Lòng sông như phố

28/06/2020 10:36 GMT+7

Trong ánh ban mai mới chớm, tôi bỗng thấy lòng sông như phố. Thuyền ghe chở đủ loại hàng hóa qua lại í ới nhau mua bán như thể người thân trong nhà.

Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ chòng chành giữa buổi sớm mai trên mặt sông chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), bưng tô bún riêu nóng dậy mùi đặc trưng nhờ muỗng mắm ruốc, tôi chưa từng hình dung mình sẽ có một bữa sáng kiểu như thế trong đời.
Nhìn người phụ nữ đã ngoài 50 ngồi vững chãi bên nồi nước lèo trên ghe, tay thoăn thoắt bốc bún, bỏ rau, múc nước lèo vào tô rồi chuyền qua cho ghe khách gọn trơn mà tôi thầm thán phục. “Ở đây mình ên tui bán bún hà. Bún riêu hay hủ tiếu?”. Bất kể ghe lớn chạy ngang, sóng nước dập vào, lắc lư dữ.
Trong ánh ban mai mới chớm, tôi bỗng thấy lòng sông như phố. Thuyền ghe chở đủ loại hàng hóa qua lại í ới nhau mua bán như thể người thân trong nhà. Có ghe còn bố trí còi bấm, đi ngang một chỗ đông lại bấm 3 tiếng còi để gây chú ý bán hàng theo một kiểu rất ngang tàng mà dễ thương hết mức. Có ghe chất đầy dưa gang, dưa hấu, nhìn như một kho dưa to đùng đang cố bỏ chạy khỏi đám ghe thuyền chen chúc.
Một người trên xuồng của tôi hỏi cà phê, cô bán bún ngó quanh rồi ới to một tiếng. Giữa đám đông ghe thuyền trên khúc sông đông chật thế mà lại có thể nhận ra ngay chiếc ghe cần tìm thì không phải ai cũng nhanh thế được. Thế là ghe anh bán nước cập tới, nụ cười chào bình dân hồn nhiên trong nắng sớm. Phê đá 6 ngàn, phê sữa 8 ngàn, câu ghẹo ngộ nghĩnh, tiếng cười giòn tan, nghe vui tai như thể một khúc rap nghịch ngợm mà bọn trẻ nhí nhố vẫn hay đớp nhả trên mạng.
Không phải lần đầu tôi có trải nghiệm về chợ nổi trên sông, nhưng khúc chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng nổi tiếng này quả thật rất ấn tượng theo một cách hoàn toàn khác. Mà cái chất hoàn toàn khác ấy lại chính là trải nghiệm chân thực luôn khiến những người yêu mến miền Tây sông nước muốn tìm về. Không màu mè, không biểu diễn, không dàn dựng, nếp sống chân thực của người miền Tây như bày ra trước mắt bạn, chen chúc nhưng đầy đủ trong một khúc sông chia 5 ngả xuôi về các hướng Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp.
“Mấy bận cứ ghe qua chỗ này là tui sợ lắm. Kẹt ghe như kẹt xe. Rồi lật ghe nữa. Giờ bớt nhiều rồi”. Người đàn ông cầm lái chiếc xuồng tôi ngồi bỗng hạ giọng buồn buồn thêm câu giải thích: “Giờ nhiều người lên thành phố sống lắm. Sống trển chắc vui, dễ có tiền, chứ dưới này cực quá. Dọc sông thì có lộ nên người ta chạy xe cho khỏe. Chạy xe tới đây rồi leo xuống ghe chèo đi chợ”.
Theo hướng tay anh chỉ, tôi nhìn thấy mấy chiếc ghe nhỏ xíu do phụ nữ chèo tay đưa khách đi qua đi lại trên chợ nổi. Cảm giác cứ như mình đang chạm tay vào một trang sách cũ đầu thế kỷ và các nhân vật tự dưng bước ra chào.
Tôi chỉ một chiếc ghe vừa chạy ngang qua rồi tỏ vẻ rành rọt như thể dân địa phương: “Ghe này Cà Mau lên nè”. Người bạn đi cùng tỏ vẻ ngạc nhiên, còn tôi thì bắt chước kiểu cười khanh khách đầy sảng khoái của người miền Tây: “Nhìn là biết liền hà”. Nhìn là nhìn cái số hiệu ghi trên ghe, có chữ “CM” đằng trước rồi so với ký hiệu “ST” ở ghe khác mà đoán thôi. Ghe Cà Mau qua, ghe Sóc Trăng lại, có chiếc đỏm dáng sơn xanh sơn đỏ, đan xen rối mắt như một cuộn len đủ màu mà vẫn đủ quyến rũ để khiến người ta luồn tay vào gỡ rối. Những cặp mắt ghe trước mũi nhìn cứ như của kẻ đang ngơ ngác lao vào phố chợ trên sông mà chẳng hiểu vì sao đông đến thế.
Tôi bỗng thèm nghe câu vọng cổ “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên dòng kinh Ngã Bảy...”. Có thêm câu vọng cổ đó nữa thì có lẽ phố sông chợ nổi buổi sớm sẽ trở nên huyễn hoặc như nơi chốn để mơ về. Phố sông nơi chợ nổi Ngã Năm chật là chật thật đấy, nhưng chẳng bao giờ thiếu chỗ cho những trải nghiệm đích thực về vùng đất sông nước mộc mạc và con người chất phác miền Tây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.