'Mắc kẹt' giữa Sài Gòn thời Covid-19: Những người gốc Huế vừa trở về quê hương

12/07/2021 12:06 GMT+7

Từng chọn TP.HCM là nơi “ăn nhờ ở đậu”, kiếm miếng cơm, nay dịch Covid-19 bùng phát mạnh rất nhiều người lao động miền Trung đã không còn lựa chọn khác, đành về góc vườn quê nhà mình sau những ngày "mắc kẹt" giữa Sài Gòn. Câu chuyện 24 người Huế đành trở về quê mới đây nhưng phải ra tận Đông Hà (Quảng Trị) rồi lại được rước trở lại Huế chính là những thân phận tiêu biểu u buồn của dịch Covid -19.

Không thể sống được ở Sài Gòn sau nhiều ngày dịch Covid-19 bùng phát. Họ trở về nhưng đó là hành trình đầy gian nan và cả nước mắt chua xót...

“Mần răng cho tui được vô Huế cách ly hè chú ơi!”

20 giờ đêm 10.7, có 2 người phụ nữ đã luống tuổi, ngồi với nhau, lóp ngóp ở ga Đông Hà. Họ là những người dân Thừa Thiên - Huế và họ chờ đơị gì và tại sao họ lại ngồi đây. Bất lực trước các quy định để phòng chống dịch của mỗi địa phương, một phụ nữ đã nói với PV Thanh Niên như cầu khấn: “Chừ mần răng cho tui vô Huế cách ly hè chú ơi!”.
“Về quê có nhà cửa, có gia đình, muối mắm, rau dưa rồi cũng qua, chứ còn ở lại chắc chắn sẽ bế tắc hoàn toàn”, chị Lê Thị Hồng Loan nói trong nước mắt.
 
Bà Nguyễn Thị Quy (64 tuổi, trú xã Phong Chương, H.Phong Điền, TT-Huế) cho hay bà đã có nhiều năm làm nghề ở đợ (giúp việc) cho nhiều gia đình ở TP.HCM. Khi biết Sài Gòn lâm nạn với dịch dã, bà đã mua vé để về quê Thừa Thiên - Huế. Bà Quy mua vé về Đà Nẵng, nhưng khi xuống ga Đà Nẵng vào trưa 9.7 thì được thông báo là sẽ đưa đi cách ly ở khách sạn với chi phí khá lớn.
“Với thu nhập hàng tháng của tôi làm sao đi cách ly như vậy được, tôi sợ quá, òa khóc. May mắn, có người thương tình hướng dẫn có tôi mua vé ra ga Đông Hà vì ga Huế hiện không đón người về từ TP.HCM”, bà Quy kể lại.

Một gia đình có cả mẹ già và con nhỏ, vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề may, nhưng đã không trụ nổi phải trở về.

Đón người dân từ Quảng Trị về cách ly tại TRung âm cách ly tại Phòng khám đa khoa khu vực Điền Hải

BNLong

Bạn đồng hành của bà Quy khi xuống ga Đông Hà đêm 10.7 là bà Hồ Thị Sen (51 tuổi, quê Lộc Thủy, Phú Lộc, TT-Huế). Đêm 10.7, ở nơi đất khách, hình ảnh của 2 bà ngồi khép nép đợi chờ làm người nhìn phải ám ảnh...
“Xác định từ vùng dịch trở về chắc chắn sẽ phải cách ly, bởi sau khi cách ly sẽ có giấy chứng nhận để về nhà. Không chỉ vì sự an toàn của bản thân mà còn cho cả gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, không ngờ cuộc trở về lại trở nên mệt mỏi đến thế, khi giữa Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có chuyện người của tỉnh này, tỉnh kia”, chị Lê Thị Hồng Loan (xã Quảng Thọ, H. Quảng Điền, Thừa Thiên -Huế) bức xúc.

Lực lượng chức năng kiểm tra khai báo y tế ở chốt kiểm dịch ga Đông Hà.

ẢNH: THANH LỘC

Có mặt trong chuyến xe của tỉnh Thừa Thiên – Huế, ra Lao bảo (Quảng Trị) đón 20 người dân trở về địa phương, PV Thanh Niên đã tận mắt chứng kiến nỗi nhọc nhằn của những người con xa xứ "mắc kẹt" giữa Sài Gòn thời dịch Covid-19 trong hành trình trở về với quê hương. Họ trong nhóm 26 người Thừa Thiên – Huế, đi tàu ra ga Đông Hà (Quảng Trị) đêm 9.7 vì không thể mua vé xuống ga Huế. Sau khi được tỉnh Quảng Trị đưa đến cách ly ở khu cách ly Trạm đo lường - Thử nghiệm thị trấn Lao Bảo (H.Hướng Hóa) biết được có đoàn ra đón về quê, những người con quê hương Thừa Thiên – Huế vui mừng khôn xiết. Từ sáng sớm ngày 10.7, những người này đã chuẩn bị hành lý đứng ngóng đợi ở hành lang khu cách ly.

Trưa 12.7: Cả nước thêm 1.112 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 879 ca

Lay lắt nơi đất khách

Bà Hồ Thị Sen (51 tuổi, quê Lộc Thủy, Phú Lộc, TT-Huế) cho hay bà dù là phụ nữ nhưng lại là công nhân 1 nhà máy gỗ ở Đồng Nai nhiều năm nay. “Dịch dã khó khăn, lương tụt, tôi nghỉ việc ở nhà máy gỗ từ tháng 6. Sau đó, những ngày ở TP.HCM, không có việc làm, tôi sống dặt dẹo, kiếm từng bữa cơm”, bà Sen kể.
Trong khoảng thời gian nghỉ việc ở xưởng gỗ vào tháng 6, bà cũng đã cố đi tìm công việc khác ở nhiều nơi, nhưng rất khó khăn. Cuối cùng, bà Sen đã không tìm được việc và không trụ nổi ở đất Biên Hòa, bà đã tìm cách về quê.
Với nghề giúp việc của mình, dù thu nhập ổn định nhưng không cao, chắt bóp lắm bà Nguyễn Thị Quy mới có chút đỉnh gửi về gia đình. "Đói no cũng nhờ nhà chủ, nhà chủ tốt thì mình đỡ 1 chút, nhà chủ khó thì mình cũng cắn răng cho qua. Dịch giã như này, ai cũng khó khăn, mọi chuyện lại khác đi", bà Quy tâm sự lúc vừa xuống ga Đông Hà.
Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Hồng Loan cho biết, khi tình hình dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM, thấy không thể trụ được trên đất khách quê người với bao áp lực chi phí từ tiền thuê nhà, tiền diện, tiền nước, tiền ăn, đó là chưa kể khi TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố, khả năng xoay sở sẽ khó khăn hơn… chị đã mua vé tàu cho cả nhà trở về quê.
“Về quê có nhà cửa, có gia đình, muối mắm, rau dưa rồi cũng qua, chứ còn ở lại chắc chắn sẽ bế tắc hoàn toàn. Thế nhưng, tối 6.7, khi đến ga Sài Gòn, chị mới biết ngành đường sắt đã ngưng nhận khách từ TP.HCM đến Huế và ngược lại. “Nhà cũng đã trả rồi, hành lý cũng đã dọn hết rồi, bây giờ quay lại TP.HCM thì biết về đâu”, chị Loan nói trong nước mắt.
Anh Trần Văn Đỉnh (xã Phong Chương. H.Phong Điền) cùng với gia đình gồm 6 thành viên cũng cùng chung cảnh ngộ trong đoàn 20 công dân Huế trở về địa phương lần này vì không thể bám trụ được nữa ở TP.HCM. Anh Đỉnh, cho biết, anh vào TP.HCM làm nghề tự do bằng việc bán gà nướng mang về tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, còn vợ làm nghề tóc, nhưng đã mất việc từ trước. Cả gia đình 6 thành viên, gồm 4 người lớn và 2 trẻ em, xác định không thể trụ được ở TP.HCM nên đã mua vé về quê.

Đoàn 20 công dân chờ đợi được đón về quê sau hành trình vất vả từ TP.HCM về Đông Hà

Ảnh: Thanh Lộc

Về quê còn có rau, cháo

“Về quê dù sao rau cháo, cũng có thứ mà ăn. Chứ ở thành phố, không có việc làm, giá cả đồ ăn thức uống leo thang, người thân thích lại không có, biết bấu víu vào ai", bà Sen tâm sự, giọng buồn rượi khi tâm sự với PV Thanh Niên tại ga tàu đêm.
Còn với anh Lê Văn Lưu (quê xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, TT-Huế), anh cho biết làm việc tại TP.HCM, thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh mất việc, sống lay lắt ở Sài thành. “Tôi cũng như rất nhiều người, muốn về quê, dù viết sẽ phải cách ly 21 ngày. Nhưng chúng tôi cùng đường rồi, không đâu bằng quê mình” ông Lưu chua xót.

Bà Quy và bà Sen ngồi giữa ga Đông Hà thấp thỏm, đêm 10.7.

ẢNH: THANH LỘC

“Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đã tạo điều kiện chúng em trở về quê, ai cũng vui mừng. Dù sao, gia đình em cũng còn may mắn, chứ còn biết bao người hiện đang gặp khó khăn ở Sài Gòn mà không thể trở về thì càng khó khăn hơn” anh Trần Văn Đỉnh nói với lúc bước lên xe. Mọi người sau khi về Huế sẽ tiếp tục cách ly theo thủ tục 21 ngày để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.