Lừa đảo ponzi 'oanh tạc' vùng quê: Đừng để rơi vào bẫy

20/09/2016 10:35 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên số phát hành ngày 19.9 đăng bài Lừa đảo ponzi “oanh tạc” vùng quê .

Cần tăng cường công tác quản lý
Bị lừa, rơi vào nợ nần, tan nhà nát cửa… là những hệ lụy mà các nạn nhân gặp phải khi tham gia các sàn giao dịch bitcoin. Đau xót hơn khi số nạn nhân là những người dân ở vùng quê, không dư giả về tiền bạc. Bọn lừa đảo đánh vào tâm lý ham lãi cao, thiếu thông tin của người dân nơi đây để giăng bẫy. Tàn nhẫn hơn khi nạn nhân kéo theo rất nhiều người thân, bà con, dòng họ, hàng xóm để tham gia vào sàn giao dịch để rồi bị lừa. Mong sao cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý để những vụ việc đau lòng như thế này không còn diễn ra.
Hồ Minh Ngân (Q.7, TP.HCM)
Cơ quan chức năng ở đâu ?
Những sàn giao dịch này đâu có tổ chức lén lút, kín kẽ mà rất công khai. Họ mời nhiều người đến các hội thảo được tổ chức ở những khách sạn sang, đẹp, từ đó chiêu dụ tham gia. Câu hỏi đặt ra là các cơ quan chức năng sao không biết, không ngăn chặn hành vi lừa đảo này? Hàng loạt người dân bị vỡ nợ, lâm vào cảnh túng bấn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Để xảy ra chuyện này thì chính quyền có một phần trách nhiệm.
Huỳnh Đức Trọng (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Tăng cường tuyên truyền
Hiện nay các chiêu thức huy động vốn qua sàn giao dịch nhưng thực chất là lừa đảo diễn ra khá rầm rộ. Ở các thành phố, thị trấn, thị xã…, người dân đề cao cảnh giác, có cơ hội tìm hiểu thông tin nên bọn lừa đảo chạy về các vùng quê để giăng lưới. Đây là điều vô cùng nguy hiểm cho những người nông dân chân chất. Vì lòng tham, thiếu hiểu biết nên nhiều người rơi vào bẫy lừa. Chính quyền các địa phương cần tăng cường cảnh báo các chiêu thức, mánh lới, đặc biệt là tuyên truyền để người dân phòng tránh.
Mai Hồng Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Đừng quá tham lam
Những ông chủ của các sàn giao dịch này biết đánh vào lòng tham của các nạn nhân. Hơn nữa, chiêu thức của bọn chúng là dùng người địa phương để chiêu dụ người khác và bọn chúng đã thành công. 22 tỉ đồng ở An Khê, Gia Lai là số tiền rất lớn đối với địa phương này. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang và sẽ bị chiêu dụ bởi hình thức góp vốn hay tham gia sàn giao dịch này.
Đào Văn Bằng (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)
Chẳng ai cho không mình cái gì…
Tôi luôn tâm đắc câu “Chẳng ai cho không mình cái gì bao giờ”. Vì thế, nghe ai đó nói sẽ cho, tặng cái này, cái kia, tham gia cái nọ sẽ có lãi cao… tôi đều mỉm cười cho qua. Tốt hơn là tự làm tự ăn, cái gì thấy dễ ăn quá thì luôn cảnh giác. Mong sao những bài báo như thế này đến được với mọi người dân ở mọi vùng quê.
Vũ Minh Nguyệt (TP.Vinh, Nghệ An)
       
Nguy hiểm nhất là cứ sàn giao dịch mang tính lừa đảo này sập thì có ngay sàn khác thế vào. Chẳng lẽ cơ quan chức năng không thể phát hiện và ngăn chặn được hay sao? Mong sao lực lượng cảnh sát kinh tế ở các địa phương sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn những kiểu lừa đảo này, giúp người dân tránh được nguy cơ mất mát tài sản, rơi vào cảnh nợ nần.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
       
Việc huy động tiền có trả lãi suất phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Chắc chắn các sàn giao dịch này không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, đó là lý do khi nộp tiền vào ngân hàng cho họ, các nạn nhân phải ghi nội dung chuyển tiền là mua gạo... để qua mặt cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý đến nơi đến chốn những hành vi lừa đảo này.  
 Nguyễn Hoàng Minh (H.Bến Lức, Long An)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.