Mang rác về nhà

26/09/2012 03:25 GMT+7

Nhiều gia đình rơi vào cảnh bất hòa, ly tán chỉ bởi một thành viên, nhất là người già, có tật lượm rác ngoài đường về chất đống trong nhà.

Chị T. làm việc ở TP.HCM có một nỗi ám ảnh mỗi lần về quê, đó là nhìn thấy những thứ bỏ đi chất đầy trong phòng ngủ của bố. Bố chị, nay đã kề tuổi 70, có “đức tính cần kiệm” mà ai cũng ngán. Gặp cái khẩu trang ai đó đánh rơi ngoài đường, hay cái nón bảo hiểm vỡ, đôi giày há miệng, cây bút bi hết mực… người ta vứt đi, ông nhặt và mang hết về nhà. Đồ bẩn chất đống nên nhện có chỗ giăng tơ, muỗi có nơi làm tổ.

Lần nào về quê chị cũng thu dọn, đổ rác mất cả ngày. Khổ nỗi, hễ phát hiện chị gom đồ vào bao tải chuẩn bị mang đi đổ thể nào ông cụ cũng xông vào kiểm tra và “tuyển” lại nhiều thứ. Nhiều lần canh me lúc bố đi vắng chị mới dọn vứt đồ. Vậy mà về thấy nhà… sạch, ông cụ liền chạy ra bãi rác, ôm một số thứ về lại.

Tình cảnh chị P. (Q.3, TP.HCM) cũng thiệt khổ. Mẹ chị có “niềm đam mê sưu tầm thảo dược”. Vỏ cam, quýt bà bảo cất ở gầm giường cho khỏi muỗi. Cây chó đẻ, dây tơ hồng, rễ cỏ tranh, lá khuynh diệp… bà cất năm này qua tháng khác đến mốc xanh mốc vàng, để “lỡ có ai đau bịnh” thì có mà sắc nước uống! Mỗi lần chị P. muốn mang những thứ đó vứt đi là mẹ con lại cãi nhau…

Chuyện tưởng chỉ có ở nông thôn Việt Nam, ai dè cũng âm thầm diễn ra đầy rẫy ở đảo quốc giàu có Singapore từ bao năm qua. Báo chí xứ này gần đây ồn ào sau cái chết vùi trong đống rác tại nhà nhiều ngày mà không ai hay biết của một cụ ông. Ông cụ, 76 tuổi, từng có một gia đình ấm cúng trong căn hộ chung cư bình dân 4 phòng ngủ. Không rõ vì lý do gì mà cách nay khoảng 10 năm, vợ và con gái ông bỏ đi sống chỗ khác.

Còn một mình, ông tha hồ mang rác về nhà, từ chậu cây, chum vại, lồng chim gãy, đến giấy báo, hộp các tông, quần áo cũ... Hàng xóm thấy ông đùm túm mang túi này bao nọ về nhà thì hỏi thứ gì bên trong, ông trả lời một cách bí hiểm: “Kho báu đó”! Ngày qua ngày, căn hộ 4 phòng ngủ và không điện nước của ông trở thành núi rác khổng lồ, chỉ còn mỗi một chỗ trống nhỏ trong phòng khách đủ để ông lách người khi di chuyển.

Bẵng một thời gian, không ai để ý đến ông cụ. Cho đến một ngày hàng xóm không thể chịu đựng nỗi mùi xú uế bốc ra từ căn hộ của ông nên báo cảnh sát. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, nhân viên lực lượng phòng vệ dân sự (SCDF) mới phá được hết các ổ khóa cửa để vào nhà, và kinh hãi chứng kiến núi rác. Nhân viên SCDF mất thêm một tiếng nữa ngụp lặn trong đống rác mới tìm thấy thi thể của ông cụ. Không ai nói được ông chết từ bao giờ và vì sao.

Vụ việc dẫn đến những tiết lộ khá bất ngờ từ SCDF, Cục Phát triển nhà chung cư bình dân (HDB) và các tổ chức thiện nguyện. Từ lâu, các cơ quan này đã đối mặt với tình trạng nhiều người già mắc phải bệnh nghiện đem rác về nhà. Một số gia đình đã xảy ra đổ vỡ, hay con cái bỏ đi thuê nhà riêng vì không chịu nổi cảnh “sống chung với rác” ngột ngạt và bẩn thỉu. HDB, SCDF ra sức kiểm tra và dọn dẹp với lo ngại nguy cơ cháy nổ; còn các tổ chức xã hội thì tìm giải pháp tâm lý và trị liệu để giúp đỡ người trong cuộc.

Chuyên gia Munidasa Winslow cho biết “nghiện rác” là một dạng bệnh tâm thần, rối loạn nhân cách hoặc hành vi, khiến người bệnh có cảm giác an toàn hơn khi quanh mình có nhiều đồ đạc. Đặc biệt, những người có quá khứ nghèo túng, người sống cô đơn có nguy cơ mắc chứng này nhiều hơn.

Người thân và hàng xóm vì vậy được nhắc nhở cần lưu tâm và chia sẻ với những đối tượng này. Khuyến khích họ tham gia những hoạt động tập thể dành cho người già là một cách giảm nghiện rất tốt.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Dân ta xả rác
>> Bệnh viện xả rác y tế ra môi trường
>> Cho chừa tật xả rác!
>> Xả rác, bị phạt 4.500 USD
>> Quảng cáo hay xả rác?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.