kỷ lục mang tên Danube, Mississippi hay Dương Tử nghe ấn tượng, nhưng với Amazone lại là chuyện khác. Chúng chỉ là những dòng nước lành không thể so sánh với đại giang huyền bí đầy hiểm nguy đến từ địa lý, sinh vật thủy tộc, các loài lưỡng cư, thú rừng rậm và cả con người như Amazone.

 
Martin Strel (phải ngoài cùng) cùng con trai Borut trong lễ ra mắt phim tài liệu Big River Man

Báo chí ngày ấy thi nhau liệt kê ra các mối đe dọa chực chờ cũng như đề xuất những biện pháp phòng bị. Chúng là thác ghềnh, xoáy nước ngầm, các đợt sóng dữ Pororoca, rắn độc, trăn anaconda, cá sấu, loài cá piranha rỉa thịt và nhất là giống candiru. Nghe đến cái tên này, Martin Strel thót ruột nhất. Thứ cá nhỏ xíu ấy chỉ có ở Amazone, và chỉ khoái xâm nhập vào tận “vùng kín” người bơi rồi dùng vây bám chặt vào đó, muốn gỡ ra chỉ có cách… giải phẫu, tức phải cắt phăng của quý! Còn những mối nguy từ con người thì Strel đã thừa biết.

Đó là các bộ tộc hoang dã, bọn thổ phỉ buôn ma túy súng ống quanh vành đai Brazil, Columbia, nguy hiểm và độc địa hơn cả thiên nhiên và sinh vật. Martin và ê-kíp 20 người gồm các chuyên viên chăm sóc y tế, thiết bị liên lạc, phóng viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Các loại thuốc chống muỗi, bọ, vắt, nhện độc hay ngã nước sốt rét được xem là vũ khí tối thượng, quan trọng hơn cả số súng ống đoàn trang bị phòng xa. Nhà làm phim John Maringouin bám sát Martin, nhưng đành lấy những hên xui hành trình làm kịch bản, vì mọi bất trắc đều có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Thế giới không có mấy người bơi lâu được như thế ở một con sông dài hơn cả chiều rộng Đại Tây Dương, lại bơi ở một nơi mà tàu thuyền đi dọc lộ trình cũng chột dạ. Thế nên phần nào cũng là “đánh bạc” với rủi may.

 
Martin đến đích ở bến Belem, Brazil trong chuyến bơi dọc sông Amazone

Tận cùng thử thách

Bây giờ nhờ Big River Man, thế giới mới biết Martin Strel chinh phục mỗi mét nước Amazone ra sao. Nhưng không đủ! Chỉ những ai từng đọc nhật ký vượt sông của ông hay theo dõi phóng sự trực tiếp chuyến đi này của đài BBC ngày ấy mới cảm nhận hết được kỳ tích một con người chinh phục thiên nhiên. Rời Atalaya, đầu nguồn Amazone, mọi sự bình yên đi đúng lịch trình. Nhưng khi những tán rừng bắt đầu xuất hiện tầng tầng hai bên bờ, khi màu nước sông bắt đầu thoang thoảng mùi gỗ rừng, một Amazone rừng mưa nhiệt đới mới thực sự xuất hiện. Mỗi ngày, 5g30 sáng Martin Strel xuống nước và kết thúc lúc 17g30. Ông chủ yếu bơi sải, thở hai bên khoảng từ 54 đến 56 nhịp/phút. Cứ nửa giờ Strel nghỉ uống nước. Suốt 35 ngày đầu ông không bơi vào ban đêm vì khá nguy hiểm.

 
Martin Strel bơi vượt sông

Chỉ giai đoạn cuối, khi đến chặng Amazone sắp sửa đổ nước vào đại dương, Strel mới tranh thủ bơi cả ngày lẫn đêm để tận dụng sức đẩy thủy triều. Từ 10g sáng đến 2g trưa, khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, Strel đắp mặt nạ lên mặt và thả nổi, chỉ đôi chân khoắng nước tiến lên. Giữa rừng là vậy. Còn mỗi khi sông chảy qua phố, ông sải cánh bơi thật nhanh vì sợ người hiếu kỳ lội ra nhảy xổ vào thuyền. Những ngày mưa tuy phải đối phó với bọ, vắt nhưng lại được dịu cơn nóng, dòng chảy chậm giúp Strel khỏe sức bơi nhanh hơn. Có khó chịu là do những vết trầy sưng do bùn cát len vào áo bơi cọ xát làm rách da phải bôi kem đặc biệt và băng lại. Khi Martin bơi, luôn có cậu con trai ngồi xuồng với vài người lướt bên cạnh, xa tàu hộ tống cả dặm. Nguy hiểm ngoài dự tính đầu tiên đến vào ngày thứ 27. Mưa làm nước sông dâng cao xói mòn bờ khiến hàng loạt cây lớn thượng nguồn trốc gốc đổ trôi trong sương mù.

Nhờ hôm trước bất ngờ bị muỗi tấn công cả đêm, đoàn kiểm tra rắn, nhện, rồi lại phải đuổi lũ kiến rừng bu kín xuồng nên sáng dậy muộn, và thoát. Nếu đang ở trên sông thì không biết các khối cây ấy lao theo dòng nước sẽ gây ra sự cố gì. Còn chuyện Martin bơi sát bờ đánh thức một hai chú cá sấu ẩn mình dưới bùn không phải không có. Thấy đông người chúng lặn mất. Các mối nguy dự kiến như trăn anaconda, cá candiru có đấy nhưng không tấn công, trừ một lần phải tắt đèn đuốc im hơi lặng tiếng né tránh nhóm buôn lậu ma túy Narcos khiến Martin Strel phải dầm mình dưới nước nép bên mạn xuồng hằng giờ.

Đích đến không chỉ là kỷ lục

Ngày 7-4-2007 Martin Strel đến Belem, Brazil, hoàn tất cuộc bơi dọc sông Amazone trước dự định 4 ngày. Ông mệt rũ, bị bệnh bao tử hành. Borut thay cha thu xếp những việc còn lại. Khi phóng viên hỏi mục tiêu kế tiếp của ông liệu có phải là sông Nile Ai Cập, vì đây là con sông còn dài hơn Amazone. Strel thẳng thắn phát biểu, Nile không đủ thách thức như Amazone. Mục tiêu ông muốn chinh phục không phải là những kỷ lục mà chính là ý thức công luận. Martin Strel hy vọng các chiến công của ông sẽ giúp mọi người hiểu tầm quan trọng của rừng mưa.

Trên đường bơi, khi ghé bờ, Strel đều tìm dịp nói cho dân địa phương hiểu những căn bệnh họ có thể mắc phải, nói về sự trong sạch của làn nước, và giúp họ hiểu rừng mưa là nguồn cung cấp oxy cho thế giới nên cần được giữ sạch. Mục đích của Martin còn là muốn xã hội nâng tầm nhận thức về căn bệnh alzheimer và các bệnh do xáo trộn gien. Ông cũng muốn cổ động cho khoa chữa bệnh từ xa qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại như webcam, chatvoice để những người dân vùng hẻo lánh như Amazone cũng được hưởng lợi từ khoa học hiện đại. Sau hơn 60 ngày vượt sông, Martin Strel ngủ nhiều lấy sức. Nhật ký ông viết “… trong giấc ngủ tôi không thấy piranha, anaconda mà chỉ thấy lũ trẻ bơi theo tôi vài trăm mét rồi vào bờ. Mơ thấy người dân dùng nước sông nâu màu phù sa để đánh răng, và mơ chạm vào chú cá heo hồng bơi cạnh tôi ở thượng nguồn…”.

Trung Nghị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.