Lừa tráo giấy chủ quyền nhà, đất: Siết chặt hoạt động công chứng

01/12/2016 10:36 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Lừa tráo giấy chủ quyền nhà, đất trên Thanh Niên phát hành ngày 30.11.

Quá tinh ranh
Đọc bài viết mà tôi thấy choáng. Xã hội bây giờ có đủ các chiêu trò lừa đảo mà chiêu lừa này tôi thấy quá tinh ranh. Các đối tượng lừa đảo trong các vụ việc như thế này chắc chắn phải gồm một nhóm người và họ có sự hiểu biết về quy trình, thủ tục mua bán nhà, công chứng, sang tên… Cơ quan chức năng cần sớm triệt phá băng nhóm này. Khi nào bọn người này còn tồn tại thì khi ấy nhà đất của người dân bỗng dưng bị bán lúc nào không hay.
Nguyễn Hoàng Hùng (Q.6, TP.HCM)
Vai trò của phòng công chứng
Phòng công chứng hay văn phòng công chứng là nơi chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất. Việc công chứng rất có giá trị pháp lý, đó là căn cứ để cơ quan chức năng tiến hành sang tên, trước bạ… Như vậy, đối với các hợp đồng mua bán khi ra công chứng thì cơ quan công chứng phải thật cẩn thận, tinh ý để phát hiện sự giả mạo. Trong trường hợp này, không hiểu phòng công chứng hay nhân viên ở đây có tiếp tay cho kẻ lừa đảo hay không khi bản thân người chủ căn nhà không đến phòng công chứng mà hợp đồng vẫn được công chứng. Cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc này.
Trần Trọng Vĩnh (TP.Châu Đốc, An Giang)
Người mua nhà cũng… lạ
Tôi hơi thắc mắc về người mua nhà của bọn lừa tráo giấy chủ quyền. Thông thường khi mua một căn nhà người ta sẽ rất cân nhắc, phải đến xem nhà, hỏi gia chủ để biết căn nhà đó xây dựng thế nào, đường nước, đường điện ra làm sao, thậm chí còn xác minh cả hàng xóm về căn nhà đó, lý do sao họ bán nhà, có phải nhà ở khu phức tạp không… Hơn thế, mua một căn nhà với giả rẻ hơn nhiều so với giá thị trường càng phải đặt dấu hỏi. Đây là bài học đắt giá cho những ai mua nhà mà không cẩn thận để mắc bẫy của bọn lừa đảo như trong bài viết.
Vũ Thanh Hải (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Người chết cũng “có mặt” công chứng
Thời gian gần đây có rất nhiều bài báo phản ánh về sự qua mặt của bọn lừa đảo đối với phòng công chứng, công chứng viên, ví dụ như người chết từ đời nào nhưng cũng “có mặt” ở phòng công chứng để chứng nhận giấy tờ mua bán, nay lại thêm trường hợp chủ thực sự không có mặt mà hợp đồng nhà của họ cũng được công chứng… Một khi phòng công chứng đã để lộ quá nhiều sai phạm, để kẻ lừa đảo lợi dụng sơ hở để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thì cơ quan chức năng cần phải siết chặt hoạt động của phòng công chứng.
Trịnh Hải Phong (TX.Gò Công, Tiền Giang)
Không thể ngờ
Lâu nay khi mua bán, giao dịch nhà đất bản thân tôi và gia đình cũng rất dễ tính, thường đưa cho người mua nhà đất xem bản photo, bản chính giấy chủ quyền, không hề nghĩ đến tình huống là họ sẽ tráo, đổi như thế này. May là gia đình tôi chưa gặp phải bọn người xấu. Mong rằng bài báo này được nhiều người đọc để thật cẩn thận, cảnh giác khi giao giấy tờ nhà đất dù là bản photo cho người khác nắm giữ.
Huỳnh Độc Lập (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM)
       
Nhà cửa mình đang ở mà người ta đem bán, có công chứng hẳn hoi thì thật đáng sợ. Nhà nước phải bảo vệ người dân trong những tình huống như thế này. Nhà đang có nhu cầu bán lại bán không được vì vướng tranh chấp một cách lãng xẹt do tội phạm gây ra. Người dân không thể tự bảo vệ mình trong trường hợp này, tất cả phải trông chờ vào cơ quan chức năng.
Đào Văn Thọ (Q.Tân Phú, TP.HCM)
       
Nếu xác minh lỗi của công chứng viên hoặc phòng công chứng trong việc công chứng hợp đồng mua bán nhà đất do bọn lừa đảo dàn dựng thì buộc phòng công chứng phải bồi thường thiệt hại. Là cơ quan công chứng thì phải có trách nhiệm xác minh sự thật, phát hiện giả mạo giấy tờ chứ không thể nói là không biết rồi vô can.
Huỳnh Minh Đạt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.