“Lượm lặt” bút tích người xưa

11/09/2011 10:00 GMT+7

(TNTS) Chữ của nhà văn Hồ Biểu Chánh hơi nghiêng nghiêng nhưng cứng cỏi, nét chữ của Thanh Tịnh rất đẹp, chữ và bản thảo chép tay của Nguyễn Hiến Lê thì chỉn chu… mỗi nét bút đều thể hiện “nết người”.

Khác với thói quen chầu chực mong gặp được các nghệ sĩ, người nổi tiếng để xin chữ ký của nhiều bạn trẻ, những người sưu tầm bút tích, di cảo của các nhà văn ngày xưa phải tìm kiếm như những nhà “khảo cổ”, thậm chí phải bới tung những tiệm sách cũ, lục lọi ở các nhà xuất bản… để có được thủ bút của “những người muôn năm cũ” mà mình hâm mộ.

Sách cũ thì dễ nhận biết vì có năm xuất bản, số lượng phát hành, nhưng chữ viết của nhà văn thì thật khó, và không phải ai cũng có thể nhận biết một cách dễ dàng. Tìm được chữ đã khó, xác định chữ đó có phải là bút tích thật sự của nhà văn ấy hay không là chuyện còn khó hơn. Có người phải thông qua các văn bản trong thư viện, ảnh chụp kiểu chữ, hoặc tìm gặp những người họ hàng của nhà văn… để xác định.

 
Bút tích của giáo sư Hoàng Xuân Hãn


Nét chữ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trên tấm danh thiếp của mình


Chữ ký của nhà văn Nhất Linh trên tờ Văn Hóa Ngày Nay

Người xưa có câu “nét chữ, nết người” - cái chữ thể hiện tính cách và cả cảm xúc của nhà văn lúc viết. Độc giả dù được đọc rất nhiều sách của một tác giả nào đó, nhưng nếu nhìn vào cuốn sách có lời đề tặng, hay thấy bút tích của nhà văn đề lên sẽ có cảm giác gần hơn rất nhiều.

Cũng lạ, có những thủ bút của nhà văn được tìm thấy trên một tấm bưu thiếp, một tờ giấy xé vội từ một quyển sổ, hay trên tấm danh thiếp… mà nhiều người sưu tầm sau này vô tình tìm được. Trong bộ sưu tập bút tích của các nhà văn, nhà báo ngày xưa của anh Vũ Hà Tuệ, có những bản chép tay khá đặc biệt như bản thảo của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê khi ông viết sách Khổng Tử, trên bản thảo còn có dòng chữ “bản này sửa kĩ rồi 11/80”, hay một bản chép tay do nhà thơ Vũ Đình Liên chép lại bài thơ Ông đồ tặng một người bạn trên một tờ giấy màu hồng, nay đã phai sắc. Trên ấn bản đặc biệt của quyển sách Một chữ tình của nhà văn Hồ Biểu Chánh còn có lời đề tặng riêng cho con trai mà anh Tuệ tình cờ tìm được trong một nhà sách cũ…

Anh Tuệ nói, thú chơi này cũng lạ lắm, nhiều khi “quý mà không hiếm”. Thủ bút của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm…  không hiếm vì bút tích của họ còn lưu lại rất nhiều. Thủ bút của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng… được xem là hiếm, nhưng không phải là không tìm được. 

Giới sưu tầm hiện đang săn lùng chữ viết của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mạc Tử, nhà văn Nam Cao... Cho đến nay nét bút của họ như thế nào vẫn là câu đố mà nhiều nhà sưu tầm chưa giải được, và ai cũng ước ao sẽ tìm thấy dù một “mẩu nhỏ” chữ viết của những nhà văn, nhà thơ tài danh này.

Nguyên Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.