‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Nhiều ca dương tính, ngàn công nhân 'nín thở' sợ thành F0

06/07/2021 12:07 GMT+7

Ngừng hoạt động công ty Nidec Sankyo Việt Nam vì phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 , hàng nghìn công nhân ‘mắc kẹt’ tại công ty. Dưới những túp lều chật hẹp công nhân căng thẳng từng giây phút vì lo lắng, sợ bản thân có thể trở thành F0.

Hôm qua, công ty TNHH Nidec Sankyo với 4.000 công nhân ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, phát hiện thêm 119 ca dương tính nCoV, nâng số ca nhiễm, nghi nhiễm tại đây lên 238. Theo tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao, số ca nghi nhiễm nói trên được phát hiện tối 4.7 sau khi lực lượng y tế test nhanh Covid-19 cho công nhân. Hiện, các ca nghi nhiễm được đưa tới nơi điều trị. Nhà máy đã ngừng sản xuất từ chiều 3/7 để tập trung lực lượng cho việc phòng chống dịch.
Hơn 21 giờ ngày 5.7, một công nhân đang ở trong công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (thuộc Khu công nghệ cao, P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) thở dài cho biết không khí lúc này tại đây im ắng, không ai giao tiếp với ai câu nào vì ai cũng ngập tràn những nỗi lo riêng, và hơn hết, ai trong số họ cũng có thể là F0.

Nhiều đêm thức trắng

Gần 1 tuần qua, kể từ khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên và công ty bị phong tỏa, nhiều công nhân ở đây phải ăn ngủ, sinh hoạt chung nhà tắm, nhà vệ sinh, tối đến thì trải bìa các tông để ngủ la liệt "màn trời chiếu đất". Sau đó, nhà xe 3 lầu của công ty được sử dụng cho công nhân ngủ nghỉ, tất cả xe được dời ra bên ngoài sân.
Kể lại, chị T. (công nhân tại công ty Nidec Sankyo Việt Nam) cho biết sáng ngày 29.6, chị có ca làm ngày nên vẫn phải đi làm bình thường. Đến trưa cùng ngày thì có thông tin phong tỏa công ty vì có hơn 90 ca nghi nhiễm.

Không khí trầm lắng vì ai tự cách ly nấy vì ai cũng có thể là F0 có thể bị gọi đi cách ly bất cứ lúc nào

Ảnh: CTV

Đến ngày 3.6 phát hiện thêm hàng loạt ca mắc Covid-19 công ty có thông báo cho công nhân nghỉ từ ngày 3.7 đến 24 giờ ngày 5.7. Chị T. chia sẻ những ngày đầu đa số công nhân đều tự túc vì công ty chưa kịp chuẩn bị, vài ngày sau thì cấp mỗi người một lều và gối chăn, trong số công nhân còn có nhiều thai phụ phải ở một mình.
“Ngủ nhà xe thì nóng, công nhân phải tự nhờ người nhà mang quạt bên ngoài vào. Nhà ăn công ty vẫn nấu nhưng tôi không lên đó ăn mà nhờ người bên ngoài tiếp tế. Do nhà ăn có người nhiễm không biết trên đó khử khuẩn chưa nên không dám lên. Chỉ những bạn nào không có người thân chu cấp lương thực mới phải lên đó thôi”, chị bày tỏ.

Nhiều công nhân phải ra ngoài lều nằm ngủ vì quá nóng

Ảnh: CTV

Chị nói tiếp: “Bên trong ba tầng nhà xe bữa giờ chưa thấy phun khử khuẩn, công nhân chúng tôi tự lo cho bản thân, mua cồn ở ngoài mang vào tự xịt xung quanh lều mình ngủ. Nói chung ở đây ai cũng có thể là F0 hoặc F1 bất cứ lúc nào với tình hình cách ly tập trung rồi ăn uống vệ sinh chung như thế này. Hiện tại tôi là F2 nhưng ngày mai có thể F0”.

Trừ khi đi vệ sinh thì không ai dám ra khỏi lều

Ảnh: CTV

Đồng cảnh ngộ, chị H.T.Q rầu rĩ cho biết đây là ngày thứ 6 vợ chồng chị gửi con lại nhà trọ cho người quen chăm sóc rồi ở lại nhà xe của công ty. Chia sẻ thêm chị cho biết F0 và F1 sẽ được di chuyển đi cách ly còn F2 và F3 ở lại nhà xe nhưng mà nhà ăn thì vẫn sử dụng chung nhưng quy định theo giờ.
“Ví dụ như 11 giờ - 12 giờ là F2 và F3 đi ăn thì 12 giờ - 13 giờ là F1 đi ăn. Sinh hoạt chung với nhau. Quần áo giặt phơi khắp nơi, có nhiều người ngủ lều nóng quá không ngủ được phải lót bìa để ngủ chỗ khác”, chị tâm sự.

Trước khi được cấp lều, công nhân phải trải bìa các tông ngủ la liệt giữa sân

Ảnh: CTV

“Mắc kẹt” hơn 1 tuần qua, nhiều đêm chị Q. thức trắng vì sợ bị gọi tên, nhiều người dựng lều xung quanh chị bất ngờ được gọi tên là F1 hay F0 và lập tức đi cách ly mà không kịp dọn dẹp lều khiến chị càng thêm lo lắng. Chị Q. xếp sẵn quần áo, để nếu gọi tên là đem theo quần áo đi luôn.
Chị Q. cùng chồng từ quê vào TP.HCM được 15 năm, làm công nhân tại công ty Nidec Sankyo 12 năm và có một con gái 7 tuổi, mỗi ngày con đều gọi bảo nhớ mẹ là chị lại không kiềm được bật khóc vì nhớ con. Không dám đi ăn tại nhà ăn, chị Q. và chồng mua mì gói và thức ăn nhanh ở công ty ăn cho qua ngày vì không có người thân ở ngoài để nhờ vả.
Trả lời Thanh Niên về những phảnh ánh của công nhân,Bà Lê Bích Loan (Phó ban quản lý Khu công nghệ cao) cho biết vì thời gian phong tỏa bất ngờ nên phía công ty Nidec Sanyo Việt Nam chưa kịp bố trí chỗ ăn chỗ ngủ cho số lượng lớn công nhân những ngày đầu nhưng sau đó đã mua chiếu, mền, lều,... để hỗ trợ. Khu nhà xe được làm thành khu nhà ở tạm thời, ngoài ra còn hỗ trợ sữa. Nhà ăn của công ty cũng vẫn hoạt động để phục vụ cho công nhân đầy đủ các bữa. Công ty phải bỏ ra hàng tỉ đồng hàng ngày để hoạt động nên tạm ngưng hoạt động dẫn đến rất nhiều khó khăn không giải quyết kịp.
Bà Loan cũng giải thích thêm, thời điểm này thành phố đang quá tải không kịp đáp ứng, khu cách ly tập trung quá tải. Khi xét nghiệm công nhân là F0 nhưng không kịp chuyển đi, F1 cũng không thể chuyển đến khu cách ly tập trung. Phía công ty tìm giải pháp là phân khu cách ly tạm ngay trong công ty Nidec Sankyo để tách các F0, F1, F2,...
“Mỗi ngày phía Khu công nghệ cao đều tìm cách mỗi ngày để giải quyết tốt nhất nên cần sự phối hợp với nhau. Ai cũng khó khăn mà tất cả đều đổ lên phía công ty thì không được. Về phía người lao động, trước đây vẫn không có ý thức không bảo vệ mình, vẫn tụ tập ăn uống. Thời gian này quan trọng nhất là mỗi người đồng lồng chấp hành quy định, chịu khó một chút để cùng nhau vượt qua khó khăn”, bà nói.

Trưa 6.7: TP.HCM thêm 209 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 7.433 bệnh nhân

"khi biết mình là F1"

Bà T.L (47 tuổi, quê ở Bến Tre) là công nhân công ty Nidec Sankyo được 10 năm kể lại từ lúc phát hiện một ca dương tính Covid-19 làm việc tại đây vào ngày 28.6, bà đã có 2 lần test nhanh Covid-19. “Mỗi lần đứng ở hàng chờ test là bủn rủn tay chân. Đến lúc nghe đọc tên F0 là một công nhân làm cùng bộ phận, tôi muốn đột quỵ”, bà vẫn chưa hết ám ảnh.

Đủ mọi kiểu tự cách ly trong công ty

Ảnh: NVCC

Tối ngày 3.7 bà L. được chuyển tới ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM để cách ly tập trung vì thuộc diện F1. Mặc dù có tù túng vì suốt ngày quanh quẩn trong phòng nhưng bà cảm thấy an tâm khi được chuyển tới đây. Hiện bà đang ở cùng một nữ công nhân khác, sức khỏe của hai người tạm thời vẫn ổn, mỗi ngày sẽ được nhân viên y tế tới đo nhiệt độ.

Phần cơm của nữ công nhân ở trong khu cách ly

ẢNH: NVCC

Nữ công nhân chia sẻ: “Bản thân là F1 có nguy cơ lây nhiễm cao nên tôi sốt ruột và lo lắng dữ lắm, cứ mong được test nhanh Covid-19 để bớt lo. Tôi có đem theo viên sủi cam để uống, súc miệng bằng nước muối đều đặn 2 buổi sáng tối. Mặc dù phòng cách ly hiện tại chỉ có 2 người nhưng vẫn thực hiện 5K, đeo khẩu trang 24/24 vì đâu biết được mình hay người kia đã nhiễm bệnh”.

Người cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCMtuân thủ quy định 5K

ẢNH: NVCC

Mấy năm qua, bà L. phải tạm nghỉ việc đôi lần nên lương lậu không có thay đổi nhiều. Nếu chỉ làm giờ hành chính 8 tiếng/ngày thì thu nhập chưa tới 7 triệu/tháng, số tiền này chỉ đủ trả tiền trọ, sinh hoạt hàng ngày và còn dư chút đỉnh để dành. “Nghe nhân viên y tế bảo cách ly tập trung được miễn phí tôi mới an tâm phần nào. Bây giờ không đi làm mà còn đóng tiền nữa thì nói thật không biết làm sao”, bà bộc bạch.
Người phụ nữ này tâm sự rằng mình từng kết hôn nhưng bây giờ đã đường ai nấy đi. Bố mẹ mất, chỉ còn người anh trai tai biến đang sống nhờ ở nhà người quen dưới quê. Sức khỏe vốn không được tốt nhưng ngày nào còn khỏe, bà vẫn cố gắng làm lụng tích góp, sau này về xây sửa lại nhà cửa.
Điều trăn trở lớn nhất lúc này của bà T.L đó là khi kết thúc cách ly tập trung thì công việc là công nhân của bà bị ảnh hưởng. Bởi theo lời bà, với một người lớn tuổi và không có bằng cấp, để tìm được một công việc ổn định trong thời dịch vốn không dễ dàng.
Theo công bố tính đến hết ngày 5.7, công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam đã có 238 trường hợp nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2. Con số này nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh của khoảng 4.000 công nhân đang làm việc tại đây cùng với muôn vàn nỗi lo sức khỏe, cơm áo gạo tiền. “Mắc kẹt” tại công ty không đi làm được lại sắp tới ngày nhận lương. Ngoài nỗi sợ không biết mình có nhiễm bệnh hay không, công nhân như ngồi trên đống lửa vì đợi lương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.