'Lội' sông đi tiêm chủng

Liên Châu
Liên Châu
06/06/2019 13:34 GMT+7

Xã ven biển Lâm Hải (huyện Năm Căn, Cà Mau) chưa thuận lợi về giao thông với 8/11 ấp người dân đi lại bằng đường sông, nhưng các bé luôn được quan tâm tiêm chủng đầy đủ .

Lội sông, đội mưa đi tiêm chủng

Trời mưa khá nặng hạt nhưng trong ngày tiêm chủng theo lịch tại Trạm Y tế xã Lâm Hải, khu vực đón tiếp các bé đến tiêm đã đông vui từ đầu giờ sáng. Trạm Y tế xã Lâm Hải nằm kề bên sông Trại Lưới, cứ đến ngày tiêm chủng, ghe chở các bé neo kín bến.
Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của bé Tiêu Diệp Thảo Chi (nhà ở ấp Trường Đức, xã Lâm Hải), cho biết: “Con gái em được hơn 2 tháng tuổi, lần này đến trạm y tế được khám sức khoẻ và hướng dẫn chích ngừa vắc xin 5 trong 1".
Các gia đình trẻ tại xã Lâm Hải cho con đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng ẢNH LIÊN CHÂU
Ngay khu vực sảnh của Trạm Y tế xã Lâm Hải, các cán bộ của trạm đã bố trí khu vực tiếp đón rất sạch sẽ, thoáng mát với mái che mưa nắng kiên cố. Tại đây, các bé được cha mẹ cân, đo chiều cao trước khi được chuyển tới phòng khám sàng lọc kiểm tra sức khỏe để có chỉ định tiêm phù hợp.
Gắn bó nhiều năm với Trạm Y tế xã Lâm Hải, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Trạm Y tế xã Lâm Hải, cho biết: “Lâm Hải là 1 trong 22 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Cà Mau với nhiều kênh, rạch; giao thông chủ yếu bằng đường thủy, dân cư sống thưa thớt và rải rác theo sông, rạch, rừng. Trên các sông rạch của xã, hàng ngày đều có 2 con nước: nước lớn và nước ròng. Tuy đi lại không thuận lợi như đường bộ nhưng các gia đình có con nhỏ vẫn có ý thức đưa con đi tiêm chủng đầy đủ".
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý (bìa trái) và các các bộ y tế xã Lâm Hải luôn nhận được tin yêu của người dân trong xã ẢNH LIÊN CHÂU
“Mỗi cuốn sổ tiêm chủng có ghi số điện thoại của bác sĩ, được gia đình giữ gìn cẩn thận. Khi các cha, mẹ có lo lắng về sức khỏe của bé sau tiêm đều có thể liên lạc để bác sĩ hướng dẫn chăm sóc bé”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho biết thêm.
Chị Trần Thị Kim Lân, mẹ của bé Tuấn Kiệt, nhà ở ấp Nà Chiêm, chia sẻ sau mỗi lần con được tiêm chủng, các y, bác sĩ ở trạm đều dặn về nhà theo dõi bé có sốt cao không; có quấy khóc nhiều không... "Bé nhà em tiêm 2 mũi “5 trong 1”, sốt ít thôi. Lần trước, khi cho con tiêm mũi đầu tiên cũng lo, vì một phần trên mạng hay đưa các bé tiêm bị phản ứng, nhưng bây giờ em thấy yên tâm. Nếu cần giúp đỡ thì gọi điện có bác sĩ Quý hướng dẫn”, chị Lân nói. 

Cuốc  "xe ôm" vì sức khỏe người dân

Bé gái Cát Vy được mẹ bế đến trạm tiêm chủng với một chặng xe do Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải Nguyễn Việt Khanh đưa đến tận sân trạm y tế. “Tôi đang đi công việc, thấy em bé được mẹ bế lội bộ cũng hơi xa nên chở giùm”, anh Khanh kể.
Bé Cát Vy ngoan ngoãn rời xe, được mẹ bế đến bàn tiếp đón làm thủ tục tiêm chủng. Dường như bé đã hết sức quen thuộc với các cô, các bác tại Trạm y tế xã Lam Hải.
“Bà con bây giờ rất ý thức trong việc đưa con mình đi tiêm chủng, đặc biệt là các bố mẹ trẻ có con nhỏ. Tuy nhiên, xã cũng có khó khăn trong triển khai tiêm chủng do di biến động dân. Một số vợ chồng trẻ đi làm ăn xa, con nhỏ đi theo bố mẹ hoặc gửi ông bà, khiến trẻ không được tiêm đầy đủ. Vì vậy, ngoài đội ngũ các y, bác sĩ tại trạm, xã còn có các cộng tác viên y tế tham gia truyền thông về tiêm chủng, nhắc nhở, hướng dẫn các gia đình cho con đi tiêm đúng lịch”, anh Nguyễn Việt Khanh cho hay.
Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải Nguyễn Việt Khanh (bìa trái) tình nguyện làm "xe ôm" cho mẹ con bé Cát Vy đến Trạm Y tế xã Lâm Hải trong buổi tiêm chủng ẢNH LIÊN CHÂU
Theo bác sĩ Quý, các y, bác sĩ tại Trạm Y tế xã Lâm Hải lưu đầy đủ số điện thoại của cha mẹ các bé trong độ tuổi tiêm chủng; gửi tin nhắn, điện thoại nhắc lịch tiêm để các gia đình đưa con đi tiêm đúng lịch.
Tại xã Lâm Hải, trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt tỷ lệ cao. Trong đó, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh đạt 80%; các vắc xin “5 trong 1”, sởi, BCG đạt 92 - 94%; các trẻ được tiêm vắc xin viêm não mũi 1, 2 và 3 đạt 100%; phụ nữ mang thai tiêm uốn ván đạt 97%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.