Mai một làng chiếu Định Yên, chợ Ma một thời

16/06/2016 10:32 GMT+7

Tới xã Định Yên, H.Lấp Vò (Đồng Tháp) hỏi làng nghề dệt chiếu ở đây có tự bao giờ chẳng ai biết, họ chỉ biết nghề này có từ thời ông bà xa xưa và được truyền lại đến bây giờ.

Từ TP.Sa Đéc theo QL80 đi về hướng phà Vàm Cống chừng 30 km, rồi rẽ trái vào con đường nhựa nối 2 xã Vĩnh Thạnh và Định Yên, qua cánh đồng lúa mênh mông thì gặp làng chiếu Định Yên với những thảm lác đủ màu sắc rực rỡ, những manh chiếu còn thơm mùi lác phơi trải dọc hai bên đường cùng với tiếng lách cách liên hồi của máy dệt chiếu.
Thỉnh thoảng có những chòi lá núp dưới tàng cây ven sông, vài phụ nữ đang ngồi cần mẫn với khung dệt tay truyền thống.
Di sản quốc gia
Từ xa xưa, chiếu Định Yên đã nổi tiếng khắp vùng sông nước Cửu Long với câu hát ví von: “Định Yên có vựa chiếu to/Lấy chồng xứ Định không lo chiếu nằm”. Năm 2013, làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên càng nổi tiếng hơn khi được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo chị Nguyễn Diệp Khương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Định Yên, ở xứ này từ người già cho đến người trẻ, kể cả những em mới chín, mười tuổi cũng đều biết dệt chiếu. Để hoàn thành một chiếc chiếu, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là se đay làm dây trân và gắn dây trân vào khung dệt. Lác là nguyên liệu chính mua về phải giũ cho sạch, tuốt phao và phân loại cùng kích thước; đun sôi phẩm màu với nước để nhuộm lác rồi đem phơi, sau đó treo lên cao để cọng lác không bị gãy. Trước khi dệt, lác lại được đem ngâm nước cho mềm dẻo vừa phải. Chiếu dệt xong thì đem phơi khô. Riêng chiếu dệt bằng máy còn phải thêm công đoạn may bìa bằng vải.
Nỗi lo mai một
Số liệu của UBND xã Định Yên cho biết, toàn xã có hơn 18.000 dân, trong đó có khoảng 70% làm nghề dệt chiếu. Vì vậy, khoảng 10 năm nay máy dệt chiếu trở nên thịnh hành ở Định Yên và chỉ còn vài chục hộ sử dụng khung dệt tay theo lối thủ công. Với một chiếc máy dệt chiếu giá từ 20 - 30 triệu đồng, chỉ cần một người đứng máy, trung bình một giờ sẽ hoàn thành một chiếc chiếu dày chặt, đẹp mắt, có độ bền cao. Sản lượng chiếu vì vậy cũng tăng hơn cả chục lần so với thời dệt chiếu thủ công.
Bà Trần Thị Dính (ngụ ấp An Lợi A) là một trong số ít người ở Định Yên còn dệt chiếu thủ công, cho biết: “Với khung dệt tay luôn cần phải có 2 người, một người dập và một người chuồi lác. Nếu dệt chiếu trắng bình thường thì 2 người làm cật lực suốt từ sáng đến chiều cũng chỉ được 4 chiếc. Riêng đối với những loại chiếu bông nổi, chiếu chữ... đòi hỏi kỹ thuật cao và cách dệt công phu hơn thì cả ngày mới dệt xong một chiếc, nhưng không phải ai cũng biết dệt”.
Hiện nay, do giá nguyên liệu cao, giá chiếu rẻ, nên thu nhập của người dệt chiếu ngày càng thấp. Chị Nguyễn Diệp Khương nhẩm tính: với giá lác 15.000 đồng/kg, trung bình mỗi chiếc chiếu khổ 1,6 x 2 m dệt bằng máy tốn 3 kg là 45.000 đồng, cộng thêm tiền chỉ, màu, tiền cắt bìa, may viền, tiền điện… tổng cộng chi phí chừng 65.000 đồng. Nhưng giá bán ra hiện nay chỉ khoảng 68.000 đồng/chiếc nên người ta chỉ lấy công làm lời.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó chủ tịch UBND xã Định Yên, cho biết trước năm 2013 toàn xã có khoảng 6.000 máy dệt chiếu. Ngoài làm ruộng, rẫy, người nông dân có thu nhập thêm nhờ nghề dệt chiếu. Nhưng mấy năm gần đây làng nghề gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp. Thu nhập của người làm chiếu vì vậy cũng bấp bênh. “Không ít người đã phải bán máy dệt với giá “ve chai” rồi chuyển sang nghề khác. Hơn 3.000 lao động đã bỏ nghề dệt chiếu, rời quê lên Bình Dương để làm thuê và nhiều người còn mắc nợ ngân hàng, chưa trả hết”, ông Sang nói.
Một thời chợ Ma
Gắn với làng chiếu Định Yên còn có ngôi chợ huyền thoại: chợ Ma, họp trên gò đất cao trong khuôn viên chùa An Khánh, thuộc ấp An Khương, bên bờ sông Ngã Cại, chuyên buôn bán chiếu và các nguyên liệu làm chiếu. Sở dĩ có tên chợ Ma bởi chợ chỉ nhóm họp vào ban đêm. Hằng đêm, những người phụ nữ làng chiếu tay cầm đuốc, đầu đội chiếu, xắn quần lội ra chợ. Khi thấy ánh lửa bập bùng của người bán chiếu thì thương lái từ dưới ghe đậu ở bờ sông thắp đèn dầu lên mua. Việc mặc cả, mua bán diễn ra trong ánh đèn dầu leo lét, đến khi mặt trời ló dạng thì chợ đã tan.
Chợ không họp theo giờ giấc cố định, mà tùy theo lời hẹn của những người mua bán. Từ chợ Ma, những chiếc thuyền buôn xuôi ra sông Hậu mang chiếu Định Yên đến khắp ngả đường sông nước miền Tây rồi chuyển đi các tỉnh. Nhưng nhiều năm nay, cảnh mua bán tấp nập của chợ Ma không còn nữa, vì đường sá giao thông thuận tiện, người dệt chiếu không còn phải tự mang chiếu ra chợ bán mà thương lái đến tận nhà để mua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.