Mái ngói Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn xuống cấp sau 136 năm

13/12/2016 10:01 GMT+7

Với nhiều hạng mục như mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương ở Nhà thờ Đức Bà đang xuống cấp nghiêm trọng cần phải tu sửa.

Căn cứ báo cáo của Tòa tổng giám mục TP.HCM và Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP.HCM phê duyệt việc tu sửa cấp thiết phần mái ngói nhà thờ Đức Bà (tại quảng trường Công xã Paris, Q.1) đã xuống cấp.
Ghi nhận tại đây cho thấy do ảnh hưởng bởi thời gian nhiều mái ngói đã mục nát, bong tróc chắp vá bằng những lớp tôn, nhiều mảnh tường đã bị loang lỗ, mục nát không còn giữ được nét đẹp nguyên sơ của nhà thờ.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, chánh sứ nhà thờ Đức Bà cho biết, hiện nhà thờ có nhiều hạng mục xuống cấp do thời tiết sau hơn 136 năm đưa vào sử dụng.
Ban trùng tu nhà thờ Đức Bà đã mời Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn tiến hành kiểm định mức độ xuống cấp của công trình. Ưu tiên số một hiện nay là chống dột phần mái. Ước lượng các mái của nhà thờ có khoảng 50.000 viên ngói.
Sau một số đợt sửa chữa nhỏ trước đây, mái ngói nhà thờ ngoài loại nguyên thủy là ngói Marseille của Pháp còn có ngói Indochinois, ngói Phú Hữu.

tin liên quan

Kiến nghị tu sửa cấp thiết mái ngói nhà thờ Đức Bà
Căn cứ báo cáo của Tòa tổng giám mục TP.HCM và Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP.HCM phê duyệt việc tu sửa cấp thiết phần mái ngói nhà thờ Đức Bà (tại quảng trường Công xã Paris, Q.1 - ảnh) đã xuống cấp.
VIDEO: Một số hạng mục của Nhà thờ Đức Bà bị xuống cấp
Công trình Nhà thờ Đức Bà đã có tuổi đời 136 năm hiện đã xuống cấp nghiêm trọng
Hiện tại, phần mái ngói đang bị hư hỏng nặng chuẩn bị đưa vào sửa chữa
Các mảng tường đều bị loang lổ, mục nát theo thời gian
Phần mái ngói nhà thờ có dài 91 m, rộng 35 m, cao 57,3 m
Ở phía sau nhà thờ, bị dột nát làm nước thấm lâu ngày tạo điều kiện cho rêu và cây bám vào
Những mái ngói vảy cá đã bong tróng, tuột khỏi nơi cố định
Trong khi đó một phần mái đang phải sử dụng tôn, gia cố thêm để chống dột
Hiện tại sẽ thực hiện việc gia cố, thay thế hệ thống vì kèo bằng tổ hợp thép hình, sơn bảo quản chống gỉ; gia cố, thay thế cầu phong, li tô bằng gỗ nhóm 2, chống mối mọt, sơn bảo quản, thay thế bổ sung mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương theo nguyên trạng và xây lại bờ mái bờ nóc, bờ chảy
Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn tòa tổng giám mục vận động xã hội hóa, dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2019
Nhìn từ trên cao có thể dễ dàng nhận thấy mái ngói đang bị hư hỏng
Linh mục Hồ Văn Xuân nói thêm: “Giải pháp thi công không khó nhưng khó nhất là nguồn vật liệu phục vụ cho việc trùng tu. Ban trùng tu đã đưa ra tiêu chuẩn, quy cách nhưng các đơn vị sản xuất ngói trong nước cho rằng không thể nào làm được. Tháng 7 tới trong chuyến sang Pháp, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà máy sản xuất ngói nguyên thủy Marseille. Nếu nhà máy này không còn tồn tại thì có thể sẽ chọn ngói của đơn vị kế tục sản xuất loại ngói này để nhập về thay thế”.
Về giai đoạn 2 trùng tu nội thất, theo linh mục Hồ Văn Xuân, sẽ khắc phục một số bộ phận kính màu gắn trên các ô cửa (thể hiện các điển tích trong Kinh thánh) bị rạn, nứt; một số họa tiết hoa văn không còn nguyên vẹn như thiết kế ban đầu. Vật liệu kính màu cũng sẽ được nhập từ Pháp. Đối với hệ thống tháp chuông, hiện Ban trùng tu đang tiến hành kiểm định mức độ gỉ sét, độ bào mòn của các trục gắn các quả chuông để có giải pháp khắc phục, sửa chữa phù hợp.
“Việc trùng tu được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ 10 năm qua để đảm bảo nhà thờ giữ được vẻ đẹp nguyên thủy, không bị thay đổi kết cấu, hình dạng, màu sắc sau khi trùng tu. Thời gian trùng tu vì vậy có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Tổng giáo phận TP.HCM sẽ lo kinh phí trùng tu. Hiện chưa được khái toán một cách cụ thể nhưng dự kiến sẽ cần một số tiền khá lớn”, linh mục Hồ Văn Xuân nói thêm.
“Yêu cầu đặt ra là phải tuyệt đối giữ được nguyên trạng kiến trúc công trình, đảm bảo được độ chắc chắn, bền vững và an toàn. Ban trùng tu đã chọn được đơn vị thi công trong nước để triển khai việc trùng tu. Mặc dù phía dưới mái ngói có vòm bê tông kiên cố nhưng đơn vị thi công sẽ dựng một hệ thống giàn giáo bao quanh, phía trên phủ mái tôn che toàn bộ nhà thờ đảm bảo tránh được nắng, mưa. Trong quá trình trùng tu, tại nhà thờ vẫn tổ chức thánh lễ cho giáo dân”, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết.
Cũng theo linh mục Hồ Văn Xuân, hiện nay trên thị trường không còn xuất hiện loại ngói Indochinois, ngói Phú Hữu. Ngói nguyên thủy Marseille cũng ít được nhắc đến tại VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.